09/11/2017 09:52 GMT+7

Người dân khó khăn có thể tham gia thành phố thông minh?

MAI HOA - MAI HƯƠNG
MAI HOA - MAI HƯƠNG

TTO - Sự tham gia của bộ phận người dân còn sống trong điều kiện khó khăn, không rành công nghệ... khi triển khai thành phố thông minh như thế nào?

Người dân khó khăn có thể tham gia thành phố thông minh? - Ảnh 1.

Công ty FPT giới thiệu phần mềm quản lý đô thị thông minh, cơ sở hạ tầng thông tin, hệ thống lưu trữ dữ liệu đáp ứng nhu cầu cho việc phát triển đô thị thông minh - Ảnh: TỰ TRUNG

Lãnh đạo TP.HCM luôn lắng nghe dân trong mọi vấn đề khi triển khai đề án, bởi ở một đô thị thông minh, sự tương tác sẽ ngày càng mạnh mẽ và dễ dàng hơn giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp

Phó chủ tịch UBND TP.HCM TRẦN VĨNH TUYẾN

Câu hỏi này được nhiều đại biểu HĐND TP.HCM đặt ra trong hội nghị chuyên đề góp ý đề án "Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025", diễn ra chiều 8-11.

Giải quyết ngay những việc sát sườn

Đại biểu Tăng Hữu Phong (phó bí thư Quận ủy Tân Phú) cho rằng về mặt chủ trương, tới thời điểm này đã thống nhất rất cao việc triển khai đề án xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh. 

Ông Phong cũng cho rằng thời điểm này triển khai đề án là phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội vì khoảng 5 năm trở lại đây, việc sử dụng các thiết bị điện tử thông minh của người dân phát triển hơn rất nhiều so với trước.

Tuy nhiên theo ông Phong, hầu như chỉ những người làm công việc văn phòng hoặc có đời sống tương đối khá mới thường xuyên sử dụng các thiết bị thông minh, còn lại vẫn chỉ tiếp cận ở mức độ nhất định. 

"Dù chúng ta có áp dụng mạnh mẽ công nghệ tới mức nào thì vẫn sẽ có một bộ phận người dân không thể tương thích được với đề án này. Vậy khi đó việc phục vụ của bộ máy công quyền với nhóm này sẽ như thế nào là điều cần được quan tâm" - ông Phong góp ý.

Đại biểu Phạm Quốc Bảo, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, đưa ra ví dụ công ty điện lực triển khai lắp đặt điện kế điện tử, nhưng nhiều người dân vẫn chưa hiểu hết. Từ đó, ông Bảo đặt vấn đề phải tuyên truyền, hỗ trợ để nhận thức của người dân trong đô thị thông minh được nâng lên. 

"Vì các tiện ích đều phục vụ người dân mà dân không thể tiếp cận được hết thì sẽ lãng phí" - ông Bảo nói.

Về vấn đề này, ông Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng không thể nào mà tất cả mọi người dân đều có thể sử dụng được tất cả tiện ích của thành phố thông minh. Do đó vẫn sẽ song song tồn tại hai hình thức là trực tiếp giải quyết việc của dân như trước nay và làm trực tuyến để hỗ trợ tốt nhất cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Trí cũng cho rằng tiện ích mà thành phố thông minh mang lại là không bàn cãi, nhưng nên chọn những vấn đề sát sườn, ảnh hưởng nhiều nhất đến đời sống của người dân để làm trước. 

Ví như trước tình trạng quá tải bệnh viện, làm sao giảm bớt các giấy tờ thủ tục, làm sao để sắp tới người dân không cần mang giấy tờ gì mà chỉ cần một mã vạch, đến bất cứ cơ sở y tế nào cũng có thể có đầy đủ thông tin.

"Thành phố thông minh": Tăng tiện ích, không tăng biên chế 'Thành phố thông minh': Tăng tiện ích, không tăng biên chế Xây dựng thành phố thông minh: Cần huy động nguồn lực tư nhân Xây dựng thành phố thông minh: Cần huy động nguồn lực tư nhân Xây thành phố thông minh: công nghệ không là yếu tố quyết định Xây thành phố thông minh: công nghệ không là yếu tố quyết định

Ngân hàng sẽ góp dữ liệu?

Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu cho rằng các ngân hàng hiện nay có dữ liệu rất đầy đủ, có thể sử dụng nguồn này để cùng chính quyền quản lý dân cư. Chẳng hạn doanh nghiệp trốn thuế, nợ lương công nhân thì hồ sơ doanh nghiệp đó ngân hàng nắm được hết. 

Ông Hiếu cũng đặt vấn đề phải có quy định về sở hữu dữ liệu. Bởi trong thành phố thông minh, dữ liệu của người dân được thu thập về rất đầy đủ thông qua một đơn vị thứ ba. Nếu các dữ liệu này bị lấy để phục vụ mục đích kinh doanh của họ thì phải có quy định để xử lý.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM - cho biết hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 104 tổ chức tín dụng, phi tín dụng, phục vụ khoảng 8 triệu khách hàng là các tổ chức và cá nhân. 

Để thực hiện được chính sách thu hút khách hàng, đảm bảo hạn chế rủi ro, các ngân hàng có hệ thống thông tin quản lý dữ liệu cá nhân của khách hàng rất chặt chẽ. Chỉ cần có CMND là biết khách đó tên gì, đang nợ ngân hàng nào, bao nhiêu... 

"Chúng tôi cũng nhận thức được vai trò vị trí của mình trong việc đóng góp vào đề án này và sẽ có ý kiến chính thức góp ý cho đề án" - ông Minh nói.

Một vấn đề khác cũng được các đại biểu đặt ra là sự phân công, phân cấp của các đơn vị trong quá trình triển khai đề án. 

Chẳng hạn, nên làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan khi tham gia đề án này, từ quận huyện, phường xã phải tham gia tới mức độ nào, trình độ của cán bộ công chức phải đạt tiêu chuẩn nào để có thể vận hành bộ máy.

Ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết sau khi được góp ý, hoàn thiện, đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh sẽ trình chủ tịch UBND TP ký ban hành.

MAI HOA - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên