04/08/2012 05:26 GMT+7

Người dân đã nhận gánh nặng

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Gần 100 ý kiến phản hồi của bạn đọc về chuyện viện phí tăng đã cho rằng đây thật sự là gánh nặng cho người bệnh, nhất là khi tăng viện phí mà việc khám chữa bệnh vẫn chưa được cải thiện.

Các ông nghị hãy cảnh giác!Lặng lẽ tăng viện phíBi hài viện phí mới

2X03hTO0.jpgPhóng to
Người dân muốn viện phí tăng thì chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cũng phải tăng tương ứng. Trong ảnh: các bệnh nhi được điều trị tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: MINH ĐỨC

Chưa thấy cam kết thay đổi

Viện phí đã tăng đồng loạt. Đa số người bệnh tỏ ra ngơ ngác, không phải vì không biết trước mà chủ yếu do tiếc tiền, xót của. Ai mà không biết viện phí sớm muộn gì cũng tăng, thậm chí tăng mạnh. Có điều, người bệnh và thân nhân người bệnh nào cũng mong đừng tăng hôm nay hoặc ngày mai, mà nên đợi đến khi khác, bởi lúc này cuộc sống đang khó khăn, gia đình nào cũng thắt chặt chi tiêu.

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe, một khi được thực hiện trong khuôn khổ hoạt động nghề nghiệp, thì phải có thu tiền. Về mặt lý thuyết, người nào hưởng dịch vụ thì phải trả phí. Song, vì sức khỏe của mỗi người không chỉ là tài sản riêng của người đó mà còn là nguồn tài nguyên của xã hội nên Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ. Thông qua hệ thống bảo hiểm xã hội, Nhà nước, tùy theo khả năng của mình, có thể hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí cần thiết cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trước mắt, nếu Nhà nước lo không nổi thì người dân phải nhận lấy gánh nặng chứ không có sự lựa chọn. Vấn đề là phải làm thế nào để bảo đảm sự chi trả ấy được đánh đổi tương xứng với một dịch vụ có chất lượng. Chính nhà chức trách y tế chứ không là ai khác phải là người cầm trịch trong việc giải quyết vấn đề này.

Đáng lý song song với lộ trình tăng viện phí mà xã hội đều biết phải là lộ trình hoàn thiện cũng nhận biết được đối với hệ thống dịch vụ y tế và hệ thống quản lý của Nhà nước về dịch vụ đó.

Ngày hôm qua, thời kỳ của viện phí thấp là một bức tranh dịch vụ nhếch nhác. Ở khu vực công là các cơ sở điều trị chật chội, kém vệ sinh; thiết bị y tế lạc hậu; nạn vô cảm, tắc trách, nhũng nhiễu phổ biến... Ở khu vực tư là sự bùng phát như nấm mọc sau mưa các phòng khám tư nhân không được kiểm soát về chuyên môn cũng như về giá cả.

Thế thì ngày hôm sau, thời kỳ của viện phí cao, phải là hình ảnh tích cực đặc trưng bởi sự thông thoáng, sạch sẽ, ngăn nắp, trật tự của nơi điều trị; sự tinh thông về chuyên môn và thái độ thân thiện, tận tụy, nhiệt tình của thầy thuốc. Trên hết là sự cải thiện thấy được về hiệu quả của các biện pháp tác nghiệp từ thăm khám, chẩn đoán đến điều trị.

Trên thực tế, dù gánh nặng đã được trao cho dân thông qua quyết định bật đèn xanh của nhà chức trách cho việc tăng viện phí, sự bảo đảm của nhà chức trách, bằng cam kết chính thức và có tính pháp lý, về chất lượng dịch vụ được cung ứng lại chưa rõ ràng. Chẳng hạn ai sẽ chịu trách nhiệm và chịu như thế nào, theo các quy định cụ thể nào của luật, nếu sau một thời gian viện phí tăng mà tình hình không được cải thiện? Và bộ trưởng Bộ Y tế có phải từ chức khi rốt cuộc mọi thứ vẫn như cũ hoặc tệ hơn, dù xã hội, người dân đã bị buộc phải chi trả nhiều hơn?

Quên khoản chu cấp quá lớn từ Nhà nước

Trang 4 báo Tuổi Trẻ ngày 3-8, bài “Tập trung cải thiện thái độ phục vụ” có dẫn lời bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi: “Trước giá công khám chỉ 3.000 đồng, người bệnh không tin vào chất lượng dịch vụ, không dùng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), nay giá công khám lên 20.000 đồng, chắc chắn chất lượng khám phải cao hơn. Người chưa có thẻ càng phải tham gia BHYT nhiều hơn”.

Tôi hiểu qua đây bộ trưởng muốn động viên người dân tham gia BHYT nhiều hơn. Nhưng tôi băn khoăn giá công khám mà bộ trưởng nêu như trên dễ gây ngộ nhận: thứ nhất, giá công khám chỉ 3.000 đồng, đến nay mới được nâng lên 20.000 đồng; thứ hai, tăng lên 20.000 đồng để nâng chất lượng khám chữa bệnh.

Thật ra, từ trước tới nay chính sách viện phí chủ yếu do Nhà nước lo, người dân đi khám chữa bệnh chỉ phải trả một phần viện phí. Ví dụ, tổn phí cho một ca bệnh hết 1 triệu đồng thì ngân sách trả 70%, còn người bệnh có hay không có BHYT chỉ phải trả 30% (tức là trả một phần nào đó thôi). Cơ chế này không phải chỉ áp dụng đối với công khám mà với tất cả dịch vụ còn lại (ví dụ như tiền ngày giường bệnh, tiền phẫu thuật, thủ thuật, tiền thuốc, cận lâm sàng, tiền vật tư y tế...). Phần 70% ngân sách trả là cấp thẳng cho bệnh viện. Ngoài ra, một phần viện phí thu của người bệnh và từ quỹ BHYT bệnh viện được giữ lại chi cho các hoạt động của bệnh viện phục vụ bệnh nhân. Đấy là chưa kể toàn bộ cơ sở hạ tầng như đất đai, nhà cửa, máy móc thiết bị y tế, phương tiện... đều do Nhà nước chu cấp.

Thế nhưng, dường như bệnh viện và ngành y tế lâu nay quên khoản chu cấp quá lớn của Nhà nước nên mới có chuyện luôn kêu ca về giá viện phí quá thấp. Khi dư luận và người bệnh bức xúc phản ứng về chất lượng và thái độ của thầy thuốc, nhân viên y tế thì thường nhận được lời đổ lỗi cho người bệnh và BHYT trả quá ít. Vậy nên, tình trạng quá tải và sa sút về y đức và chất lượng khám chữa bệnh hiện nay mà trông chờ chủ yếu vào việc tăng giá viện phí thì khó có thể xoay chuyển được tình thế.

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế):

Yêu cầu công khai viện phí mới

Ngày 3-8, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê đã có công văn gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, sở y tế, cơ quan y tế các ngành, yêu cầu thực hiện ngay việc công khai bảng giá khám chữa bệnh sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại khu vực dễ quan sát, kịp thời giải đáp những thắc mắc của người dân trong việc điều chỉnh viện phí, đảm bảo tính minh bạch trong áp dụng viện phí mới.

Cùng ngày, Trung tâm Giám định và thanh toán đa tuyến (Bảo hiểm xã hội VN) cho hay đang rà soát lại cơ cấu viện phí mới. Qua rà soát viện phí tại mười bệnh viện tuyến trung ương cho thấy đang có những bất hợp lý trong tính viện phí. Cụ thể, các bệnh viện đang cơ cấu vào giá mỗi chỉ số xét nghiệm sinh hóa một ống lấy máu, một bơm kim tiêm, một giấy báo kết quả và hơn 1kWh điện chạy máy xét nghiệm sinh hóa, trong khi thực tế theo dõi bệnh án thì ít nhất một lần lấy máu làm xét nghiệm sinh hóa, bệnh viện thực hiện 5 chỉ số/bệnh nhân, cá biệt có trường hợp làm đến 25 loại chỉ số. Theo Trung tâm Giám định và thanh toán đa tuyến, tính như bệnh viện hiện nay, các phụ phí này quá cao.

Tính đến ngày 3-8, Bảo hiểm xã hội VN cho biết có mười địa phương đã và bắt đầu thực hiện viện phí mới, trong đó có Cần Thơ, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cà Mau... Đã có 47 địa phương và năm bệnh viện trung ương được thông qua bảng viện phí mới, nhưng một số địa phương đã dời thời gian áp dụng sang ngày 1-9 hoặc 1-10.

* Chánh văn phòng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Trường vừa có văn bản gửi Vụ Bảo hiểm y tế đề nghị kiểm tra tình trạng “móc túi” người bệnh bằng cách giao bệnh nhân đi mua các vật tư đã được bảo hiểm y tế chi trả (Tuổi Trẻ ngày 1-8), báo cáo về văn phòng Bộ Y tế trước ngày 6-8 để kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế và thông báo kết quả cho tổng biên tập báo Tuổi Trẻ.

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên