03/08/2015 06:36 GMT+7

Người dân có được lợi khi giá điện còn 3 bậc?

VÕ HƯƠNG - C.V.KÌNH - MẠNH KHANG
VÕ HƯƠNG - C.V.KÌNH - MẠNH KHANG

TTO - Biểu giá điện bậc thang lũy tiến từ 6 bậc có thể giảm còn 3 bậc. Nếu giảm số bậc nhưng hệ số cho mỗi bậc vẫn cao thì người sử dụng điện sinh hoạt có được lợi?

Đồ họa khung giá điện, so sánh mức giá bình quân và tỉ lệ người sử dụng điện - Đồ họa: V.Anh

Bộ trưởng Bộ Công thương vừa yêu cầu yêu cầu Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) nghiên cứu để giảm số bậc thang lũy tiến trong biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt cho người dân từ 6 về còn 3, tiến tới chỉ có một bậc thang.

Tuy nhiên, trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, chưa thể khẳng định việc giảm bậc thang này có giúp người dùng nhiều điện được giảm tiền điện phải trả hay không. 

Ông Anh Tuấn cho biết, theo thống kê, hiện có khoảng 40% người sử dụng điện chỉ dùng hết dưới 100 kWh/tháng.

Giảm bậc nhưng có giảm giá?

Giá điện bình quân cho một kwh đã tăng liên tục từ 1.369 đồng (năm 2012) lên 1.622 đồng (năm 2015).

Bạn đọc H.K. lo lắng đặt trường hợp: “Nếu bậc dưới 50 kWh và trên 400kWh vẫn tính như giá cũ, còn gom những mức còn lại vô một bậc nhưng tính theo giá của bậc 3 thậm chí là bậc 4 hiện tại thì những gia đình đang dùng ở mức của bậc 2, 3 hiện tại sẽ rất khó khăn".

Anh Tuấn Kiệt (Tiền Giang) thắc mắc: “Giảm 3 bậc nhưng các bậc đó như thế nào? Giá có giảm không hay giảm? 3 bậc rồi vài tháng lại tăng giá điện? Xưa nay ngành điện độc quyền nên giá chỉ có tăng, càng ngày càng lên giá mà chất lượng không thấy lên theo?”

Ảnh minh họa: N.C.T.

6 bậc hiện tại bất cập, mang tính hình thức

Theo PGS. TS. Nguyễn Minh Phong,chuyên gia kinh tế: Biểu giá lũy tiến hiện tại có mức giãn cách hẹp nên không có giá trị cho mục tiêu tiết kiệm điện mà chỉ mang tính hình thức.

“Khi để giãn cách quá thấp sẽ có những bậc nằm trong diện sử dụng tất yếu, một tháng hộ dân không thể tiết kiệm nhiều hơn nên họ không được lợi gì cả”, ông Phong nói.

Phó giáo sư, tiến sĩ (PGS. TS) Ngô Trí Long - nguyên Viện phó Viện nghiên cứu Thị trường giá cả phân tích: Có hai lý do để người dân phải trả tiền điện cao là công tơ sai hoặc biểu giá lũy tiến không hơp lý.

Mức giá điện bình quân hiện nay là 1.622 đồng/kwh. Điều này đồng nghĩa, nếu lấy mức giá của từng bậc so với giá điện bình quân, ta thấy có hai bậc thấp hơn là bậc 1 (thấp hơn 8,5%) và bậc 2 (thấp hơn 5%).

Các bậc còn lại cao và cao hơn rất nhiều so với giá điện bình quân: bậc 3 (cao hơn 10%), bậc 4 (38%), bậc 5 (54%) và bậc 6 cao nhất (59%).

Trong khi đó, người dân sử dụng điện trung bình mỗi tháng đều từ 100- 300 kWh, tức đều phải trả mức giá cao hơn giá điện bình quân.

Cần nói thêm rằng, chỉ với giá điện bình quân, tức là 1.622 đồng/kWh, ngành điện đã đủ để có lãi.

“Dù có 40% người sử dụng điện chỉ dùng hết dưới 100 kWh/tháng nhưng sản lượng điện mà 40% này dùng là rất thấp so với 60% người dùng còn lại. Đây là điều bất hợp lý, bước hệ số quá cao so với giá điện bình quân đã gây thiệt hại cho phần lớn người tiêu dùng”, ông Long cho biết.

Bảng giá điện sinh hoạt:

STT Mức sử dụng một hộ trong tháng Mức giá (đồng/kwh)
1 Cho 0-50kwh 1.484
2 Cho kwh từ 51-100 1.533
3

Cho kwh từ 101-200

1.786
4 Từ 201 đến 300 2.242
5 Từ 301 đến 400 2.503
6 Trên 400 2.587
     

Chú ý độ giãn cách và hệ số

Theo ông Long, việc điều chỉnh biểu giá điện thành 3 bậc cần xem xét độ giãn cách và hệ số giữa các bậc. “Hệ số giữa bậc đó với giá điện bình quân nếu vẫn cao thì việc điều chỉnh là vô nghĩa vì người dân vẫn chịu thiệt”, ông Long nói.

PGS. TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng: Nên chia bậc nới rộng mức đầu và giữa, riêng mức cuối có thể tăng giá cao để những hộ tiêu thụ điện quá nhiều sử dụng tiết kiệm hơn.

Theo viện sĩ, giáo sư Trần Đình Long - phó chủ tịch Hội Điện lực VN, mỗi bậc giá điện sẽ có từng đối tượng được hưởng lợi, vấn đề là cách chia như thế nào để phù hợp với tình hình xã hội, tránh việc nay giảm từ 6 thành 3 bậc, mai lại tăng 3 lên 5 bậc… gây xáo trộn đời sống kinh tế - xã hội.

Về thông tin biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt cho người dân sẽ tiến tới chỉ có một bậc thang, ông Ngô Trí Long cho rằng ngay lúc này chưa phù hợp vì nguồn cung điện ở nước ta chưa đáp ứng đủ nhu cầu và như vậy khi ngành điện quy về một mức, người thu nhập thấp sẽ phải trả mức giá cao hơn trong khi người thu nhập cao, sử dụng điện nhiều cũng trả cùng mức giá ấy.

PGS. TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc tiến tới còn một bậc thang sẽ ảnh hưởng nguồn cung, cổ súy người dân bao cấp cho những công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng.

Nhiều người dân cho rằng, cách tính giá điện 1 bậc, 3 bậc hay 6 bậc là việc của ngành điện. Tuy nhiên, ngành điện hãy làm sao đó để có mức giá điện ổn định, phù hợp thị trường, người dân không phải trả hóa đơn tiền điện tăng quá cao, tăng đột biến lên hàng 100% như hiện nay.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu:

>> PGS. TS. Nguyễn Minh Phong

>> PGS. TS. Ngô Trí Long

VÕ HƯƠNG - C.V.KÌNH - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên