14/12/2014 09:50 GMT+7

​Người của nông dân

TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TT - Nghỉ hưu đã tròn 10 năm, nhưng ngày nào ông Bảy Nhị - Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cũng dành thời gian đọc báo, xem truyền hình để nắm bắt tình hình thời sự.

Ông Bảy Nhị - Ảnh: Tấn Đức

Rồi ông viết. Có bài ông gửi đăng báo. Có bài ông chỉ email cho bạn bè những người ông quý để “coi chơi”, để giải tỏa các trăn trở, đau đáu trong ông trước những vấn đề bức bối của cuộc sống...

Nhiều lần tới thăm ông, nhìn ông mặc quần đùi, áo cộc tay, ngồi co một chân lên ghế nói chuyện hài hước, có khi tôi quên mất ông từng là chủ tịch tỉnh. Ông là một chủ tịch nông dân, người từ nông dân mà ra, vì nông dân mà làm việc với tính tình bộc trực, “thẳng như ruột ngựa”.

Không ngại va chạm

Cái tính bộc trực, không ngại va chạm ấy thể hiện ngay từ buổi đầu ông bước chân vô chốn quan trường - mà như ông nói là để được giao trọng trách (chứ không phải địa vị), để được làm, được quyết định những việc mà ông cho là mang lại lợi ích người dân. Ấy là vào năm 1988, lúc được bổ nhiệm giám đốc sở nông nghiệp tỉnh, ông đã làm một việc “vuốt mặt không nể mũi” là kỷ luật một cán bộ vốn là sui gia của bí thư tỉnh ủy và một người nữa là cột chèo của đương kim chủ tịch tỉnh!

“Anh Bảy Nhị luôn nhận là mình học hành không tới đâu, nhưng tiếp xúc mới thấy kiến thức do anh tự học trong thực tiễn thật phong phú. Dường như mọi lĩnh vực, mọi vấn đề anh đều nắm vững”.

PGS.TS Nguyễn Văn Sánh (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL)

Tới khi làm chủ tịch UBND tỉnh An Giang (năm 2001), trong một cuộc họp do thủ tướng Phan Văn Khải chủ trì, ông Bảy Nhị đã đăng đàn phát biểu thẳng thắn: “Sự trì trệ của bộ máy là do cơ chế tổ chức.

Cụ thể là tôi làm chủ tịch tỉnh mà không có quyền thay đổi cán bộ sở, kể cả trưởng phòng. Và ngay như hiện nay, đến thủ tướng cũng không dễ cách chức được tôi, vì tôi là do tỉnh ủy cử và nhất là do Bộ Chính trị quản lý”! Câu nói này được nhiều tờ báo lúc ấy dẫn lại, xem như một minh chứng cho tinh thần dám nhìn thẳng, dám nói thẳng.

Vị chủ tịch tỉnh An Giang này cũng là người kiên quyết phản đối việc đầu tư xây dựng bảy cống thoát lũ ra biển Tây qua quốc lộ 91, bởi theo ông “hệ thống bờ bao chống lũ của tỉnh đã hoàn chỉnh, làm thêm các công trình này chỉ lãng phí tiền của dân”. Ý định xây cống sau đó lại được đưa ra bàn trong ban thường vụ tỉnh ủy.

Tại cuộc họp, một lãnh đạo tỉnh ủy đã nói với ông: “Anh ngăn cản chi vậy, kinh phí xây dựng từ nguồn vốn của trung ương mà, đâu phải tiền của tỉnh”.

Ông Bảy Nhị vẫn nhất quyết: “Tiền nào cũng của dân mà”. Gần đây, có tin người ta lại tiếp tục đề xuất làm cống, hỏi ông Bảy Nhị, ông bảo: “Tui nghỉ làm việc rồi, nhưng ai mà xây mấy cái cống lãng nhách đó là tui thưa liền”!

Nặng tình cá, lúa

Cách đây hơn một năm, ông Bảy Nhị email cho tôi một bài viết có tựa đề “Cá ba sa và câu chuyện tình tay ba”. 

Chưa biết ất giáp thế nào, nhưng thú thật, cái tít của bài cùng với lời giới thiệu của ông Bảy Nhị đã kích thích chúng tôi phải xem ngay. Bài viết có tổng cộng 3.146 từ, nhưng đọc xong chúng tôi có cảm giác chẳng khác nào luận án tốt nghiệp của nghiên cứu sinh sau đại học, bởi nó như bức tranh toàn cảnh về lịch sử nghề nuôi và chế biến, xuất khẩu con cá tra và cá ba sa, cũng như quá trình thuần dưỡng, sinh sản nhân tạo loài cá đặc trưng này.

Đọc bài viết, chúng tôi còn thật sự thích thú và khâm phục cách ví von của ông. Xin phép trích một đoạn: “Tháng 10-2001, khi dự hội nghị Chính phủ tại Hà Nội, tôi phát biểu tình hình gian lận đánh tráo cá tra thành cá ba sa, làm cho cá ba sa không còn mấy người nuôi và ngoài tự nhiên thì cạn kiệt. Chỉ vì sự giống nhau về vóc dáng bên ngoài của chúng mà tôi gọi là “tình chị duyên em”, làm mất uy tính VN trên thương trường, vừa tiêu diệt một giống loài là nguồn thực phẩm quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng.

Tôi đang phát biểu hăng thì Thủ tướng Phan Văn Khải ngắt lời và hỏi tôi: “Nó giống nhau như thế nào?”.

Tôi ấp úng trả lời: “Nó giống nhau như... chị vợ với... em vợ”. Tôi thật sự lỡ lời nên rất xin lỗi quý chị em! Mà thật tình, mối quan hệ giữa con người với tư cách cung - cầu trên thị trường với con cá ba sa ban đầu là “tình chị”, đến năm 2000, còn sau đó thì con cá tra thay vào gần hết sản lượng xuất khẩu, thì rõ ràng là “duyên em” còn gì!? Nó như mối tình tay ba không công bằng nên không hạnh phúc”.

Có lẽ hiếm có ai để lại nhiều dấu ấn như ông. Hồi làm giám đốc sở nông nghiệp tỉnh, chính ông là người xây dựng chương trình khuyến nông đầu tiên trong cả nước.

Ông cũng là người đề xuất và chỉ đạo thực hiện thành công các chương trình khai phá vùng tứ giác Long Xuyên, thoát lũ ra biển Tây, khai thác lợi thế - biến mùa nước nổi thành mùa làm ăn... và nhất là chương trình tam nông, xác lập mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp - nông dân - nông thôn tại tỉnh An Giang.

Năm 2003, biết mình sắp về hưu, ông Bảy Nhị đã gấp rút cho làm tượng đài cá ba sa ngay ngã ba sông Châu Đốc, nơi phát tích của nghề nuôi cá ba sa trong lồng, bè và tượng đài bông lúa đặt trước trụ sở UBND tỉnh.

Hai công trình này bây giờ được xem như biểu trưng của nền nông nghiệp tỉnh, nhiều du khách đến An Giang tỏ ra thích thú khi được nhìn thấy chúng. Chính vì lẽ đó mà có dạo người ta còn chọc quê ông là “ông Bảy tượng đài”.

Gắn bó và am hiểu về con cá, cây lúa nên bây giờ dù đã nghỉ hưu, thi thoảng có những hội nghị, hội thảo chuyên đề mang cấp toàn quốc, cấp vùng, người ta lại mời ông Bảy Nhị. Những ý kiến của ông luôn được các địa phương đồng thuận, chia sẻ.

Lo cho văn hóa

Ông Bảy Nhị sinh năm 1946, tại làng Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên (An Giang) trong một gia đình nông dân nghèo. Học hết lớp nhất (lớp 5 bây giờ) ông phải bỏ ngang vì không có tiền làm giấy khai sinh để thi lên đệ thất (lớp 6 bây giờ). Vì chuyện này mà ông thường tự nhận “Tui dốt mà, có học hành bài bản quỷ gì đâu”.

Nói vậy chứ trò chuyện với ông, người ta luôn có ấn tượng về sự hiểu biết, tư duy sắc sảo và cách diễn đạt giàu hình ảnh, dễ hiểu của ông.

Nói “chuyện đông, chuyện tây”, rồi ông lại quay về thực tại: “Tui như thanh thép được nung đỏ, giờ nguội lại, nhìn từ hai phía đều thấy mình có lỗi. Hồi nào giờ mình chỉ có cong lưng chửi kẻ thù, không thấy hoặc không dám thừa nhận cái hay của họ. Chẳng hạn như người Pháp xâm lược mình, họ đã lấy đi nhiều thứ như lúa gạo, hầm mỏ nhưng cũng để lại cái mà tổ tiên mình chưa làm được, thí dụ như đường xe lửa, phố thị, mối giao thương… và đặc biệt là nền giáo dục - đào tạo của họ có nhiều cái để học, sao mình không chọn lọc để vận dụng, mà cứ loay hoay mãi”.

Rồi ông bày tỏ: “Âu lo nhất bây giờ là văn hóa đang đi xuống. Các mối quan hệ xã hội, tình người với nhau không còn được như ngày trước. Chuyện tử tế bây giờ trở thành thứ của hiếm. Có người còn nói với tui là làm người tốt bây giờ thật khó. Có khi sống trong một tập thể, một đơn vị mình “không ăn” thì cũng phải tỏ ra mình “có ăn” để hòa đồng với mọi người. Còn như muốn làm việc tốt, xuất phát từ cái tâm của mình cũng phải giấu đi, không thôi thì người ta lại bảo chơi nổi!”.

 

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên