27/03/2024 13:46 GMT+7

Người chết do bệnh dại, cúm A/H5N1 tăng: Cảnh báo dịch sẽ diễn biến phức tạp

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 27 ca tử vong do bệnh dại và 1 ca tử vong do cúm gia cầm. Đây là dấu hiệu cảnh báo diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong năm 2024.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024 - Ảnh: T.MINH

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024 - Ảnh: T.MINH

Đây là nhận định của ông Phùng Đức Tiến - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - tại hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024 do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Dịch sẽ diễn biến phức tạp

Tại hội nghị, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh thời tiết diễn biến thất thường, đường biên giới dài, giao lưu thương mại, cùng đó là thói quen giết mổ nhỏ lẻ... là những yếu tố nguy cơ dịch bệnh từ động vật sang người bùng phát.

Đặc biệt, đối với bệnh dại, thói quen nuôi chó thả rông, tỉ lệ tiêm phòng vắc xin phòng dại chó mèo thấp, nhiều địa phương chưa triển khai hoạt động tiêm chủng… là nguy cơ khiến bệnh dại gia tăng trong thời gian tới.

"Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay đã có 27 ca tử vong do bệnh dại và 1 ca tử vong do cúm gia cầm. Đây là dấu hiệu cảnh báo diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong năm 2024" - ông Tiến nhận định.

Theo bà Nguyễn Thị Liên Hương - thứ trưởng Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh đầu năm 2024 đang có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là bệnh lây từ động vật sang người, trong đó có cúm A/H5N1 và bệnh dại.

"Hai thập kỷ vừa qua trên thế giới và Việt Nam xảy ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm tác động lớn đến kinh tế - xã hội của các quốc gia, phần lớn là dịch bệnh lây từ động vật sang người như cúm A/H5N1 và bệnh dại.

Năm 2023 ghi nhận 82 trường hợp tử vong, 3 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 27 ca tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ, xuất hiện nhiều điểm nóng mới.

Hiện nhiều dịch bệnh lây từ động vật sang người gây tác động lớn và để phòng chống các dịch bệnh này cần có sự phối hợp liên ngành, cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp chính quyền", bà Hương nói.

Vắc xin phòng bệnh là "lá chắn thép"

Theo ông Hoàng Minh Đức - cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong năm 2023 có đến 674.888 người tiêm vắc xin phòng dại. Khu vực miền Nam có số lượng người tiêm phòng bệnh dại cao nhất trong 6 năm qua, lên đến 65%.

"Theo điều tra năm 2023, 100% số ca tử vong dại do không đi tiêm vắc xin phòng dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định.

Đáng chú ý, trong đó có đến 43,8% người không đi tiêm phòng dại là do chủ quan cho rằng chó nhà cắn, tại thời điểm cắn, chó có sức khỏe bình thường. Bên cạnh đó, có 16,4% người không tiêm phòng dại là do dùng thuốc nam để điều trị bệnh dại", ông Đức cho hay.

Thống kê của Bộ Y tế cho biết bình quân có 70 người chết mỗi năm vì bệnh dại dù đã có vắc xin cho cả người và động vật. Đây cũng là căn bệnh gây tử vong nhiều nhất trong các bệnh truyền nhiễm.

Ông Phùng Đức Tiến - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: T.MINH

Ông Phùng Đức Tiến - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: T.MINH

Ông Tiến cũng chỉ ra tỉ lệ tiêm vắc xin dại trên chó mèo đang thấp ở mức báo động, hiện chỉ đạt 30%, trong khi đó vắc xin luôn có đủ.

"Bài học từ phòng chống dịch COVID-19, vắc xin phòng bệnh vẫn là lá chắn thép. Do đó, vấn đề tiêm vắc xin trên đàn chó mèo là điểm nóng cần bàn bạc để có phương án đảm bảo độ phủ vắc xin", ông Tiến nhấn mạnh.

Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định trong thời gian tới nguy cơ các ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người vẫn tiếp tục xảy ra.

Để tăng cường phòng chống dịch cần có sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương các cấp, các bộ, ban ngành liên quan và đặc biệt là sự tham gia chủ động của người dân, cộng đồng.

Tại hội nghị, các đơn vị chia sẻ về tình hình dịch bệnh, những khó khăn, thách thức cũng như các bài học kinh nghiệm và giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024.

Cẩn trọng với cúm A/H5N1

Ông Đức cho hay hiện nay cúm A/H5N1 vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu, tỉ lệ tử vong rất cao khoảng 50%.

"Việc lưu hành đồng thời của các vi rút cùng với sự tăng cường khả năng thích ứng trên động vật có vú là một yếu tố đáng quan ngại có thể khiến dịch bệnh gia tăng trong thời gian tới. Bởi vậy, các đơn vị cần tiếp tục nâng cao kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia cầm, phòng tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan", ông Đức nói.

Nuôi chó, mèo phải đăng ký: Ở chung cư càng cần làm nghiêmNuôi chó, mèo phải đăng ký: Ở chung cư càng cần làm nghiêm

Với đặc trưng không gian các căn hộ gần nhau, mật độ dân cư đông, không gian chung thường đông người sinh hoạt, theo nhiều cư dân cần thực hiện chặt quy định quản lý nuôi chó, mèo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên