08/03/2024 09:38 GMT+7

Người bệnh được gì từ hệ thống xạ trị proton 4.200 tỉ?

Hai hệ thống xạ trị proton trị giá 4.200 tỉ đồng dự kiến được đặt tại Bệnh viện K (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

Hiện cả nước chỉ có 84 máy gia tốc hạt tuyến tính (xạ trị linac), nhiều máy đã hoạt động từ 10-15 năm và thường xuyên bị hỏng hóc, ảnh hưởng tới công tác điều trị - Ảnh: DUYÊN PHAN

Hiện cả nước chỉ có 84 máy gia tốc hạt tuyến tính (xạ trị linac), nhiều máy đã hoạt động từ 10-15 năm và thường xuyên bị hỏng hóc, ảnh hưởng tới công tác điều trị - Ảnh: DUYÊN PHAN

Từ kiến nghị của đại biểu Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - tại diễn đàn Quốc hội cuối năm 2023, dự kiến hệ thống xạ trị proton trị giá ước tính 4.200 tỉ đồng sẽ được lắp đặt. Đây là niềm vui mừng chung của giới y khoa cả nước, đặc biệt là những người làm trong lĩnh vực ung bướu và người bệnh ung thư.

Bác sĩ Việt đủ sức làm chủ kỹ thuật

Chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ, ông Thức một lần nữa khẳng định xạ trị proton là một phương pháp điều trị rất thiết yếu mà các nước tiên tiến đều đã áp dụng, cần phải có ở Việt Nam.

"Xạ trị proton nói nôm na là sẽ giúp bắn trúng đích các khối u mà không làm tổn thương các mô xung quanh, đặc biệt có lợi cho trẻ bị ung thư. Điều này khác với xạ trị thông thường, thường gây ảnh hưởng đến các mô xung quanh rất lớn, gây nhiều tác dụng phụ, đặc biệt lên các cơ quan của cơ thể" - ông Thức lý giải.

Ngoài ra, thời gian xạ trị proton nhanh, khoảng 15-45 phút cho một lần điều trị, không đau và không xâm nhập. Tuy vậy, bao năm qua cũng vì không có hệ thống xạ trị proton mà nhiều bệnh nhân đã phải ra nước ngoài điều trị tốn nhiều thời gian và tiền bạc.

Dù xạ trị proton là phương pháp hiện đại nhất hiện nay nhưng theo ông, các bác sĩ, kỹ sư về ung bướu của Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận được phương pháp điều trị hiện đại này chỉ từ 3-6 tháng ra nước ngoài học.

Việc này ông từng đặt vấn đề với các chuyên gia nước ngoài, họ cũng thừa nhận chỉ cần từ 3-6 tháng các bác sĩ, kỹ sư Việt sẽ hoàn toàn có thể làm chủ được kỹ thuật.

"Dĩ nhiên để một dự án như trung tâm xạ trị proton đi vào hoạt động cũng phải mất từ 2-3 năm thực hiện. Còn về chuyên môn chúng tôi không có khó khăn gì cả, hiện giờ chúng tôi đang cử một đội gồm hai kỹ sư và một bác sĩ đến trung tâm proton Ấn Độ học rồi" - ông Thức nói.

Cả bác sĩ và người bệnh hưởng lợi

Trước thông tin này, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho rằng đây là kỹ thuật cao, đáng mong đợi cho cả ngành y tế và người bệnh trong việc điều trị căn bệnh phổ biến, nguy hiểm như ung thư. "Thay vì phải tốn kém thời gian, tiền bạc ra nước ngoài điều trị, giờ đây cơ hội điều trị trong nước đã có, thực sự mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh" - ông Thượng nói.

Ông Phạm Xuân Dũng - giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - khẳng định việc đầu tư xây dựng trung tâm xạ trị proton là điều rất cần thiết, đây là phương pháp tiên tiến mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh ung thư. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội cho ngành y tế, đặc biệt cho chuyên ngành ung bướu tiếp cận được với các tiến bộ của khoa học, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về xạ, y học hạt nhân.

Vấn đề bác sĩ Dũng quan tâm ở khâu đào tạo để làm chủ phương pháp tiên tiến này. Theo ông, bác sĩ và kỹ sư Việt hoàn toàn có thể tiếp cận tốt, việc đào tạo cũng không phải là vấn đề phức tạp.

Cơ hội điều trị hiệu quả cho hàng ngàn bệnh nhân ung thư

Tại Bệnh viện K, thông tin hệ thống xạ trị proton dự kiến sẽ được thống nhất chủ trương xây dựng, mở ra cơ hội điều trị hiệu quả cho hàng ngàn bệnh nhân ung thư là thông tin khiến lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ chuyên môn, bệnh nhân vui mừng.

Bệnh viện K là cơ sở chuyên khoa đầu ngành điều trị ung thư của cả nước, mỗi năm khám, điều trị cho hơn 400.000 người dân. Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Bình, phó giám đốc Bệnh viện K, bày tỏ sự vui mừng khi Chính phủ đồng ý xây dựng trung tâm hệ thống xạ trị proton tại Bệnh viện K.

"Việc đầu tư xây dựng hệ thống xạ trị proton tại Việt Nam sẽ mở ra cơ hội nâng cao khả năng điều trị hiệu quả cho bệnh nhân ung thư trong thời gian tới", ông Bình nói.

Theo thông tin từ Bệnh viện K, kế hoạch xây dựng hệ thống xạ trị proton với quy mô 2.150m2 sẽ được đặt tại cơ sở Tân Triều để điều trị cho bệnh nhân ung thư.

Trước đó, từ năm 2020, Bệnh viện K đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Viện Nghiên cứu xạ trị Proton Medipolis (Nhật Bản) - một đơn vị đã có nhiều kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu và áp dụng liệu pháp xạ trị proton điều trị các bệnh ung thư.

Với ký kết này, hai bệnh viện đã cam kết đào tạo, nghiên cứu, trao đổi chuyên môn, điều trị cho bệnh nhân bằng liệu pháp xạ trị proton. Việc hợp tác trao đổi chuyên môn được đánh giá sẽ chuẩn bị đầy đủ kỹ thuật chuyên môn cho các y bác sĩ sau khi xây dựng hệ thống xạ trị proton tại Việt Nam.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Kỹ thuật xạ trị chiếu ngoài tiên tiến nhất hiện nay

Theo các chuyên gia ung bướu, xạ trị proton là kỹ thuật xạ trị chiếu ngoài tiên tiến nhất hiện nay. Kỹ thuật này cho phép đưa một liều tia xạ tối ưu chính xác vào khối u, kể cả những khối u có hình dạng phức tạp nằm gần những cơ quan lành nhạy cảm với tia xạ.

Đặc biệt, khi khối u nằm gần các tổ chức nguy cấp (OAR), xạ trị proton là phương pháp điều trị tối ưu nhất. Đáng chú ý có ít nhất 9 loại ung thư điều trị hiệu quả từ kỹ thuật này như ung thư tuyến tiền liệt, mắt, não, đầu, cổ, phổi, thực quản, vú, gan và ung thư ở trẻ em.

Cả thế giới có 123 trung tâm xạ trị proton

Hiện các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc và một số nước trong khu vực Đông Nam Á (Singapore, Thái Lan) đều đã và đang ứng dụng rộng rãi kỹ thuật xạ trị proton nhằm nâng cao chất lượng điều trị ung thư.

Tính đến năm 2023, thế giới đang có 123 trung tâm xạ trị proton hoạt động, trong đó Mỹ đứng đầu với 43 trung tâm, kế đến Nhật Bản 26 trung tâm, Trung Quốc 7 trung tâm.

Xạ trị proton là gì?

Theo các bác sĩ Bệnh viện K, xạ trị proton hay còn gọi là liệu pháp proton trong xạ trị là một liệu pháp xạ trị ngoài sử dụng chùm hạt proton có năng lượng cao thông thường từ 160 tới 230 MeV, khi đó nó có tốc độ bằng khoảng 70-80% tốc độ ánh sáng. Chùm hạt proton được phát ra nhờ máy gia tốc hạt có thể là cyclotron hoặc synchrotron.

Proton là thành phần cấu tạo nên hạt nhân nguyên tử, thông thường được tạo ra từ nguyên tử H sau khi lấy đi hoàn toàn electron.

Do đặc điểm phân bố liều của bức xạ proton trong vật chất nói chung và trong mô của cơ thể người nói riêng đó là nó tập trung phần lớn liều tại vị trí có chiều sâu nhất định. Tùy theo năng lượng của chùm hạt proton mà không đi xuyên sâu hơn.

Trong khi đó xạ trị tia X thông thường bức xạ chủ yếu tập trung ở gần bề mặt cơ thể và giảm dần khi đi sâu vào trong cơ thể.

Lợi thế này giúp việc sử dụng liệu pháp proton sẽ tập trung liều vào vị trí khối u và tránh được ảnh hưởng tới các mô lành xung quanh.

Việc sử dụng liệu pháp proton trong xạ trị còn cho phép tăng liều tại khối u nhưng vẫn ít ảnh hưởng tới các mô lành xung quanh. Điều này giúp hạn chế tác dụng phụ và phát sinh ung thư mới do chiếu xạ gây nên, đồng thời giảm thời gian điều trị, tăng chất lượng cuộc sống.

Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử người đi học, chuẩn bị đón hệ thống xạ trị hàng nghìn tỉ đồngBệnh viện Chợ Rẫy đã cử người đi học, chuẩn bị đón hệ thống xạ trị hàng nghìn tỉ đồng

Từ kiến nghị gây chú ý được đại biểu Nguyễn Tri Thức, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đưa ra tại diễn đàn Quốc hội cuối năm 2023, Bộ Y tế đề xuất xây dựng hệ thống xạ trị proton khoảng 4.200 tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên