Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sau thông tin Phó thủ tướng Lê Minh Khái đồng tình ủng hộ chủ trương xây dựng hệ thống xạ trị proton do Bộ y tế đề xuất, ông NGUYỄN TRI THỨC nói:
- Tôi vẫn chưa nhận được văn bản chính thức từ Chính phủ. Nhưng cá nhân tôi rất vui mừng sau thông báo từ Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (tại lễ trao quyết định bổ nhiệm 2 phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 6-3 - PV) về việc Phó thủ tướng Lê Minh Khái đồng tình ủng hộ chủ trương xây dựng 2 hệ thống xạ trị proton tại Bệnh viện K và Bệnh viện Chợ Rẫy do Bộ y tế đề xuất.
Khi thông tin này được truyền tải, giới y khoa cả nước đều rất vui, đặc biệt những người làm trong lĩnh vực điều trị ung bướu và cả người bệnh ung thư.
* Và việc đầu tư xây dựng hệ thống xạ trị proton này sẽ giải quyết được nhu cầu tất yếu và cấp bách trong điều trị ung thư tại Việt Nam, thưa ông?
- Điều đó thể hiện rất rõ sau thông báo của Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, cả hội trường đều vỗ tay vỡ òa.
Bởi đây là một phương pháp điều trị rất thiết yếu mà các nước tiên tiến đều đã áp dụng hiệu quả và cần phải có ở Việt Nam.
Nói nôm na xạ trị proton sẽ giúp "bắn trúng đích" các khối u mà không làm hoặc giảm tối đa tổn thương các mô xung quanh. Trong đó xạ trị proton đặc biệt có lợi cho trẻ bị ung thư.
Điều này khác với xạ trị thông thường, thường gây ảnh hưởng đến các mô xung quanh rất lớn, gây nhiều tác dụng phụ lên các cơ quan của cơ thể.
Cũng vì các hạn chế này và thực tế trong nước không có hệ thống xạ trị proton mà nhiều bệnh nhân đã phải ra nước ngoài điều trị tốn nhiều thời gian và tiền bạc.
* Thời điểm ông đưa ra kiến nghị, lúc bấy giờ mối quan tâm còn hướng đến việc vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị vật tư. Rất nhiều chuyên gia tán thành kiến nghị của ông nhưng cũng chỉ nghĩ là "giấc mơ xa vời"…
- Tôi đưa ra kiến nghị này không hão huyền và không phải không có căn cứ. Tôi hiểu rằng các bác sĩ về ung bướu của Việt Nam rất giỏi, nền kiến thức chuyên môn cơ bản vững nên hoàn toàn có thể tiếp cận được phương pháp điều trị hiện đại này chỉ từ 3 - 6 tháng ra nước ngoài học.
Trong một số lần ra nước ngoài tìm hiểu về hệ thống xạ trị proton, tôi có đặt vấn đề rằng với trình độ của các bác sĩ ung bướu ở Bệnh viện K, Ung bướu TP.HCM và Chợ Rẫy, liệu phải học bao lâu mới có thể lĩnh hội được.
Các chuyên gia nước ngoài cũng thừa nhận chỉ cần từ 3 - 6 tháng, các bác sĩ Việt sẽ hoàn toàn có thể làm chủ được kỹ thuật tiên tiến này.
* Dự kiến một trong hai hệ thống xạ trị này sẽ đặt ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Vậy bệnh viện đã chủ động chuẩn bị những gì?
- Dĩ nhiên để một dự án quan trọng như xây dựng trung tâm xạ trị proton đi vào hoạt động cũng phải mất từ 2-3 năm thực hiện. Còn về chuyên môn chúng tôi không có khó khăn gì cả và hiện giờ chúng tôi đã cử một đội gồm hai kỹ sư và một bác sĩ ra nước ngoài học rồi.
9 loại ung thư có lợi ích khi xạ trị proton
Hiện các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc và một số nước trong khu vực Đông Nam Á (Singapore, Thái Lan) đều đã và đang ứng dụng rộng rãi kỹ thuật xạ trị proton nhằm nâng cao chất lượng điều trị ung thư.
Tính đến năm 2023, thế giới đang có 123 trung tâm xạ trị proton hoạt động, trong đó Mỹ đứng đầu với 43 trung tâm, kế đến Nhật Bản 26 trung tâm, Trung Quốc 7 trung tâm.
Xạ trị proton là kỹ thuật xạ trị chiếu ngoài tiên tiến nhất hiện nay. Kỹ thuật này cho phép đưa một liều tia xạ tối ưu chính xác vào khối u, kể cả những khối u có hình dạng phức tạp nằm gần những cơ quan lành nhạy cảm với tia xạ.
Đặc biệt khi khối u nằm gần các tổ chức nguy cấp (OAR), xạ trị proton là phương pháp điều trị tối ưu nhất.
Đáng chú ý, có ít nhất 9 loại ung thư có lợi ích từ kỹ thuật này gồm ung thư tuyến tiền liệt, mắt, não, đầu, cổ, phổi, thực quản, vú, gan và ung thư ở trẻ em.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận