06/03/2024 17:53 GMT+7

Dự kiến đầu tư hệ thống xạ trị proton 4.200 tỉ tại Bệnh viện K và Chợ Rẫy

Hai hệ thống xạ trị proton được Bộ y tế đề xuất đặt tại Bệnh viện K và Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ mang lại thêm cơ hội cho bệnh nhân ung thư.

Cả nước chỉ có 84 máy gia tốc hạt tuyến tính (xạ trị linac), nhiều máy đã hoạt động từ 10-15 năm và thường xuyên bị hỏng hóc, ảnh hưởng tới công tác điều trị - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cả nước chỉ có 84 máy gia tốc hạt tuyến tính (xạ trị linac), nhiều máy đã hoạt động từ 10-15 năm và thường xuyên bị hỏng hóc, ảnh hưởng tới công tác điều trị - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chủ trì công bố quyết định bổ nhiệm hai phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chiều 6-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông báo tin vui cho ngành y tế cả nước là Phó thủ tướng đồng tình ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng hai hệ thống xạ trị proton điều trị ung thư trị giá 4.200 tỉ.

"Hôm qua, tại phiên họp dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã đồng tình ủng hộ cho xây dựng hai trung tâm xạ trị proton. Trong đó, ở phía Bắc dự kiến sẽ đặt ở Bệnh viện K, còn phía Nam dự kiến đặt ở Bệnh viện Chợ Rẫy" - ông Tuấn khẳng định.

Ông cho biết thêm kinh phí dự kiến xây dựng hai hệ thống này là khoảng 4.200 tỉ.

Trước đó cuối năm 2023, thông tin đáng chú ý này được đại biểu Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - lần đầu đưa ra tại diễn đàn Quốc hội: Việt Nam chưa có hệ thống xạ trị proton và với số lượng mắc mới ung thư mỗi năm, Việt Nam cần khoảng 30 buồng điều trị proton.

Hệ thống này, theo ông, được đánh giá là nhu cầu tất yếu và cấp bách trong ba bối cảnh: tỉ lệ mắc ung thư mới ở Việt Nam tăng cao, công nghệ điều trị ung thư hiện có lạc hậu - xuống cấp và đặc biệt một lượng lớn người Việt phải ra nước ngoài điều trị.

Ông Thức cho biết hiện các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc và một số nước trong khu vực Đông Nam Á (Singapore, Thái Lan) đều đã và đang ứng dụng rộng rãi kỹ thuật xạ trị proton nhằm nâng cao chất lượng điều trị ung thư.

Tính đến năm 2023, thế giới đang có 123 trung tâm xạ trị proton hoạt động, trong đó Mỹ đứng đầu với 43 trung tâm, kế đến Nhật Bản 26 trung tâm, Trung Quốc 7 trung tâm.

Việc không có được kỹ thuật điều trị tiên tiến này cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân trong nước mắc ung thư có nhu cầu điều trị chất lượng cao phải ra nước ngoài điều trị. Chủ yếu đến các nước như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan với chi phí hằng năm rất lớn, tốn kém hàng tỉ USD.

Do đó, việc đầu tư xây dựng các trung tâm ung thư chất lượng cao được trang bị các hệ thống máy xạ trị tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới, đặc biệt là xạ trị proton là một vấn đề cấp bách.

Lúc bấy giờ, ông Thức kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm thành lập hai trung tâm xạ trị proton tại Hà Nội và TP.HCM để người bệnh ung thư có thể hưởng thụ được các tiến bộ của khoa học.

"Các bác sĩ có thể tiếp cận kỹ thuật này sau sáu tháng được đào tạo ở nước ngoài. Điều này giúp thu hút bệnh nhân ung thư yên tâm điều trị trong nước, không phải đi nước ngoài điều trị, giúp tiết kiệm chi phí ngoại tệ cho đất nước" - ông Thức đề xuất vào thời điểm cuối 2023.

Vì sao Việt Nam cần đầu tư hệ thống xạ trị proton điều trị ung thư?Vì sao Việt Nam cần đầu tư hệ thống xạ trị proton điều trị ung thư?

Tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cung cấp một thông tin đáng chú ý: Việt Nam chưa có hệ thống xạ trị proton và với số lượng mắc mới ung thư mỗi năm, Việt Nam cần khoảng 30 buồng điều trị proton.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên