16/02/2012 07:32 GMT+7

Người bệnh chui dưới gầm giường

LAN ANH
LAN ANH

TT - Hình ảnh người bệnh chui từ... gầm giường ra chào bác sĩ trong Táo quân Tết Nhâm Thìn vừa qua làm nhiều người cho rằng truyền hình nói xấu ngành y. Nhưng quả thật tại cuộc họp về viện phí hôm 14-2 ở Hà Nội, trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội VN) Phạm Lương Sơn thừa nhận phương án viện phí đã tính đến việc thu 50% tiền giường bệnh nếu nằm ghép hai, thu 30% nếu nằm giường ghép ba, chỉ không đặt ra phương án thu phí giường ghép bốn bệnh nhân.

Chưa đầy nửa năm nhận nhiệm vụ nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã năng nổ trong việc tìm kiếm giải pháp giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện. Mới đây nhất, ngày 14-2 bà Tiến đã đi khảo sát vị trí mà TP.HCM dành xây dựng bệnh viện.

Trước đó, Hà Nội cũng dành ba khu vực ở ngoại thành cho các bệnh viện tuyến trung ương chọn để mở rộng. Nhưng bao giờ mở, tiền đâu để mở..., bài học Bệnh viện K gần 10 năm xây dựng đến nay vẫn chưa xong, mặc dù tại đây việc người bệnh phải ngồi để truyền dịch, thậm chí đứng để truyền dịch không phải là chuyện lạ.

Ngày 14-2, khi đi thăm phòng cấp cứu khoa nội B Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, hình ảnh hai bệnh nhân nặng 64 tuổi và 75 tuổi phải nằm trở đầu trên một chiếc giường cá nhân đã ám ảnh nhiều người trong đoàn của Bộ Y tế và đại diện các bệnh viện tuyến trên.

Theo bác sĩ Trần Văn Đạo - phó trưởng khoa nội B, khoa có 64 giường nhưng ngày 14-2 có đến 89 bệnh nhân, khiến tình trạng quá tải thường xuyên xảy ra.

Ngay ở bệnh viện tỉnh, thậm chí cả bệnh viện huyện cũng đã quá tải thì chứng tỏ không phải do người bệnh vượt tuyến lên thẳng bệnh viện tỉnh, bệnh viện trung ương như người ta vẫn kêu ca lâu nay, mà do quá thiếu cơ sở khám chữa bệnh. Đào tạo cán bộ y tế ở cơ sở hay đưa cán bộ y tế từ tuyến trên về hỗ trợ, theo một nữ bác sĩ đã về hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua, cả hai kỹ thuật chị chuyển giao bệnh viện này đều không có cơ hội thực hiện do thiếu trang thiết bị và cả do bệnh nhân không tin tưởng.

Trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, GS.TS Trần Quỵ - nguyên giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - rất quan tâm đến giải pháp hỗ trợ và cập nhật chuyên môn cho thầy thuốc ở cơ sở, nhưng ông mong các bác sĩ về cơ sở là cầm tay chỉ việc cho đến khi cơ sở thành thạo như trung ương, chứ không phải về để làm thay, mổ thay, khám thay và khi nào đi rồi là... thôi.

Trong năm 2011, đã có một bệnh viện tư nhân 500 giường ở Hà Nội hoàn thành và đi vào hoạt động chỉ trong thời gian 10 tháng 8 ngày, trong khi Bệnh viện K do Nhà nước đầu tư xây gần 10 năm chưa xong.

Nhìn bài học bệnh viện 10 tháng 8 ngày để thấy xây thêm nhiều bệnh viện công, mang thương hiệu bệnh viện tuyến trên về tuyến dưới, giải quyết căn bệnh trầm kha bệnh nhân chạy từ gầm giường ra chào bác sĩ hoàn toàn có thể làm được.

Nhưng bao giờ, khi nào điều ấy sẽ thành hiện thực ở bệnh viện công, nơi mà khách - bệnh nhân và chủ - thầy thuốc đều đang không hài lòng về nhau?

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên