04/09/2016 10:09 GMT+7

Người anh hùng không được phong tặng

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TTO - Đã sống quen với tâm trạng lúc thăng, lúc giáng nên khi nhớ đến việc nhận quyết định sang Trung Quốc học ở Trường trung cao lục quân (năm 1953) để “nâng cao trình độ”, ông vẫn thanh thản như kể chuyện đánh trận.

Anh hùng đại tá La Văn Cầu (thứ hai từ trái sang), trung tá Đặng Văn Việt (mặc complet) ngồi kế bên, trong cuộc gặp mặt của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan với cựu chiến binh trung đoàn 174 tại Phủ Chủ tịch - Ảnh: nhân vật cung cấp
Anh hùng đại tá La Văn Cầu (thứ hai từ trái sang), trung tá Đặng Văn Việt (mặc complet) ngồi kế bên, trong cuộc gặp mặt của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan với cựu chiến binh trung đoàn 174 tại Phủ Chủ tịch - Ảnh: nhân vật cung cấp

“Đó không chỉ là bức thư mà là bức tâm thư của người lính kính đề nghị Bộ Quốc phòng phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho thủ trưởng cũ của tôi là trung tá Đặng Văn Việt.

Anh hùng LA VĂN CẦU

Ông tiếc là “đời chiến binh bắt đầu từ Cách mạng Tháng Tám, lúc đang đánh giặc với phong độ nhiều trận thắng vang dội mà không được tham dự chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Viên trung tá suốt đời

Ông đưa chúng tôi xem những tấm ảnh chụp trong 71 năm qua. Trong rất nhiều tấm ảnh từ buổi gặp mặt dịp 70 năm thành lập Trường Thanh niên tiền tuyến Huế đến dịp kỷ niệm ngày ra mắt trung đoàn 174, chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp... đều thấy ông mặc complet trong lúc đồng đội xung quanh đều mặc quân phục với quân hàm cấp cao.

Chúng tôi không hỏi điều này vì biết sau khi ông từ Trung Quốc về nước thì năm 1958 quân đội ta chính thức áp dụng hệ thống phong quân hàm cho lực lượng vũ trang. Theo đó, quân hàm “truy lĩnh” của ông là trung tá (tương đương cấp bậc năm 1947 khi ông làm trung đoàn trưởng trung đoàn 28 Lạng Sơn).

Ông bảo: “Thời kháng chiến, không ai nghĩ gì về khen thưởng vì nhiệm vụ quá nặng nề. Đánh hết trận này tiếp trận khác. Trận nào cũng căng vì địch rất mạnh. Tôi xem việc đánh thắng địch là khen thưởng lớn nhất. Mặc dù là trung tá suốt đời nhưng tôi mừng cho trung đoàn mình hai lần được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang, 16 cán bộ chiến sĩ của trung đoàn trở thành anh hùng”.

Nhắc tới chuyện “chuyển ngành trái nghề”, ông nói bạn cùng thời ở Trường Thanh niên tiền tuyến Huế có 43 người thì 5 người hi sinh, 30 người chuyển khỏi quân đội. Còn lại 8 người đều trở thành tướng, trong đó 1 trung tướng, 7 thiếu tướng. Ông Đặng Văn Việt ở trong tốp cấp tá chuyển ngành. Trong cuộc sống, đôi khi ông cũng cảm thấy chạnh lòng nhưng không nản chí.

Ở tuổi 40 nhưng ông vẫn thi đậu Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tốt nghiệp kỹ sư. Công tác ở Bộ Xây dựng được năm năm họ chuyển ông sang Bộ Thủy sản. Năm 1975 ông bất ngờ nghe thông báo về hưu sớm. Hồi đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng biết chuyện nên giao Bộ Thủy sản hủy quyết định nghỉ hưu non của ông.

Dù hơn 90 tuổi nhưng ông Việt vẫn đọc sách hằng ngày -Ảnh: V.T.
Dù hơn 90 tuổi nhưng ông Việt vẫn đọc sách hằng ngày - Ảnh: V.T.

Thủ trưởng cũ của người anh hùng

Nghỉ hưu, ông Việt lui về nhà bố mẹ vợ ở làng Khương Hạ, xã Khương Đình, huyện Thanh Trì (Hà Nội) trồng cây, bán quả. 10 năm sau ông chuyển đến ở căn hộ 16m2 của vợ cho đến bây giờ. Đây là thời gian ông viết sách. Trong 17 cuốn sách của ông có cuốn Đường số 4 rực lửa được ông dịch sang tiếng Pháp. Ông dịch cuốn Sự mù quáng của tướng De Gaulle đối với cuộc chiến ở Đông Dương của Pierre Quatre Point từ tiếng Pháp sang tiếng Việt.

Dù sớm từ giã đời chiến binh nhưng ông vẫn nhận được sự quý trọng của nhiều người trong quân đội. Trong nhật ký “Người lính già” có sáu bức thư của tập thể, cá nhân gửi Bộ Quốc phòng kiến nghị phong tặng danh hiệu anh hùng cho ông. Cảm động như bức thư của ban liên lạc Trường Thanh niên tiền tuyến Huế gửi ngày 26-12-2012, gợi lại kỷ niệm về chàng “sinh viên Việt Minh” Đặng Văn Việt “vì một lý do gì đó mà bị lãng quên”.

Có một bức thư rất đặc biệt bởi người viết là Anh hùng lực lượng vũ trang, đại tá La Văn Cầu. Năm 18 tuổi La Văn Cầu là tổ trưởng tổ bộc phá của đại đội 671, tiểu đoàn 251, trung đoàn 174. Anh được phong anh hùng năm 20 tuổi từ một hành động dũng cảm là nhờ bạn lính dùng lưỡi lê chặt đứt cánh tay phải bị thương để ôm bộc phá tấn công trong trận tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê 2 (1950), năm 18 tuổi.

Chúng tôi liên lạc với ông La Văn Cầu ở Hà Nội để hỏi thêm về bức thư ông gửi Bộ Quốc phòng năm 2012. Nghe vậy, ông chỉnh lại ngay: “Đó không chỉ là bức thư mà là bức tâm thư của người lính kính đề nghị Bộ Quốc phòng phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho thủ trưởng cũ của tôi là trung tá Đặng Văn Việt”.

Bức tâm thư của ông có đoạn: “Đúng ra việc này phải được giải quyết từ 60 năm qua nhưng vì bị vướng về lý lịch, nay lý lịch đã được xác minh lại (văn bản Bộ Nội vụ ngày 3-1-2012). Việc xem xét khen thưởng cho một vị chỉ huy tài ba, lừng danh là một việc bình thường, hợp với lòng dân. Nếu tôi được phong anh hùng một lần thì thủ trưởng Việt phải được phong từ 5-10 lần”.

Tiếp theo bức tâm thư là công văn số 01/BNV/CCVC về việc “Xác nhận vấn đề chính trị đối với cụ Đặng Văn Hướng của Bộ Nội vụ” gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An, huyện ủy, UBND huyện Diễn Châu do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn ký thay bộ trưởng, ngày 3-1-2012.

Nội dung công văn như sau: “Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng (tại văn bản số 1597.CV/VPTW ngày 21-9-2011 của Văn phòng Trung ương), trên cơ sở báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tại văn bản 645-CV/TU, ngày 14-11-2011 về việc xác nhận vấn đề chính trị đối với cụ Đặng Văn Hướng, Bộ Nội vụ xác nhận: Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng, Chính phủ mời một số trí thức, nhân sĩ ra giữ trọng trách một số bộ trong Chính phủ, trong đó có cụ Đặng Văn Hướng giữ chức bộ trưởng không bộ (nội dung như đã thể hiện trong Lịch sử của Chính phủ Việt Nam (1945-1954), trang 164, tập 1, NXB Chính Trị Quốc Gia - năm 2006). Xin thông báo để quý cơ quan được biết”.

Rào cản lý lịch

Năm 2009, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thư gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng và Ban Tổ chức trung ương với nội dung: “Tôi có ý kiến đề nghị với các đồng chí nên giao cho Bộ Nội vụ có văn bản xác nhận đối với cụ Đặng Văn Hướng. Cụ Đặng Văn Hướng có con là Đặng Văn Việt. Anh Đặng Văn Việt có tinh thần yêu nước, tham gia tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám ở Huế, sau đó vào quân đội, từng làm trung đoàn trưởng trung đoàn 174, chỉ huy đơn vị lập chiến công vẻ vang trên đường số 4. Năm 1945, cụ Đặng Văn Hướng là tổng đốc Nghệ An, đã có thái độ tiếp đón, hợp tác, bàn giao chính quyền, bảo đảm cho cuộc cướp chính quyền của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Nghệ An được thuận lợi.

Từ đó về sau cụ đều đồng tình hưởng ứng các chủ trương của chính quyền cách mạng. Khi thành lập Chính phủ liên hiệp, cụ được mời giữ chức bộ trưởng không bộ của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Theo tôi, cần xác nhận để nói lên thái độ đúng đắn của Đảng và Chính phủ ta đối với cụ, trân trọng cụ Đặng Văn Hướng, một nhân sĩ có tinh thần độc lập và đáp ứng nguyện vọng của đồng chí Đặng Văn Việt cùng gia đình cụ”.

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên