02/09/2016 10:08 GMT+7

Người kéo cờ đỏ sao vàng - Kỳ 2: Đời binh nghiệp

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TTO - Trong không khí Cách mạng Tháng Tám, 43 “sinh viên Việt Minh” của Trường Thanh niên tiền tuyến trở thành 43 “ngự lâm quân” với súng Mútcơtông đi giải giáp lực lượng lính khố xanh, khố đỏ, khố vàng, tiếp nhận các kho vũ khí của triều đình Huế và của Pháp, Nhật.

Ông Đặng Văn Việt kể lại trận đánh tại Bông Lau - Lũng Phầy cho khách tham quan - Ảnh nhân vật cung cấp
Ông Đặng Văn Việt kể lại trận đánh tại Bông Lau - Lũng Phầy cho khách tham quan - Ảnh nhân vật cung cấp

Họ là cán bộ quân sự đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên - Huế, nguồn bổ sung cho các đơn vị quân đội ta trong kháng chiến chống Pháp.

Những bước ngoặt

Ông Đặng Văn Việt liệt kê quãng đời đã trải qua với ý nghĩ “giai đoạn khởi đầu của đời binh nghiệp là dấu ấn rất đỗi tự hào”.

Ông nhớ trận đánh đầu tiên ông cùng nhóm sinh viên Việt Minh bắt sống phái bộ quân sự Pháp gồm một quan tư, một quan ba, hai quan hai và sáu lính nhảy dù tại địa bàn xã Hiền Sĩ, cách phía bắc kinh thành Huế 25km.

Ông nhớ là bởi “chiếc balô chiến lợi phẩm trận đầu tiên đó sau này tôi tặng cậu cần vụ trên chiến dịch biên giới, còn khẩu Brôninh tôi dùng cho đến khi chuyển về làm công tác nghiên cứu Bộ tổng tham mưu”.

Tiếp theo là những bước xoay chuyển liên tục bởi những diễn biến gây hấn của các lực lượng thù địch, nhất là khi Pháp tung quân xuống mặt trận Lào.

Lúc đó, Ủy ban Kháng chiến Trung bộ chỉ định trung đội trưởng giải phóng quân Huế Đặng Văn Việt làm chỉ huy trưởng mặt trận đường số 9 với gần 300 quân. Khi cần, từ chỉ huy sở của mặt trận đóng ở Khe Sanh mở sang một số tỉnh ở Lào để giúp bạn đánh Pháp.

Đang chốt ở mặt trận đường 9, Đặng Văn Việt được lệnh chuyển sang mặt trận đường 7 vừa đánh Pháp, vừa đánh phỉ đang nổi lên.

Ông kể: “Hồi đó, nhận lệnh là lên đường chứ không nề hà chuyện ăn cơm gạo hấp với cà mắm, rau thái từ quả mít non. Bỗng một trận sốt rét hành hạ, “bụng phình to kềnh càng đến nỗi không ngồi được” nên tôi phải rời Mường Xén (huyện rẻo cao Kỳ Sơn) về Hà Nội điều trị”.

Đặng Văn Việt vừa ra viện thì Cục Quân y điều lên làm quân y sĩ ở mặt trận Đồng Đăng. Đây là thời điểm Pháp đã chiếm Lạng Sơn (1947). Nhưng chỉ được vài tháng, người lính cơ động này được điều về làm cán bộ nghiên cứu thuộc phòng tác chiến Bộ tổng tham mưu.

Trả lời câu hỏi “vì sao lại có những cuộc di chuyển chóng mặt như thế?”, ông nói: “Cục Quân y biết tôi là sinh viên Trường đại học Y khoa Đông Dương lên điều làm quân y sĩ. Sau đó khi mặt trận biên giới cần nên họ điều gấp những cán bộ mặt trận đường 9, đường 7 như tôi”.

Ông đưa tôi xem tấm ảnh người lính vệ quốc quân là ông chụp năm 1947 giữa mặt trận Việt Bắc rồi kể một kỷ niệm nhớ đời: “Tối 25-10-1947, bên hang đá le lói ánh đèn con, tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái triệu tập cuộc họp cán bộ từ trưởng ban trở lên để phân tích tình hình thời sự nóng bỏng và nêu quyết tâm thực hiện chỉ thị của trung ương và Bác Hồ là “quyết phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp”.

Họp xong tôi đứng dậy chuẩn bị về lán thì anh Hoàng Văn Thái gọi: “Việt!, Việt”. Tôi đang đi tới thì anh Văn (đại tướng Võ Nguyên Giáp) nhìn thân mật, nói rất gọn: “Cậu bàn giao công việc cho ban. 5g ngày mai đi cùng tôi lên mặt trận”. Tôi rập chân đứng nghiêm, đáp: “Tuân lệnh”. Anh Văn hỏi: “Việt cưỡi ngựa tốt chứ”.

Tôi đáp tiếp: “Báo cáo. Tốt”. Anh Văn nói: “Thế về chuẩn bị balô. Còn ngựa, tham mưu lo”. Đêm đó về lán tôi kể lại cho mấy bạn lính trẻ nghe. Không ít người ghen tị: “Ông được ra mặt trận là quá mãn nguyện. Thoát cảnh nghiền ngẫm giấy tờ rồi nhé. Con cưng anh Văn đấy thôi”.

Trung đoàn trưởng đầu tiên

Nhắc sự kiện này, ông Việt nói: “Ngày đó chỉ biết đánh giặc chứ không hoan hỉ chuyện thăng chức. Cũng như khi nghe cánh lính trẻ kháo chuyện “con cưng của anh Văn” nhưng mình chỉ háo hức với không khí cuộc kháng chiến ngày càng dồn dập”.

Đầu năm 1947, đặc phái viên của Bộ tổng tham mưu Đặng Văn Việt bám sát các tiểu đoàn địa phương để khảo sát địa hình, lên kế hoạch tác chiến trên đường số 4. Khi tiểu đoàn 23 (trung đoàn 28 Lạng Sơn) chuẩn bị trận phục kích cửa tử Bố Củng - Lũng Vài, Đặng Văn Việt nêu nhận xét:

“Quân Pháp toàn lính nhà nghề, đang ở thế tấn công. Lực lượng vệ quốc đoàn của ta chưa có kiến thức quân sự. Vũ khí trong tay hết sức thô sơ. Vậy chúng ta phải nắm vững thuật dụng binh khi đã hiểu tâm lý kiêu ngạo của lính lê dương là rất coi thường khả năng tác chiến của ta. Từ đó bố trí trận địa bằng các mũi nhọn thích hợp thì sẽ không lúng túng nếu tình huống diễn ra bất ngờ”.

Gợi ý này giúp tiểu đoàn bố trí ba tuyến phục kích từ chân núi lên đỉnh núi. Nếu địch thọc sâu vào tuyến một thì đã có tuyến hai đối phó. Nếu địch xuyên được tuyến hai thì tuyến ba trên đỉnh núi đánh vu hồi, bật địch xuống.

Trận đó, sau “bẫy” mìn là cuộc giao chiến giữa súng trường và Mútcơtông với trung liên Brenn “đầu bạc”, cối và tiểu liên Tômsơn, nhưng phải đến khi dùng thế mạnh đánh giáp lá cà từ mũi thứ ba trên đỉnh núi tràn xuống mới kết thúc được trận đánh. Ta bắt được sáu lính lê dương, thu nhiều vũ khí, trong đó có “của hiếm” là cối 60 li.

Rời tiểu đoàn 23, Đặng Văn Việt đến tiểu đoàn 374 bàn tác chiến khi địch đang dàn quân vận chuyển vũ khí, lương thực từ Móng Cái lên Lạng Sơn. Biết sau khi qua cửa tử Bông Lau - Lũng Phầy địch nghỉ lại thung lũng của bản Nằm, “tôi nghĩ ngay nếu quả thật địch nghỉ giữa lòng chảo thì khác nào thú rừng nô giỡn dưới thung sâu mà chúng tôi là những thợ săn bao bủa trên những ngọn đồi. Đây là một lợi thế bất ngờ cho ta vì có đủ ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Còn địch sẽ nghỉ xả hơi nên chủ quan” - Đặng Văn Việt nhận định.

Nhưng để chắc thắng, Đặng Văn Việt bàn tính “kéo” tiểu đoàn 23 sang phối hợp với tiểu đoàn 374. Hai tiểu đoàn sẽ dùng chiến lợi phẩm thu được là cối 60 li áp ngay vào đội hình địch. Địch bị tập kích bất ngờ, rơi vào thế trận đã được bố trí sâu rộng trong vùng rừng xung quanh địa hình trống dưới chân bản Nằm.

Trận đó 200 tên địch bỏ mạng, 30 lính tây trắng, tây đen vứt vũ khí đầu hàng. Gái điếm, con buôn đi theo thì chui rúc khắp bản. Dân bản vùng Tràng Định nô nức thăm nom ủy lạo bộ đội. Có cụ già hỏi Đặng Văn Việt: “Chỉ huy à. Bao giờ đánh trận nữa đấy?”.

Sau trận bản Nằm, Bộ tổng tham mưu quyết định Đặng Văn Việt ở lại làm trung đoàn phó, sau đó làm trung đoàn trưởng trung đoàn 28 Lạng Sơn.

“Sau trận Bố Củng - Lũng Vài lần ba quân đội thành lập hai trung đoàn chủ lực. Trung đoàn 209 Sông Lô do Lê Trọng Tấn làm trung đoàn trưởng, Trần Độ làm chính ủy. Trung đoàn 174 Cao-Bắc-Lạng do tôi làm trung đoàn trưởng, anh Chu Huy Mân làm chính ủy”, ông Việt nói. Năm đó, người lính trận Đặng Văn Việt mới 29 tuổi.

Không học quân sự nhưng đánh là thắng

Mở đầu câu chuyện về đời binh nghiệp của mình, ông Việt cho biết mặc dù chưa học một lớp quân sự chính quy nào nhưng trong vòng 15 năm ông được giao nhiều trọng trách trên các mặt trận khi Pháp gây hấn trở lại. Có năm di chuyển từ 2-3 vị trí.

“Làm quân sự thời chính quyền mới ra đời nên người lính phải xoay như chong chóng. Nhưng đã đánh là thắng. Thắng lớn nhưng quân ít thương vong” - ông nói.

Ông liệt kê 10 vị trí đáng nhớ nhất trong đời binh nghiệp của mình: trung đội trưởng trung đội 1, giải phóng quân Huế (8-1945); cán bộ Trường Quân chính Trung bộ (10-1945); chỉ huy mặt trận đường số 9 (12-1945); tham mưu trưởng mặt trận đường số 7 (7-1946); cán bộ khung Trường võ bị Trần Quốc Tuấn (1-1947); trưởng ban nghiên cứu, phòng tác chiến Bộ tổng tham mưu; đặc phái viên Bộ tổng tư lệnh tại mặt trận Lạng Sơn (10-1947); trung đoàn trưởng trung đoàn 174 Cao-Bắc-Lạng kiêm chỉ huy mặt trận đường số 4 (1949-1953); chuyển sang Trung Quốc học Trường trung cao lục quân một năm rồi ở lại làm huấn luyện Trường Lục quân của VN tại Quế Lâm đến năm 1957; chủ nhiệm huấn luyện Trường Sĩ quan lục quân VN (1957-1960).

___________________________

Kỳ tới“Hùm xám” đường số 4

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên