Ông Đặng Văn Việt (phải) được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá rất cao - Ảnh nhân vật cung cấp |
“Trong 120 trận đánh của ông khắp các vùng Tây Bắc, Đông Bắc và đồng bằng Bắc bộ, trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt chỉ thua bốn trận. Phẩm chất “thắng như chẻ tre” này khiến cả ta và địch kiêng nể ông |
“Chặt đứt đường số 4”
Ông Đặng Văn Việt mô tả con đường số 4 dài 340km giống như ống thực quản khổng lồ nuôi sống hệ thống lô cốt trên biên giới Việt - Trung, là gọng kìm xuyên suốt từ Đông Bắc qua Cao - Bắc - Lạng.
Giặc Pháp thiết lập tuyến đường này với tham vọng dập tắt cuộc kháng chiến của nhân dân ta trong ba tháng.
Ngả lưng vào ghế, ông Việt nhắm nghiền mắt, nói: “Tháng 9-1949 là thời gian rất căng thẳng trên đường số 4.
Bộ đội địa phương, chủ lực liên tiếp mở các trận phục kích dữ dội. Giặc Pháp gọi đường số 4 là “con đường chết chóc”, “con đường đẫm máu”.
Khi địch tính nước rút khỏi Cao Bằng, thay bằng đường hàng không thì trung đoàn chủ lực 174 Cao - Bắc - Lạng thành lập. Nhiệm vụ của trung đoàn là chặt đứt đường số 4”.
Ông Việt có ý tưởng rất lạ là đánh trận Bông Lau - Lũng Phầy lần 4 (tháng 9-1949) để lấy chiến công làm lễ ra mắt trung đoàn. Ông bàn với chính ủy Chu Huy Mân rồi trực tiếp dẫn lính trinh sát đi thực địa, lên phương án tác chiến tại trận”.
Bông Lau - Lũng Phầy ta đã thắng ba trận. Vì sao trung đoàn lại chọn tiếp địa bàn này? - Nên nhớ đây là cửa tử trên đường số 4. Đánh lại cửa tử cũ là một bất ngờ đối với địch. Nơi này địa hình vô cùng hiểm trở, rất hợp với ý đồ một trận đánh lớn.
Nằm cùng lính trinh sát hằng tuần, trung đoàn trưởng Việt nắm chắc quy luật vận chuyển của địch. Địch đi thưa nhưng vận chuyển lớn, hàng trăm xe. Khi đi chúng bố phòng chu đáo và không tiếc xả đạn, pháo.
Chuyến đi từ mờ sáng, một tiểu đoàn lính Âu, Phi dọn đường. Tới đèo Bông Lau chúng rẽ trái leo lên dãy núi Khau Pia chiếm lĩnh 11 ngọn núi để bố trí hỏa lực. Ba đại đội lê dương cùng xe tăng, bọc thép làm “cọc tiêu sống” dọc đường.
Trên Đông Khê, địch dùng hai đại đội bộ binh, thiết giáp rải quanh làng Lũng Phầy để ứng cứu. Dàn quân xong địch phát tín hiệu cho xe lên đường. Một tiểu đoàn lê dương hộ tống phía trước, giữa và đuôi. Đoàn xe 100 chiếc chia nhiều tốp, mỗi tốp 10 xe đi cách cự ly 2km. Xe cách xe 300m.
“Địch đã đi ba chuyến trót lọt, vì thế sẽ chủ quan, khinh thường. Chúng tôi đánh vào lúc chúng quá tin là ta không thể đánh được” - ông Việt diễn tả như trận đánh mới bắt đầu.
Tì lòng bàn tay vào vầng trán gầy, người lính già kể tiếp: “Chúng tôi sử dụng bốn tiểu đoàn bộ binh đánh vận động phục kích nhưng bí mật. Giữ được bí mật là thắng 80%. Một đại đội người vùng quê này am hiểu địa hình Khau Pia ém sát sườn sau và trước đỉnh núi.
Trên dãy núi đá phía đông đối diện đỉnh Khau Pia ta đặt hai tầng hỏa lực mạnh 70 li. Còn lại, giấu quân dọc rừng để rà quét đoàn xe. Phía Thất Khê tiểu đoàn Bông Lau 249 khóa đuôi.
Phía Đông Khê tiểu đoàn 23 chặn đầu. Các điểm hỏa lực đã chuẩn bị sẵn nhưng chưa đặt vũ khí. Khi địch không còn một mảy may nghi ngờ trung đoàn mới ra lệnh hỏa lực vào vị trí.
Ngày 3-9-1949 địch bắt đầu tung quân. Đúng như “bài toán” cũ, chỉ khác là thêm mấy chiếc máy bay “bà già” quần đảo trinh sát.
Trung đoàn trưởng Việt thực hiện cách “giải bài toán” của mình trong tới tấp các cú điện gọi về sở chỉ huy: “Địch đã lọt vào trận địa 90 xe. Đoàn xe nghiêng ngả trên 6km. Phải sử dụng tù binh khiêng súng đạn chiến lợi phẩm cho ta”...
Kể đến đây ông nêu kinh nghiệm: “Đánh giặc giống như làm toán. Các phép tính chuẩn xác thì xác suất thắng lớn thuộc về người tính”.
Trận này địch đi 133 xe, chúng tôi tiêu diệt gọn 96 xe, bắt 37 xe và 100 tù binh, vũ khí, quân trang thu được có thể trang bị cho hơn một trung đoàn. Ta thương vong 15 người. Hàng chiến lợi phẩm bà con địa phương gom cả tháng trời mới hết”.
Đây là trận phục kích lớn nhất trên đường số 4. Trận đánh ròng rã ba ngày nhưng chấm dứt gần ba năm chống chọi với địch.
Đường số 4 bị chặt đứt, địch không thể vận chuyển bằng xe cơ giới tiếp tế cho Cao - Bắc - Lạng. Cái “ống thực quản” đường số 4 và tham vọng của giặc Pháp coi như bị xóa sổ.
Biệt danh “hùm xám”
Cuốn hồi ký Dọc đường số 4 miền Cao - Lạng của ông Việt (khi tái bản sửa thành Đường số 4 rực lửa) còn ghi lại năm trận lớn khác từ năm 1949-1952: Phá tan 2 vạn tàn quân Quốc dân đảng tràn qua biên giới phía Bắc, thu hơn 1 vạn khẩu súng các loại (9-1949).
Tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê 2 (9-1950). Quả đấm cuối cùng vào tiểu khu duyên hải Bình Liêu (12-1950). Nhảy vào “hang cọp”, phá tan hậu phương quân viễn chinh Pháp (1951). “Nhổ” đồn Mộc Châu - trận thắng toàn diện (1952).
Ông Việt tự hào: “Nếu trận thắng đường số 4 tiếp năng lượng cho chiến dịch giải phóng biên giới (1950) thì năm trận tiếp theo vừa tôi luyện lực lượng vừa bổ sung nguồn vũ khí vô cùng quý giá cho chiến dịch giải phóng Điện Biên Phủ”.
Trong “men say” của quá khứ, ông nói: “Hùm xám đường số 4 là biệt danh địch gọi tôi đấy. Một tù binh đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau này trở thành đại tướng, bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp tên là Bigeard.
Năm 2008 ông ta đến Hà Nội tìm gặp tôi, nhờ dẫn đi thăm lại chiến trường đường số 4 vì ông ta nói “năm 1949 tôi là trung úy, đồn phó đồn Na Sầm từng chạm trán với ông trên đường số 4 mà giờ mới có dịp gặp nhau”.
Khi tôi chỉ lên dãy núi, giới thiệu trận địa phục kích cửa tử Bông Lau - Lũng Phầy, Bigeard đứng nhìn một lúc rồi thốt lên: “Ông đánh thế thì tôi thua là đúng”.
Ông ta lại nói: “Các ông đánh trận như thần”. Riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì tặng cho tôi những đánh giá mà tôi xem như những tấm huân chương: “Sáng tạo về quân sự. Vững vàng về chính trị. Đã đánh là thắng”.
Một số tướng lĩnh hàng đầu khác của Việt Nam cũng đánh giá rất cao ông Đặng Văn Việt, chẳng hạn như đại tướng Chu Huy Mân: “Việt là một nhà chỉ huy đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu”, đại tướng Hoàng Văn Thái: “Dù khó mấy cũng đánh”, thượng tướng Hoàng Minh Thảo: “Thắng lớn nhưng ít thương vong”...
Chiến công của trung đoàn 174 “Trên mặt trận Cao - Bắc - Lạng, đặc biệt là trên đường số 4 - “con đường lửa”, quân và dân ta đã chiến đấu với tinh thần anh dũng và sáng tạo tuyệt vời, lập nên chiến công xuất sắc. Ở đây cũng đã diễn ra chiến dịch đại thắng, quy mô lớn đầu tiên của quân đội ta: chiến dịch giải phóng biên giới. Trung đoàn 174 là trung đoàn chủ lực của Cao - Bắc - Lạng với các đơn vị tiền thân và các đơn vị bạn đã cùng với đồng bào các dân tộc góp phần xứng đáng vào thắng lợi lớn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Cuốn hồi ký Dọc đường số 4 miền Cao - Lạng của đồng chí Đặng Văn Việt đã trung thành ghi lại một phần những sự kiện quan trọng vào giờ phút không bao giờ quên trên chiến trường lịch sử”. |
__________________
Kỳ tới: Người anh hùng không được phong tặng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận