15/07/2014 03:20 GMT+7

"Người ăn xin"

VŨ THỤY PHƯƠNG TRANG
VŨ THỤY PHƯƠNG TRANG

TT - Truyện Người ăn xin của nhà văn Nga Ivan Turgenev được đọc từ hồi tiểu học khiến tôi nhớ mãi đến tận bây giờ. Đó là một trong những bài học giáo dục luân lý đầu đời để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho bản thân tôi về lẽ phải, lòng tốt và cách sống đúng mực của con người.

“Túi vàng” trong phòng thi“Yêu” ở tuổi tiểu họcBài viết hay nhất tháng 6

Đến bây giờ câu chuyện về Người ăn xin vẫn được sử dụng trong sách Tiếng Việt lớp 4 để giáo dục cho học sinh tiểu học. Tác phẩm thể hiện tính nhân văn sâu sắc và sự đồng cảm trước nỗi khổ cực, bất hạnh của con người, dù hai thân phận khác nhau. Nhờ biết đồng cảm, thương xót trước nỗi bất hạnh của ông lão ăn xin nên dù trong người không còn tiền, họ vẫn cảm thấy hạnh phúc và ấm áp khi cho và nhận được từ nhau sự đồng cảm, sẻ chia.

Tôi nhớ mãi đoạn kết của tác phẩm khi cậu bé nắm chặt lấy bàn tay run rẩy của ông và nói rằng: “Ông đừng giận cháu. Cháu không có gì để cho ông cả”... Người ăn xin với đôi môi tái nhợt nở nụ cười, tay ông siết chặt tay cậu bé: “Cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi”. Và đến khi kết thúc câu chuyện, không chỉ cậu bé cảm thấy mình nhận được chút gì đó từ ông lão, mà ngay cả người đọc tác phẩm cũng cảm thấy mình nhận được chút gì đó vào tâm hồn.

Mấy ngày trước tôi có trò chuyện với một em nhỏ lớp 4 vừa kết thúc năm học và hỏi về những kiến thức em học được sau một năm học. Thật không ngờ, em không chút ấn tượng và cũng không nhớ gì về tác phẩm này. Khi kể lại câu chuyện cho em nghe, tôi nhận được câu thốt lên thật thà: “Người ăn xin dơ lắm, em sợ không dám lại gần. Truyện là truyện, làm sao giống đời thực được!”.

Tôi hơi giật mình. Đồng ý rằng hiếm có ai ngoài đời, ngay cả các em học sinh, có thể chia sẻ sự đồng cảm của mình với những người nghèo khổ, bất hạnh bần cùng như thế. Tôi từng thấy những người bán vé số nghèo, đẩy xe bán hàng dạo mời người khác mua, nhẹ thì không ai trả lời, nặng thì bị đuổi đi, bị nhìn bằng ánh nhìn khinh miệt... Ngay cả khi ta không thể có những hành động cao cả như trong truyện, con người vẫn có thể san sẻ sự đồng cảm của mình bằng những lời từ chối nhẹ nhàng, hay nói rằng “Xin lỗi, tôi không có nhu cầu”, hay: “Cảm ơn, tôi không mua”. Những lời nói nhẹ nhàng mà ngày xưa các bạn được học, các em học sinh bây giờ vẫn được học, sao không áp dụng? Hay cuộc sống hối hả quá khiến con người ai cũng gắt gỏng?

Đôi khi chứng kiến những đứa trẻ no đủ đối xử với những người khổ hơn mình, tôi chỉ biết lắc đầu tự hỏi: bài học ngày xưa có còn nhớ?

VŨ THỤY PHƯƠNG TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên