28/02/2018 18:24 GMT+7

Ngưng thở tạm thời khi ngủ

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh

Đa số các trường hợp ngưng thở khi ngủ là do đường hô hấp trên bị xẹp hoặc tắc nghẽn, ngăn chặn luồng không khí đi vào phổi.

Ngưng thở tạm thời khi ngủ - Ảnh 1.

Ngủ ngáy to là triệu chứng thường gặp ở bệnh ngưng thở tạm thời khi ngủ. Ảnh minh họa. Nguồn: nelture.com

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là rối loạn đặc trưng bởi sự ngừng thở từng lúc trong khi ngủ, có thể dẫn tới thiếu oxy máu. Đây là tình trạng nội khoa thường gặp nhưng không được nhận biết. Lúc đó, người bệnh phải trải qua một hoặc nhiều khoảng thời gian ngừng thở hoặc thở nông trong giấc ngủ. Mỗi đợt ngưng thở có thể kéo dài từ vài giây cho tới vài phút. Động tác hô hấp bình thường sẽ quay trở lại sau mỗi đợt ngưng thở, đôi khi đi kèm với tiếng khịt mũi to, thở gấp và nghẹt thở.

Bởi vậy, người bệnh thường có triệu chứng: Ngáy to, buồn ngủ, mệt mỏi nhiều vào ban ngày, ngủ gật, hay giật mình thức giấc về đêm kèm theo thở gấp và ngạt thở, tiểu đêm nhiều lần, đau đầu vào buổi sáng, suy giảm trí nhớ, kém tập trung.

Nguyên nhân gây ra hội chứng ngưng thở khi ngủ

Đa số các trường hợp ngưng thở khi ngủ là do đường hô hấp trên bị xẹp hoặc tắc nghẽn, ngăn chặn luồng không khí đi vào phổi, gặp nhiều ở người béo phì; hoặc do bất thường cấu trúc sọ mặt và mô mềm đường hô hấp; xương hàm trên, hàm dưới có kích thước bất thường; do phì đại amidan, cuống mũi; khoang mũi hẹp... Bên cạnh đó, ngưng thở khi ngủ còn do yếu tố di truyền, do hút thuốc lá, tình trạng sung huyết mũi, đái tháo đường, uống rượu, thuốc an thần...

Không thể chủ quan với hội chứng ngưng thở khi ngủ, bởi nó gây tình trạng thiếu oxy trong máu dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, như suy tim, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, đột quỵ... Hội chứng ngưng thở khi ngủ còn gây tai biến mạch máu não, suy giảm trí nhớ, mất tập trung, tăng huyết áp, đái tháo đường, cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi.

Điều trị

Việc điều trị tùy thuộc vào tình trạng bệnh của người bệnh. Nếu chỉ ở mức độ nhẹ, người bệnh được tư vấn thay đổi lối sống bằng cách giảm cân, ngủ tư thế nghiêng, tránh sử dụng rượu, thuốc lá, thuốc an thần, tập thể dục hằng ngày, chế độ ăn hợp lý...

Nếu do phì đại amidan, phì đại cuống mũi, khoang mũi hẹp, người bệnh có thể được làm thủ thuật cắt amidan, cuống mũi. Nguyên nhân gây ngưng thở khi ngủ là do bất thường về cấu trúc vùng tai mũi họng, người bệnh có thể được phẫu thuật tạo hình vòm miệng hầu lưỡi gà.

Còn khi ở mức độ nặng, bệnh nhân có thể được thở áp lực dương liên tục trong lúc ngủ với máy thở, gắn với mặt nạ mũi hoặc mặt nạ miệng. Máy thở có tác dụng giúp mở và ngăn ngừa xẹp đường hô hấp trên, giảm buồn ngủ vào ban ngày ở hầu hết các bệnh nhân, cải thiện tăng huyết áp, tiểu đêm.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên