Cá chết nổi đặc bè - Ảnh: TỰ TRUNG
La Ngà (huyện Định Quán, Đồng Nai), tháng 5, nước giật. Lòng sông mênh mông nước, nay nứt nẻ bùn dẻo quánh. Mọi lần, phải mất 5 - 10 phút ghe chèo mới ra được làng bè, nay chúng tôi lội bộ gần đến nơi...
Hết cá rồi!
Trận mưa đêm 16-5, nước nguồn cuộn về, không biết cuốn theo những gì mà cá lần lượt ngoi lên mặt nước há miệng ngáp ngáp rồi chìm. "Nhìn, tôi biết nguy rồi, liền huy động con cháu lặn xuống vớt, đưa lên xe đông lạnh liền mà nào kịp..." - anh Tư Long nói.
45 tấn cá chết một lúc. Anh Tư Long thất thần nhẩm tính: "Bốn vèo cá này tôi đã kêu bán từ tháng trước, mà thương lái hẹn do nhiều người bán quá, lấy không kịp. "Xếp tài" đầu tuần sau tới tôi. Nay mất hết rồi, gần 40 tấn. Năm ngoái, cũng giấc này mất hơn 20 tấn. Năm nay, tôi tăng thêm một vèo để mong trả nợ, vậy mà... Đầu tư tới giờ đã gần 1,4 tỉ đồng".
Không chỉ mình anh Tư Long, hầu hết làng bè La Ngà hơn 500 hộ nuôi cá đều chung cảnh ngộ. Ngày 16-5, thương lái đến bến cá dưới chân cầu La Ngà cấp tập. Chủ bè hối hả xúc cá vào bao mang bán tháo. Cá lăng, cá leo, trắm cỏ, điêu hồng chỉ 10.000 đồng/kg, đến chiều giá chỉ còn 5.000 đồng, rồi 3.000 đồng, 2.000 đồng. Tối, hàng loạt ghe chất đầy các bao cá bắt đầu bốc mùi lặng lẽ quay về!
Anh Tư Long đã dành dụm, vay mượn mua cho con trai chiếc xe tải nhẹ có thùng đông lạnh chở cá đi bán. Lên xe được hơn 3 tấn cá "đang ngáp", anh Tư mong vớt vát chút tiền.
Tận chiều 17-5, con trai gọi điện về báo: "Đã chở cá đến vựa Tiền Giang, rồi xuống tận Cần Thơ nhưng ai cũng nghe tin cá La Ngà chết, lắc đầu không mua. Cuối cùng, phải quay lại Bình Điền, bán 3.000 đồng/kg". Anh Tư nghe điện, thở dài: "Lại lỗ thêm tiền xăng...".
Anh Trương Văn Trước ở bè bên sang ngồi nghe chuyện, lặng lẽ lắc đầu! Hai vèo cá lăng, cá leo của anh nuôi đã 8 tháng, định xuất bán vào tháng 9 này. Anh Trước nói: "Thường ngày phải thuê 5 người đi đánh bắt cá nhỏ về làm thức ăn cho cá lăng, cá leo vì chúng chỉ ăn cá tự nhiên, tiền công 500.000 - 700.000 đồng/ngày. Cả năm như vậy mới tới lúc bán. Giờ cá chết hết, tôi còn tiền đâu thuê người xúc!".
Mong hết ô nhiễm để làm lại
Cá chết dồn bao chất đầy bãi sông La Ngà - Ảnh: TỰ TRUNG
Sáng 18-5, chúng tôi quay lại bến cá. Vẫn những đống bao cá chết chất đầy. Vẫn những gương mặt thất thần. Mùi cá mỗi lúc mỗi nồng nặc theo hơi nắng. Thấy tôi, hai ba người cùng cất tiếng hỏi: "Cô từ thành phố xuống có biết chỗ nào tiêu thụ giúp, ủ phân bón tốt lắm...".
Hai xe tải chạy xuống, mở thùng xe. Anh nhân viên cầm cuốn sổ, nói không cần nhìn: "1.500 đồng/kg, bốc lên xe. Ai bán đưa lên luôn". Mấy ông chủ cá nhìn nhau, thở dài. Anh Tư Long lên tiếng đầu tiên: "Để tôi" rồi thở dài: "Giờ chỉ mong giải quyết ô nhiễm chỗ mình thôi, chớ tiền bạc gì nữa...".
Quán cóc bên bến cá hôm nay đông và ngột ngạt khác thường. Cái ngột ngạt của mùi tanh nồng bốc ra từ những bao xác cá chất thành đống, thành bãi xung quanh và ngột ngạt từ gương mặt trầm ngâm của những người đàn ông quen ăn sóng nói gió. Không ai gọi nước, chị chủ quán pha bình trà đá to sắp ra cho mọi người, rồi nhìn ra bến thở dài: "Cứ cảnh này hoài không biết làm sao sống...".
Ông Huỳnh Thanh Hùng (ấp 4, xã La Ngà, Định Quán) bấm đốt tay: "Năm ngoái, cũng ngày 20-5 tôi mất hai vèo cá hồng. Năm nay, ngày 16-5 lại ra đi ba vèo". Ông Lê Văn Thảo, ở ấp 3, tiếp lời: "Tôi thì năm ngoái 3, năm nay 2 vèo. Chỉ mình vậy thì kêu trời, mà xung quanh ai cũng như vậy thì không biết kêu ai, không biết phải nói sao, phải buồn như thế nào nữa".
Những người ngồi cạnh người gật đầu, người lắc đầu, đồng cảm. Mất ít, mất nhiều, đó đều là toàn bộ vốn liếng, hi vọng của họ. Mỗi lần làng bè chết cá, huyện, tỉnh lại cho người xuống ghi nhận, rồi vận động hỗ trợ mỗi vèo cá vài mươi triệu đồng.
Anh Tư Long vẫy tay ra hiệu đứa cháu xếp bao cá lên xe, bằng lòng bán giá 1.500 đồng/kg, rồi thở dài: "Hỗ trợ không ăn thua với cá đã chết, nhưng cũng được an ủi. Cái chúng tôi mong đợi nhất là giải quyết ô nhiễm trên sông để có thể làm lại...".
Hàng trăm tấn cá chết ở sông La Ngà bán rẻ làm phân bón
Lượng cá lồng bè chết trắng sông La Ngà là gần 1.000 tấn
Bộ Tài nguyên - môi trường đã yêu cầu tỉnh Đồng Nai nhanh chóng lấy mẫu nước sông La Ngà để đánh giá mức độ ô nhiễm, kiểm tra các nguồn thải chính ra sông và xác định tại sao cá chết có xu hướng lặp lại hằng năm...
P.V.
Ý kiến khác nhau
Ông Ngô Tấn Tài, phó chủ tịch UBND huyện Định Quán, cho biết đến ngày 21-5 đã có 81 hộ dân nuôi cá trên sông La Ngà kê khai chết gần 1.000 tấn cá.
Theo ông Tài, chỉ 2 công ty trên địa bàn được cấp phép xả thải ra sông là Công ty cổ phần Mía đường La Ngà và Công ty TNHH AB Mauri VN, nhưng đều ở hạ nguồn cầu La Ngà. Từ đợt cá chết năm 2018, huyện đã giám sát chặt chẽ các cơ sở người dân phản ảnh.
Ông khẳng định không điểm nào phía thượng nguồn xả thải ra sông. Còn nguyên nhân cụ thể cá chết hiện chờ kết quả xét nghiệm mẫu nước, mẫu cá từ cơ quan chuyên môn.
Trong khi đó, anh Tuấn, hộ nuôi cá tại xã Ngọc Định, nhận định nguyên nhân do các công ty chế biến phía thượng nguồn. "Mọi năm lũ xuống, nước bùn đầu nguồn về khiến cá chết nhưng chỉ hao hụt thôi. Trong khi 2 năm nay, cơ sở chế biến xuất hiện thì cả 2 năm đều có hiện tượng cá chết hàng loạt" - anh Tuấn nói.
Chị Giang, hộ nuôi cá ở xã La Ngà, cũng bức xúc: "Tôi ở đây 18 năm, nhưng chỉ 2 năm nay cá chết nặng vậy. Hồi trước cá cũng chết trong mưa đầu mùa, nhưng chỉ vài trăm ký là hết. Nó chết từ từ, chứ không phải chết hàng loạt trong vòng một tiếng đồng hồ như vậy". (A LỘC)
Cuối năm quy hoạch xong làng bè
Ông Huỳnh Thành Vinh, giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai, cho biết: "Sau nhiều lần xảy ra cá chết ở La Ngà, ngành đã tính toán quy hoạch lại chăn nuôi cá khu vực lòng hồ Trị An. Tuy nhiên, do cuộc sống người dân và có hộ chưa nghe cảnh báo nên tiếp tục xảy ra cá chết.
Trước khi xảy ra vụ cá chết lần này, cách nay cả tháng, chúng tôi lường trước giao mùa thời tiết thay đổi, ô nhiễm đầu nguồn đổ xuống làm cá chết. Chúng tôi đã cử cán bộ ngành phối hợp với chính quyền cơ sở xuống hộ nuôi vừa cảnh báo vừa yêu cầu cam kết di dời vào nơi an toàn hơn, nhưng có hộ vẫn không dời và xảy ra cá chết.
Chúng tôi tìm hiểu có mấy vấn đề khiến dân chưa chịu dời, như người nuôi cá bè cho rằng neo bè gần cầu La Ngà dễ bảo vệ tài sản, buôn bán cá, đưa con cái lên bờ học hành và mua thức ăn chăn nuôi thuận tiện.
Khi chúng tôi cảnh báo, người dân nói bao giờ mưa lớn họ dời, nhưng vừa qua cũng chỉ một phần ba hộ nuôi đã dời xuống hạ lưu và tiếp tục xảy ra cá chết. Hiện chúng tôi tham mưu cho UBND tỉnh cuối năm nay phải hoàn thành quy hoạch chăn nuôi khu vực này". (SƠN ĐỊNH)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận