Con tàu vỏ thép QNg 90999 của ông Võ Văn Hân đang chờ đấu giá thi hành án - Ảnh: T.MAI
Ngư dân trắng tay, ngân hàng cũng "khóc". Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến một chính sách rất được mong đợi lâm vào tình cảnh hiện nay?
Bỏ của chạy lấy người
Là nông dân sản xuất giỏi, nhận gần 100 bằng khen, giấy khen... từ trung ương đến địa phương, nhiều năm trước ngư dân Phạm Tri Thức (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi) là tấm gương được nhiều ngư dân học tập. Ông Thức là chủ của ba con tàu gỗ với hai lần nhận huy chương vàng Thủy sản Việt Nam.
Năm 2014 khi nghị định 67 ra đời, ông là người tiên phong ở xã Tịnh Kỳ đóng tàu vỏ thép. Cuối năm 2016 tàu thép QNg 91999 hạ thủy, cả năm 2017 ông Thức chỉ tập trung "làm quen" với tàu vỏ thép hoàn toàn mới lạ và nghề cũng chuyển từ lưới rút sang lưới rê.
Thế nhưng chỉ sau đó ít lâu, tháng 6-2018 ông bị ngân hàng kiện vì không thể trả được khoản nợ gốc và lãi vay 300 triệu đồng/quý. Ông chạy vạy 300 triệu đồng đóng cho ngân hàng và trở lại biển khơi. Nhưng rồi đến cuối năm 2018, ngân hàng lại một lần nữa khởi kiện ra tòa vì ông Thức mất khả năng chi trả, tàu neo bờ từ đó.
Thay vì đi biển, ông Thức phải hầu tòa. Năm 2021, con tàu có tổng vốn 16,6 tỉ đồng (ngân hàng cho vay 15,8 tỉ đồng, ông Thức đối ứng 800 triệu đồng) đã bị bán đấu giá chưa đến 2 tỉ đồng.
"Để đánh bắt trên tàu vỏ thép tôi phải cầm cố nhà, bán 3 con tàu vỏ gỗ để bọc inox thân tàu, lắp ráp máy sản xuất nước biển thành nước đá và máy lọc nước biển thành nước ngọt... Tôi rất muốn vươn khơi. Bao kỳ vọng, giờ là hối hận. Cơ quan thi hành án đã đến nhà thông báo bán đấu giá căn nhà, gia đình tôi sắp trở thành người vô gia cư", ông Thức nói.
Còn tàu vỏ thép QNg 90999 của ngư dân Võ Văn Hân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cũng tương tự, đóng mới hơn 14 tỉ đồng giờ được định giá khởi điểm 2 tỉ đồng nhưng không ai mua hồ sơ đấu giá. Nguyên nhân thất bại của ông Hân bắt đầu tháng 3-2018, tàu hỏng máy tại ngư trường Hoàng Sa, toàn bộ ngư lưới cụ trị giá 3,6 tỉ đồng bị mất.
Số tiền hỗ trợ dầu cho tàu đánh bắt xa bờ đáng ra chuyển về cho ông Hân nhưng đã chuyển thẳng cho ngân hàng để trừ nợ gốc và lãi. Mất số tiền này, ông Hân không thể ra khơi, bị ngân hàng khởi kiện. "Tôi giờ trắng tay rồi", ông Hân nói.
Tại Đà Nẵng có tổng cộng 7 con tàu đóng mới theo vốn vay ưu đãi từ nghị định 67. 6 ngư dân được chọn vay vốn đều là những người giỏi nghề, nhiều năm lăn lộn ở ngư trường Hoàng Sa. Nhưng hiện cả 7 tàu đều "đắp chiếu" nhiều năm. Cả người vay lẫn chủ nợ đều chờ ngày dắt nhau ra tòa vì tàu làm ăn không hiệu quả.
Trong khi 2 con tàu đóng theo nghị định 67 đắp mền, ngư dân Nguyễn Sương (Đà Nẵng) vẫn tiếp tục hành nghề trên các tàu đóng mới theo quyết định 47 - Ảnh: TR.TRUNG
Đâu là nguyên nhân?
Ông Ngô Tấn, phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, cho rằng nghị định 67 là ưu việt, tạo điều kiện cho ngư dân phát triển kinh tế trên nền tảng ngư dân truyền thống. Xưa nay chưa bao giờ có đội tàu nào bằng tàu 67. Nhưng chính sách này khi triển khai không lường hết hiệu ứng "domino". Tức là khi triển khai đồng loạt trên toàn quốc, ngư dân ở một số tỉnh không trả nợ theo lộ trình. Có ngư dân đánh bắt hiệu quả nhưng không trả nợ. "Nói chung là đau xót, thất bại", ông Tấn nói.
Hiện Quảng Nam, Quảng Ngãi đã kiến nghị Bộ NN&PTNT và Chính phủ về thực trạng tàu 67. Đề nghị có chính sách hỗ trợ cho ngân hàng thương mại, nghiên cứu chính sách hỗ trợ ngư dân phục hồi, tái cơ cấu sản xuất.
Ngư dân Phạm Tri Thức nói nguyên nhân ông thất bại với tàu 67: Năm đầu tập làm quen tàu. Tính ra tôi chỉ hoạt động 6 phiên biển đã bị ngân hàng kiện vì không thể trả nợ gốc và vốn vay 300 triệu đồng/quý. "Giá như chính sách tính đến việc đi biển đầy rủi ro như hỏng máy, thời tiết xấu, giá thủy sản... để giãn nợ cho ngư dân thời gian ít nhất 5 năm đầu", ông Thức nói.
Ông Thức nói năm 1999 chính sách hiện đại hóa tàu cá ra đời, ông cũng vay 800 triệu đồng. Sau 2 năm đầu không trả được nợ và lãi thì được cơ cấu giữ và giãn nợ, 3 năm sau đó khi quen tàu bè đánh bắt hiệu quả, ông đã trả hết nợ. Thời hạn trả hết nợ và lãi lúc đó là 10 năm, nhưng 5 năm ông đã trả xong. "Còn nghị định 67 thời hạn 11 năm nhưng không có thời gian sửa sai", ông chua xót.
Đồng quan điểm, ngư dân Võ Văn Hân cũng cho rằng: "Chính sách không đi kèm phương án giải quyết rủi ro trên biển của ngư dân, tôi thua trắng tàu 67 vì sự cố mất lưới, hết tiền không thể ra khơi. Nếu chính sách cho cơ cấu nợ thì không đến mức bị khởi kiện, bán tàu thi hành án".
Ngư dân Phạm Văn Hùng nói rằng chính sách không xuyên suốt chẳng hạn các khoản hỗ trợ như tiền bảo hiểm (Nhà nước hỗ trợ 90%) nhưng giờ bỏ luôn, hai là tiền duy tu bảo dưỡng tàu hằng năm (10%) cũng bị cắt. Nếu việc hỗ trợ xuyên suốt theo nghị định, đảm bảo ngư dân vẫn tiếp tục đồng hành với nghị định để vươn khơi, khó khăn mấy cũng cố gắng.
Ông Trần Văn Lĩnh, chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, cho rằng chủ trương hiện đại hóa đội tàu đánh bắt trên biển của nghị định 67 là cần thiết. Tuy nhiên việc triển khai, áp dụng quá nôn nóng khiến cả người dân và ngân hàng lâm vào cảnh dở khóc dở cười.
Theo ông Lĩnh: "Nghề cá hiện đại cần đi lên từ chất hơn là số lượng. Việc đóng mới tàu vỏ thép theo nghị định 67 mới lo được con tàu nổi trên mặt nước nhưng chưa đào tạo được ngư dân làm quen với cách vận hành công nghệ mới để khai thác hiệu quả. Do vậy việc tàu nằm bờ, ngư dân lâm nợ là tất yếu".
Ngân hàng cũng... khóc
Theo thống kê, Quảng Ngãi có 62 tàu đóng mới theo nghị định 67 với tổng vốn gần 390 tỉ đồng và 80% tàu đánh bắt không hiệu quả, đã, đang và sẽ bị ngân hàng khởi kiện.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Quảng Nam, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã giải ngân theo nghị định 67 cho 65 chủ tàu (đóng mới 63 tàu, cải hoán 2 tàu) tổng vốn vay hơn 719 tỉ đồng. Tính đến nay có khoảng 30% không thực hiện nghĩa vụ trả nợ như cam kết, bị ngân hàng bán thanh lý thu hồi nợ.
Cần gỡ nợ xấu cho "tàu 67"
Tại cuộc họp về xây dựng dự thảo nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản (dự thảo nghị định) mới đây, ông Nguyễn Văn Trung, vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản), cho biết khi triển khai, thực hiện nghị định 67/2014, đa số các vướng mắc, khó khăn đã được Chính phủ và các bộ, ngành tích cực tháo gỡ nhưng vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần được quan tâm để định hướng sửa đổi, thay thế.
Theo ông Trung, chính sách đầu tư hạ tầng nghề cá, hạ tầng vùng nuôi chưa đạt mục tiêu mà nghị định, ngân sách bố trí hạn chế, tàu không được nâng cấp. Về tín dụng nợ xấu quá cao, tổng số tiền cho vay đóng 1.031 tàu và 146 tàu nâng cấp là 11.700 tỉ đồng. "Theo báo cáo của các ngân hàng đến cuối quý 4-2021, dư nợ của chương trình 9.520 tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu 67%.
Ông Trung cho biết hiện các ngân hàng đã thực hiện hỗ trợ cho người dân cơ cấu lại trả nợ với dư nợ 719 tỉ đồng, thực hiện chuyển đổi chủ tàu đối với 14 tàu với dư nợ gần 91 tỉ đồng. Tuy nhiên việc chuyển đổi hiện nay rất ít, do đó tới đây có chính sách về chuyển đổi chủ tàu (tháo gỡ khoản vay nợ xấu).
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh nghị định 67 đã kết thúc từ năm 2017, chỉ còn một số vấn đề còn kèm theo cam kết trong thời gian dài như bảo hiểm, lãi suất... nên việc xây dựng nghị định mới sẽ phải cân đối, đảm bảo tất cả các vấn đề. Đơn vị xây dựng dự thảo nghị định phải lấy người dân, đối tượng thụ hưởng làm trung tâm để thiết kế chứ không phải cơ quan quản lý.
Ngành thủy sản cần phải quan tâm hơn đến công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho nông dân. Đồng thời, phải đào tạo cho đội ngũ cán bộ ngành nông nghiệp tại các địa phương.
CHÍ TUỆ
Cần tính đến rủi ro cho ngư dân
Theo một lãnh đạo ngân hàng tại Quảng Ngãi, ngân hàng cho vay đúng theo quy định nghị định 67 như hạn mức, cơ chế vay... nhưng việc thu hồi nợ theo đúng quy định hiện hành. Theo hợp đồng, tất cả tàu theo nghị định 67 trên cả nước dù lãi vay ưu đãi 1%/năm, nhưng chỉ cần một quý không trả được thì nợ dồn nợ biến thành lãi thương mại 7%/năm.
Đúng ra chính sách cần có hành lang pháp lý cho ngân hàng thương mại, ngoài cho vay còn phải xem xét rủi ro khách quan để cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ khi ngư dân mất ngư lưới cụ, thời tiết xấu, giá thủy sản thấp, dịch bệnh... để ngư dân có thể tái sản xuất.
1.177
Đó là số tàu 4 ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với ngư dân cho vay đóng mới, nâng cấp theo nghị định 67/2014, với số tiền cam kết cho vay trên 11.700 tỉ đồng. Hết quý 4-2021, tỉ lệ nợ xấu là 67,2%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận