30/11/2019 11:40 GMT+7

28 tàu cá Nghị định 67 bị bảo hiểm 'chê'

THÁI THỊNH
THÁI THỊNH

TTO - 'Nhà nước đã cho vay vốn đóng tàu mà lại không cho chúng tôi mua bảo hiểm, không được ra khơi đánh bắt thì chúng tôi lấy gì trả nợ cho Nhà nước', chủ tàu bức xúc.

28 tàu cá Nghị định 67 bị bảo hiểm chê - Ảnh 1.

Những tàu vỏ thép đóng theo nghị định 67 đang nằm bờ tại cảng Đề Gi (Bình Định) vì không mua được bảo hiểm - Ảnh: THÁI THỊNH

Chiều 29-11, tại cuộc họp khẩn giữa ngư dân, các ngân hàng và công ty bảo hiểm để giải quyết các vướng mắc trong việc bảo hiểm tàu cá theo nghị định 67, Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết đã có 28 tàu (2 gỗ, 3 composite, 23 thép) đóng mới theo nghị định 67 hết hạn bảo hiểm nhưng chưa mua được bảo hiểm, đang neo đậu tại cảng Đề Gi (Quy Nhơn, Bình Định).

Tại cuộc họp, ông Ngô Văn Chí - chủ tàu vỏ thép BĐ 99789 TS - cho biết tàu vỏ thép trị giá 18,7 tỉ đồng của gia đình ông đã hết hạn bảo hiểm từ ngày 8-8 nhưng do không mua được bảo hiểm nên tàu không thể đi đánh bắt được, tiền nợ ngân hàng chưa biết lấy gì để trả. 

"Nhà nước đã cho vay vốn đóng tàu mà lại không cho chúng tôi mua bảo hiểm, không được ra khơi đánh bắt thì chúng tôi lấy gì trả nợ cho Nhà nước" - ông Chí bức xúc.

Theo ông Phạm Văn Tận - chủ tàu BĐ 99668 TS, dù giá trị con tàu vỏ thép rất lớn nhưng khi bán bảo hiểm, công ty bảo hiểm lại loại phần ngư cụ ra không bán bảo hiểm. "Tổng giá trị thế chấp gồm cả con tàu và ngư cụ. Nếu loại ngư cụ ra, bảo hiểm sẽ thấp hơn giá trị tiền vay của ngân hàng. Điều này sẽ gây khó khăn cho ngư dân và ngân hàng khi xảy ra sự cố" - ông Tận nói.

Bà Nguyễn Thị Tuyến, phó giám đốc Agribank Bình Định, cho biết theo quy định, tất cả tài sản bảo đảm khoản vay, đặc biệt là tàu cá, bắt buộc phải mua bảo hiểm. 

"Chúng tôi rất mong các công ty bảo hiểm sớm bán bảo hiểm cho ngư dân để đi khai thác. Đây là chính sách chung của Nhà nước, chúng tôi chấp hành tốt chủ trương cho vay đối với các ngư dân đi đánh bắt xa bờ. Các cơ quan bảo hiểm cũng cần đồng hành cùng chúng tôi, tiếp tục bán bảo hiểm cho ngư dân" - bà Tuyến đề xuất.

Tuy nhiên, ông Bùi Minh Đức, phó giám đốc Công ty bảo hiểm PJICO Bình Định, cho biết theo yêu cầu của Tổng công ty bảo hiểm PJICO, chỉ được bán bảo hiểm cho tàu cá đóng mới theo nghị định 67 khi có ý kiến phê duyệt của tổng công ty. 

Tuy nhiên, đến nay tổng công ty vẫn chưa có ý kiến phê duyệt với các hồ sơ yêu cầu mua bảo hiểm của ngư dân nên công ty chưa thể bán bảo hiểm cho ngư dân theo yêu cầu.

Ông Trần Văn Phúc, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết nhiều tàu theo nghị định 67 đánh bắt có hiệu quả nhưng vướng mắc lớn nhất hiện nay là không mua được bảo hiểm. Do đó, Công ty bảo hiểm PJICO phải trả lời dứt điểm cho bà con là có bán bảo hiểm hay không để các tàu cá sớm được ra khơi đánh bắt, trả nợ ngân hàng.

"Nếu Công ty bảo hiểm PJICO, các bộ ngành không có chỉ đạo hướng dẫn, địa phương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến để nhanh chóng giải quyết" - ông Phúc nói. Đồng thời cho biết đã làm việc rất nhiều với các công ty bảo hiểm khác trên địa bàn nhưng đều bị từ chối bán bảo hiểm cho tàu cá nghị định 67.

Bảo hiểm "chê" vì sợ lỗ, tàu vỏ thép hàng chục tỉ đồng nằm bờ Bảo hiểm 'chê' vì sợ lỗ, tàu vỏ thép hàng chục tỉ đồng nằm bờ

TTO - Nhiều tàu vỏ thép đóng theo nghị định (NĐ) 67 với giá trị lên tới hàng chục tỉ đồng đang nằm bờ do công ty bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm cho tàu với lý do rủi ro cao, năm nào công ty bảo hiểm cũng lỗ!

THÁI THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên