19/08/2020 16:06 GMT+7

Ngư dân biên giới ngóng lũ về để mưu sinh

BỬU ĐẤU
BỬU ĐẤU

TTO - Những dòng sông ven biên giới thị xã Tân Châu giáp với Campuchia đã chuyển màu đục ngầu, mang theo nhiều phù sa đổ về các kênh, rạch. Tuy nhiên, ngư dân ven biên giới vẫn lo lắng và luôn ngóng lũ về để đánh bắt cá tôm.

Ngư dân biên giới ngóng lũ về để mưu sinh - Ảnh 1.

Khu vực cầu Cỏ Lau, xã Phú Hữu, huyện An Phú giáp với xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu hằng năm giờ này nước lũ tràn ngập cả cánh đồng biên giới, nhưng nay chỉ mới ngấp nghé bờ kênh - Ảnh: BỬU ĐẤU

Ngày 19-8, phóng viên Tuổi Trẻ Online trở lại nơi đầu nguồn sông Tiền là xã Phú Lộc và xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang mới thấy người dân nơi này "ngóng lũ" cỡ nào. Dù những dòng sông, kênh rạch từ Campuchia chảy xuống Việt Nam đã đổi màu đục ngầu, có nơi có màu "cà phê sữa", nhưng nhiều nông dân ven biên giới vẫn lắc đầu ngao ngán và mong đợi lũ về.

Dẫn chúng tôi xuống kênh Phú Lộc, ông La Văn Thiền, 59 tuổi, ngụ ấp Phú Quí, xã Phú Lộc, cho biết nhiều ngày qua gia đình ông đã chuẩn bị sẵn sàng 12 cái dớn (lú) để đặt khi lũ về. 

Nếu như năm trước vào thời điểm này, gia đình ông đặt dớn kiếm khoảng 300.000 đồng/ngày, thì năm nay ông đặt 12 dớn xuống sông nhưng chỉ kiếm được 50.000 đồng/ngày. 

Nước lũ năm nay đến trễ hơn so với năm trước rất nhiều ngày. Nếu như cùng kỳ năm trước, mực nước lũ giờ này trên đồng đã tràn ngập, người dân có thể bơi xuồng giăng lưới, đặt dớn rất nhiều thì năm nay con nước lũ mới ngấp nghé bờ kênh. Nếu so với cùng kỳ, mực nước thấp hơn khoảng 0,5m.

Ngư dân La Văn Thiền đặt 12 cái lú dưới lòng kênh Phú Lộc nhưng kiếm cá khó khăn hơn năm 2019 - Video: BỬU ĐẤU

"Năm 2019, thời điểm này bà con tụi tui vui lắm vì lũ tràn ngập các cánh đồng, ai ai cũng làm nghề đánh bắt cá có tiền, còn bây giờ không có cá gì hết. 

Tôi đặt 12 cái lú mà kiếm cá khó quá. Ngày nào đổ lú mà may mắn có vài con tôm sông thì bán được hơn 100.000 đồng/ngày. Còn lại, kiếm vài chục ngàn đồng thôi. 

Bà con ở đây hi vọng nước lớn để mọi người làm ăn mùa lũ, chứ không có lũ thì không biết sống sao", ông Thiền nói thêm.

Ngư dân biên giới ngóng lũ về để mưu sinh - Ảnh 3.

Ông La Văn Thiền cho biết nếu như năm rồi vào thời điểm này ông đặt lú kiếm gần 300.000 đồng/ngày thì nay chừng vài chục ngàn đồng/ngày - Ảnh: BỬU ĐẤU

Còn ông Dương Văn Cảnh - bí thư, chủ tịch UBND xã Phú Lộc - cho biết người dân xã Phú Lộc chủ yếu làm nghề câu lưới khi mùa lũ đến, bình thường đi làm thuê mướn xa xứ. "Hiện giờ còn khoảng 20% dân số toàn xã sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản và giăng câu lưới. Tuy nhiên, con nước lũ năm nay về trễ hơn so với nhiều năm" - ông Cảnh nói.

Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, mực nước lũ trên sông Tiền tại Tân Châu đo được là 1,8m, còn trên sông Hậu tại Châu Đốc là 1,84m, tăng từ 0,5 đến 0,68m so với trước đó.

Ngư dân biên giới ngóng lũ về để mưu sinh - Ảnh 4.

Toàn cảnh kênh Phú Lộc có nước phù sa đổ về và đang ngấp nghé tràn bờ - Ảnh: BỬU ĐẤU

​Thủy điện sẽ “giết chết” nguồn lợi thủy sản trên sông Mê Kông ​Thủy điện sẽ “giết chết” nguồn lợi thủy sản trên sông Mekong

Sông Mekong có chiều dài khoảng 4.880km, chảy qua lãnh thổ 6 quốc gia Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên