17/01/2016 10:50 GMT+7

Ngóng vọng Hoàng Sa

TẤN VŨ - TRẦN MAI
TẤN VŨ - TRẦN MAI

TT - Thêm một tượng đài sừng sững hướng về Hoàng Sa như để minh chứng với tiền nhân rằng công cuộc khẳng định chủ quyền VN đối với quần đảo đang lạc loài xa đất mẹ chưa bao giờ dừng lại...

Mô hình phác thảo khu tưởng niệm Hoàng Sa với hình ảnh “Người mẹ thắp lửa” của KTS Trần Văn Dũng

Sáng nay 17-1, trên triền núi Thới Lới thoai thoải dốc, những viên đá đầu tiên của khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa trên núi Thới Lới, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chính thức được đặt xuống.

Trước đó, nhiều tháng công tác chuẩn bị cho công việc thiêng liêng này đã được Tổng LĐLĐ VN (chủ đầu tư), báo Lao Động và chính quyền huyện Lý Sơn tất bật hoàn thành.

Hình tượng “người mẹ thắp lửa” có thể đại diện cho tất cả những người con đất Việt đã hi sinh vì Hoàng Sa trong suốt chiều dài lịch sử xác lập và bảo vệ chủ quyền tại Hoàng Sa, bất kể thời đại nào

KTS TRẦN VĂN DŨNG

“Người mẹ thắp lửa”

Nằm trong chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”, Tổng LĐLĐ VN đã phát động cuộc thi thiết kế đồ án xây dựng khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa vào năm 2014. Vượt qua nhiều đề án khác, tác phẩm Người mẹ thắp lửa của KTS Trần Văn Dũng đến từ TP.HCM đã được chọn.

Nhiều ngày qua, những tấm biển lớn in hình tượng đài là dáng một người phụ nữ ôm cây đèn bão đang dõi mắt hướng về Hoàng Sa như ngóng vọng, được dựng lên khắp Lý Sơn. Nhiều người dân trên đảo đã kéo đến xem hình hài pho tượng.

Ngồi ngay trên đỉnh đồi nơi sẽ đặt tượng, KTS Dũng chia sẻ rằng nhiều lần đến với Lý Sơn, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt ông là hình ảnh người mẹ, người vợ, người em ngóng chồng, cha.

Và hình tượng “người mẹ thắp lửa” có thể đại diện cho tất cả những người con đất Việt đã hi sinh vì Hoàng Sa trong suốt chiều dài lịch sử xác lập và bảo vệ chủ quyền tại Hoàng Sa, bất kể thời đại nào.

“Hình ảnh người phụ nữ chờ chồng trong truyền thuyết Việt không hiếm, nhưng hình ảnh những người phụ nữ miền Trung khóc thắp đèn cúng vọng chồng con, đứng ngóng đợi trên bờ biển là những hình ảnh đầy cảm xúc, họ như những chứng nhân cho những người nghĩa sĩ đã, đang và sẽ hi sinh vì Hoàng Sa” - KTS Dũng nói.

Và bao đời nay, hằng ngày những người vợ, người mẹ vẫn ra bờ biển ngóng trông chồng con trở về và không ít người đã khóc, thắp đèn cúng chồng con khi chồng con mình không bao giờ về nữa.

Ngoài ra, người mẹ còn có ý nghĩa như một tác nhân hòa giải, tập hợp mọi người con VN cho mục tiêu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong lòng dân tộc, tất cả người dân binh năm xưa và những người lính đã ngã xuống trước và trong những ngày tháng 1-1974, những người đang và sẽ tiếp tục can trường bám giữ vùng biển quê hương mãi mãi là những người con anh dũng của mẹ VN.

Hình tượng người mẹ còn có một ý nghĩa khác là Tổ quốc vẫn chờ vẫn đợi quần đảo Hoàng Sa máu thịt như những đứa con lưu lạc sẽ trở về.

Ngọn đèn trước ngực như lửa từ trong trái tim yêu thương của mẹ - lửa vĩnh cửu tưởng nhớ đến những người con của mình đã hi sinh ngoài Hoàng Sa và ngọn lửa thắp sáng niềm hi vọng đòi lại Hoàng Sa một ngày nào đó.

Mô hình phác thảo Khu tưởng niệm Hoàng Sa với hình ảnh “Người mẹ thắp lửa” của KTS Trần Văn Dũng
Mô hình phác thảo Khu tưởng niệm Hoàng Sa với hình ảnh “Người mẹ thắp lửa” của KTS Trần Văn Dũng

“Cột mốc” cho Hoàng Sa

Ngắm hình ảnh bức tượng người mẹ ôm đèn bão vọng Hoàng Sa, ngư dân Võ Văn Út (thôn Tây, An Vĩnh) - đời thứ 6 của cụ Võ Văn Khiết, người được triều Nguyễn giao nhiệm vụ làm cai đội Hoàng Sa - tâm tư rằng nếu chọn hình tượng đội Hoàng Sa kiêm quản với năm chiếc thuyền buồm năm xưa sẽ bị trùng lắp với tượng đài đã có trước Bảo tàng Hoàng Sa cũng ở đảo Lý Sơn.

Nhưng trước khi xây dựng tượng đài Người mẹ thắp lửa này đã có nhiều đoàn công tác ra đây thăm dò và nắm rất chắc tâm tư của nhiều thế hệ người đi biển.

Hình ảnh người mẹ ôm đèn ngóng vọng làm những người trên đảo rất ấm lòng vì đã nói thay được nỗi lòng của người ở lại. Ông Út cho rằng thêm một tượng đài nhắc nhớ là thêm một cột mốc cắm xuống cho chủ quyền Hoàng Sa.

Ông Út cho biết ông rất tâm đắc với thiết kế “bức tường lịch sử” bằng đá đen chạy dọc theo con dốc lên sát chân tượng đài. Bức tường này sẽ là nơi ghi tạc lịch sử lâu đời về Hoàng Sa từ thuở khai hoang đến tận ngày nay.

Tất cả các biến cố về quần đảo đều được ghi chép vào đó để con cháu đời sau chỉ cần đến đọc sẽ biết rõ về Hoàng Sa. Nói thêm về con đường lịch sử, KTS Trần Văn Dũng cho biết tuyến đường này dài 94m, rộng 3m đến 4,8m đủ để khách thăm viếng dừng lại xem các bản khắc trên bức tường đá.

Minh họa trên tường gồm hình vẽ và phần khắc chữ thuyết minh bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Bức tường đá đen cao và dài thể hiện cho một chuỗi ký ức không bao giờ quên về một vùng biển đảo đang bị chiếm đóng trái phép.

Ngồi dưới cánh đồng tỏi đang mùa ra hoa, bà Ngô Thị Tĩnh trải lòng rằng bà hóng bức tượng từng ngày được dựng lên, bởi theo bà Tĩnh, bức tượng không chỉ là nơi ghi dấu nỗi lòng của người mẹ, nói thay nỗi lòng của người ở lại mà còn là chốn linh thiêng sẽ soi đường cho chồng con của bà đi biển an lành trở về.

“Khu này xây lên, khách đến nhiều, mình làm du lịch thêm cũng được bởi cái đồi xây dựng đó cũng trơ trụi hàng trăm năm nay” - bà Tĩnh nói.

Còn ông Nguyễn Thanh, chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho rằng tổng thể khu tưởng niệm như một con tàu có mũi hướng chính diện về quần đảo Hoàng Sa mang một ý nghĩa rất lớn.

Trước đây, ở thiết kế ban đầu con tàu hướng mũi về phía bắc, nhưng hội đồng nghệ thuật tỉnh quyết định quay mũi tàu về Hoàng Sa như để nhắc nhở một phần máu thịt còn chưa trở về với đất mẹ.

Nhiều người đặt hương, hoa quả bái vọng trên đỉnh núi Thới Lới, nơi xây dựng khu tưởng niệm Hoàng Sa chiều 16-1 - Ảnh: Tấn Vũ
Nhiều người đặt hương, hoa quả bái vọng trên đỉnh núi Thới Lới, nơi xây dựng khu tưởng niệm Hoàng Sa chiều 16-1 - Ảnh: Tấn Vũ

Tổng mặt bằng khu tưởng niệm Hoàng Sa gồm hai chủ thể chính cùng trên một trục chính nhìn ra biển, hướng về phía quần đảo Hoàng Sa, rộng 535m2. Trục chính là trục thẳng dài hơn 90m, rộng từ 3-4m, chạy từ tây - tây nam ra hướng đông - đông bắc.

Tượng đài Người mẹ thắp lửa cao 16m bằng thép không gỉ, đứng trên một khối đá xám nhô lên từ chính giữa sân tròn, có đường kính 20m, ở độ cao +70m. Sau lưng tượng đài là bức phù điêu lớn bằng đá xám mô tả “Đội hùng binh Hoàng Sa”.

Từ tượng đài Người mẹ thắp lửa và khu tưởng niệm có hai tuyến đường cùng tụ về khu công viên có một sân tròn ở độ cao +48m, đường kính 16m. Giữa khoảng trống lớn là bản đồ Hoàng Sa, nhô lên cách sàn 450cm.

Ngoài ra, có một bản đồ làm trên nền đá granite đen bóng và nổi lên trên đó là các đảo được cẩn bằng đá trắng.

Khắc chìm lên phía trên bức tường bêtông ốp đá granite xám dài bên trong nhà tưởng niệm là dòng chữ lớn “TƯỞNG NHỚ NHỮNG NGƯỜI ĐÃ NGÃ XUỐNG ĐỂ XÁC LẬP CHỦ QUYỀN VÀ BẢO VỆ HOÀNG SA”.

TẤN VŨ - TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên