22/06/2019 11:58 GMT+7

Ngôi sao bóng đá và phận đời - Kỳ 1: Những người từng 'xếp trên Công Phượng' giờ ra sao?

H.ĐĂNG - T.PHÚC - H.DƯ
H.ĐĂNG - T.PHÚC - H.DƯ

TTO - Để có được những Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Đức, Công Phượng, Xuân Trường..., những người tuyển chọn, đã phải đỏ mắt tìm, mà nói nôm na là trong "100 người chọn 1". Có bao giờ người hâm mộ tự hỏi: 99 người còn lại thế nào?


Ngôi sao bóng đá và phận đời - Kỳ 1: Những người từng xếp trên Công Phượng giờ ra sao? - Ảnh 1.

Liên tục trong giai đoạn 2007-2012, bóng đá trẻ Đồng Tháp giành hàng loạt danh hiệu vô địch U15 cho đến U19. Thời điểm đó, khi những Công Phượng, Xuân Trường còn chưa xuất hiện thì thế hệ các cầu thủ sinh năm 1994-1995 của Đồng Tháp được đánh giá rất cao. Họ bây giờ ra sao?

Có lẽ không nhiều người hâm mộ còn nhớ được cái nôi của bóng đá trẻ Việt Nam cách đây 10 năm chính là Đồng Tháp. Ngày ấy, nhiều chuyên gia đã trầm trồ và dự đoán con đường tươi sáng phía trước của những tài năng trẻ này. Nhưng thực tế lại là một tiếng thở dài...

Ngôi sao bóng đá và phận đời - Kỳ 1: Những người từng xếp trên Công Phượng giờ ra sao? - Ảnh 2.

Võ Hữu Có đã rời xa cuộc sống bóng đá để tập trung cho công việc của một công nhân - Ảnh: nhân vật cung cấp

"Chẳng còn bao nhiêu"

Người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là Hồ Trường Khang - một trong những trụ cột của lứa U15 xuất sắc nhất quốc gia 10 năm trước trên sân Cao Lãnh. Khang là người đã gắn bó với sự thăng trầm của đội Đồng Tháp suốt chục năm qua.

Rất nhiệt tình, Khang chạy xe máy từ điểm đóng quân của đội đến sân để gặp chúng tôi. Nhưng khi được hỏi về những người bạn cùng thời với mình thuở nào, chàng hậu vệ cao to cười buồn trả lời: "Chẳng còn bao nhiêu hết anh ơi!".

"10 năm trước, chúng tôi từng mơ mộng sẽ có ngày mình nối nghiệp các cựu danh thủ đàn anh, đàn chú của Đồng Tháp như Trần Công Minh, Phan Thanh Bình. Thời đó, tôi nghĩ tương lai của mình ắt hẳn sẽ thành ngôi sao bóng đá. Nhưng càng lớn mới càng thấy sự khắc nghiệt khi đi trên con đường bóng đá. Phải vất vả lắm tôi mới giành được một vị trí chính thức trong đội, vậy đã là may mắn hơn nhiều so với các đồng đội cũ rồi" - Khang kể.

20 cầu thủ trẻ từng giúp Đồng Tháp vô địch U15 quốc gia 2009 nay chỉ còn 5 người đang chơi cho Đồng Tháp tại Giải hạng nhất. Trong số còn lại, chỉ có thủ môn Nguyễn Sơn Hải đang thi đấu tại V-League, một vài người khác đang đá cho các đội hạng nhất và hạng nhì. Giọng của Khang trầm xuống đầy suy tư và có vẻ tiếc nuối khi nói về một nửa số đồng đội năm xưa nay nghỉ đá bóng tìm sang con đường khác.

"Nhiều cầu thủ trẻ vô địch năm đó không thể cạnh tranh với các đàn anh trên đội 1 Đồng Tháp đã xin chuyển sang đầu quân đội khác. Sau đó, nhiều người từ bỏ giấc mơ bóng đá để đi theo hướng khác. Có người cuộc sống ổn định nhưng phần lớn là rất khó khăn", Khang nói.


Ngôi sao bóng đá và phận đời - Kỳ 1: Những người từng xếp trên Công Phượng giờ ra sao? - Ảnh 3.

Đồ họa: T.ĐẠT

Làm công nhân vẫn chưa thôi mơ bóng đá

Một trong số ít ỏi những đồng đội đã nghỉ đá bóng mà Khang vẫn còn giữ được liên hệ là Võ Hữu Có - tiền vệ phòng ngự tài hoa một thời của lứa cầu thủ này. 

Mất vài tuần lễ, chúng tôi mới gặp được Hữu Có - không phải vì anh không muốn gặp, mà bởi điều kiện làm việc quá khó khăn để Có sắp xếp được thời gian. Cựu tiền vệ 25 tuổi này hiện làm công nhân trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM) và chỉ có thể thu xếp gặp chúng tôi vào ngày chủ nhật.

Xuất hiện trong bộ đồ thể thao năng động, nhưng Hữu Có lại rụt rè và bẽn lẽn khi nhắc về cuộc sống hiện tại. Có thừa nhận làm công nhân có tiền hơn đi đá bóng nhưng công việc quá vất vả khi phải làm đến 12 tiếng/ngày và không có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Một tuần làm ca đêm thì tuần sau làm ca ngày, thay phiên nhau liên tục. Nhiều khi thèm được đá một trận banh nhưng làm về quá mệt chỉ muốn lăn ra giường ngủ.

Cũng giống như những đồng đội đã giải nghệ, Hữu Có vẫn chưa thôi mơ về bóng đá. Có nói: "Tôi chỉ mong có một công việc nhàn hạ hơn trong tương lai để có thời gian đi đá bóng, chơi cho một số đội phong trào vừa có thêm thu nhập vừa đỡ vất vả". 

Nhưng điều đó dường như là không thể vì Có không muốn mạo hiểm từ bỏ công việc hiện tại vì gánh nặng chăm lo cho cha mẹ già ở quê. Khi hết tuổi đá cho đội trẻ Đồng Tháp, Có không được tuyển lên đội 1 và phải trôi dạt về đội Bến Tre. Nhưng mức lương vỏn vẹn vài triệu bạc nơi đây thực sự không đủ sống nên anh quyết định chia tay bóng đá.

"Đó là quyết định khiến tôi phải suy nghĩ rất lâu và đấu tranh tư tưởng khủng khiếp. Tôi thấy gắn bó với bóng đá thực sự không có tương lai nữa và muốn tìm việc nào có tiền để chăm sóc cha mẹ".

Năm 2017, Có dứt khoát giã từ sự nghiệp dù vẫn còn 1 năm trong hợp đồng.

Giấc mơ không đổi được ra tiền

Bất ngờ trước hiện thực phũ phàng của Đồng Tháp, chúng tôi tìm đến Đà Nẵng - đội bóng vô địch U15 quốc gia năm 2010 và còn sững sờ hơn khi biết 20 cầu thủ thiếu niên tài năng ngày ấy, giờ đây chỉ còn duy nhất cầu thủ đang chơi bóng chuyên nghiệp là Phan Văn Long - hiện khoác áo SHB Đà Nẵng.

19 cầu thủ còn lại của lứa U15 Đà Nẵng 9 năm trước giờ đây tất cả đã rẽ sang con đường khác. Người làm ngân hàng, kinh doanh, người vất vả chạy xe, làm thuê làm mướn... Cao Thanh Hòe - người được đánh giá là tài năng nhất trong lứa cầu thủ này - giờ đang chạy xe hằng ngày cho một ngân hàng, với mức thu nhập chỉ tầm 7 triệu đồng/tháng.

Một số người khác tuy không thể đi lên chuyên nghiệp vẫn cố đeo bám đam mê bóng đá với nghiệp đá "phủi", như hậu vệ Cao Phan Thanh. Dù có công việc chính ở ngân hàng nhưng Thanh vẫn ra sân đá bóng mỗi ngày. Các dịp cuối tuần anh thường tham gia những giải bóng đá phong trào, thi thoảng còn đi "du đấu" ở các tỉnh khác và kiếm được đồng ra đồng vào.

"Khi còn trẻ, chúng tôi còn mơ mộng nhiều. Nhưng giấc mơ hay đam mê không đổi được ra tiền, chúng tôi phải kiếm sống, vì vậy tôi đành nghỉ chơi bóng" - Cao Thanh Hòe nói.

Chàng bartender điệu nghệ

thanh

Cao Phan Thanh vẫn giữ được đôi chân rất dẻo trên sân đá phủi - Ảnh: H.Đ.

Không có điều kiện kinh tế gia đình, cựu thủ môn Nguyễn Trần Đình Dương của Đà Nẵng chuyển sang làm nghề pha chế (bartender) ở một khách sạn sau khi giải nghệ vì chấn thương dây chằng chéo. Dương là một minh chứng tiêu biểu cho câu "nhất nghệ tinh"…

Dù chấn thương oan nghiệt đã khép lại hoàn toàn một sự nghiệp đầy tiềm năng của thủ thành cao 1,75m này, anh không hề oán trời trách đất. Ngay sau khi giải nghệ ở tuổi 21, Dương đi học nghề pha chế, quyết tâm trở thành một bartender lành nghề. Và trong nhà hàng nơi anh làm việc, chúng tôi được chứng kiến những màn "múa chai" điệu nghệ của anh chàng bartender điển trai, cao ráo.

Kỳ tới: Bỏ bóng đá theo nghiệp văn phòng


Bầu Đức từ chối đưa Công Phượng sang CLB Sarajevo Bầu Đức từ chối đưa Công Phượng sang CLB Sarajevo

TTO - Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Đoàn Nguyên Đức cho hay CLB Sarajevo (Bosnia & Herzegovina) vừa đưa ra lời mời Công Phượng sang thi đấu, nhưng ông đã nói lời cảm ơn và từ chối.

H.ĐĂNG - T.PHÚC - H.DƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên