Tranh sơn mài Love (120x140 cm, họa sĩ Tuấn Dũng) đấu giá online thành công với giá 22 triệu đồng vào tối 5-11-2018
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, tiết tấu công việc nhanh, nhiều áp lực, cuộc sống bộn bề, thì việc tận dụng mạng xã hội để giới thiệu, mua bán tranh online đang là cách thức hiệu quả được nhiều người yêu thích nghệ thuật chọn lựa.
Vẽ xong, đưa ngay lên mạng
Sự ra đời của mạng xã hội ngày càng phát triển khiến việc kết nối các họa sĩ cũng ngày càng thuận tiện hơn.
Bắt nguồn từ việc tập hợp một số họa sĩ có nhu cầu chia sẻ, khoe các tác phẩm nghệ thuật của mình vừa sáng tác nhưng chưa có cơ hội triển lãm, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện một vài nhóm như Vietnam Art Space (42.459 thành viên), Vietnam Art Now (gần 7900 thành viên), All about Art and Artits (1193 thành viên)…
Các nhóm trang chuyên ngành mỹ thuật này đã liên tục đưa giới thiệu nhiều tác phẩm đa dạng của không ít các nghệ sĩ ở nhiều vùng miền, và bắt đầu bán đấu giá tranh online với mục đích quyên góp làm từ thiện hoặc hỗ trợ cho các họa sĩ có hoàn cảnh khó khăn.
Việc đấu giá tranh online, bán tranh trên mạng càng có điều kiện phát triển và đặc biệt phổ biến trong hai năm qua.
Tại các group nghệ thuật trên mạng xã hội Facebook này, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trung bình ít nhất từ 3 đến 4 cuộc đấu giá online mỗi năm với quy mô lớn lên tới hàng trăm bức tranh được giới thiệu.
Nhiều họa sĩ chưa danh tiếng đã tự tin hẳn khi thấy các tác phẩm của mình được đón nhận trên mạng và có khách trả giá xin mua. Thậm chí có họa sĩ vừa vẽ xong bức nào, đăng lên group mạng xã hội đã có người yêu thích nghệ thuật nhắn tin xin mua liền.
Mạng xã hội đã thực sự phát huy tác dụng khi giúp được các họa sĩ Việt giới thiệu tranh của mình một cách nhanh nhất đến với công chúng. Đặc biệt đối với các họa sĩ chưa bao giờ có triển lãm hoặc sống tại các vùng sâu vùng xa, vùng đồi núi.
Tranh màu nước Trên cánh đồng lúa (40x30cm, họa sĩ Jean-Marc Potlet) đã đấu online thành công với 12 triệu đồng trên trang Chi Art Space vào ngày 6-11-2018
Bán được 800 bức tranh chỉ trong 2 năm
Trao đổi với họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan - thành viên quản trị Vietnam Art Space được biết, từ tháng 7-2016 đến nay, nếu chỉ tính số lượng tranh đã bán qua các hoạt động đấu giá tranh từ thiện hoặc thương mại dành cho các họa sĩ trên Vietnam Art Space cũng phải lên tới xấp xỉ tới 800 bức.
"Đó là chưa kể tới những cuộc giao dịch giữa các nhà sưu tập trực tiếp với các họa sĩ thì nhiều không đếm xuể. Chẳng hạn như nữ họa sĩ Anh Hoa sau một thời gian tham gia Vietnam Art Space, cứ vẽ xong bức nào đăng lên đều có người nhắn xin mua nên vẽ bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu. Đó là tôi chỉ biết một vài trường hợp. Với những trường hợp các họa sĩ không kể thì mình không thể biết được", họa sĩ Đan chia sẻ.
Họa sĩ Đan thừa nhận đây thực sự là một kết quả vượt quá sự mong đợi vì số lượng thành viên ban đầu tham gia nhóm không quá vài ngàn người.
Lý giải về điều này, chị nói: "Chỉ sau khi các họa sĩ thành viên nhóm tham gia workshop tại Dan Studio hồi tháng 7-2016, do mọi người nói chuyện nhiều, share bài nhiều nên số lượng người theo dõi trang tăng vọt lên từ mười ngàn người rồi lên hẳn luôn tới nay đã hơn bốn mươi ngàn người.
Ở đây không có các lượt follow ảo mà còn tập trung được một số lượng lớn các nhà sưu tập. Thậm chí có họa sĩ còn tìm được nhà sưu tập cho mình trên mạng, cũng có các nhà sưu tập đã đồng ý tài trợ 200 đến 300 triệu đồng tham gia tổ chức cho triển lãm màu nước quốc tế sắp tới vào tháng 3-4-2019".
Họa sĩ Nguyễn Đình Hợp - người thường tổ chức đấu giá tranh cho các họa sĩ khác trên trang mạng cá nhân của anh - cho biết: "Trong 2 năm qua, tôi đã bán đấu giá thành công 170 bức tranh. Chưa kể nhiều nhà sưu tập tự liên hệ với họa sĩ để mua thêm ngoài phiên đấu. Trong đó có khoảng 15 họa sĩ đang trên đà thành công nhờ những cuộc đấu giá online của tôi. Vì họ đã có tiền để làm việc, có thêm mối quan hệ, và quan trọng là họ có thêm động lực để sáng tác."
Họa sĩ Hợp cũng cho biết vào giai đoạn đầu, chỉ có duy nhất một lần có người tham gia đấu giá trả giá xong nhưng không mua vì họ vẫn tưởng là đấu cho vui.
Ngay sau khi trang Chi Art Space đưa lên album đấu giá bộ 6 bức tranh màu nước vẽ về phong cảnh Việt Nam của họa sĩ Pháp Jean-Marc Potlet vào ngày 4-11-2018, đã lập tức thu hút tới hơn 66.000 lượt người vào xem và chỉ trong vòng 2 ngày, 4 tranh đã được bán, chưa kể một số người yêu thích nghệ thuật đã nhắn tin xin mua tranh riêng hoặc đề nghị tới xem triển lãm tại chỗ.
Tranh màu nước Chiều ở Cát Bà (42 x 33 cm, họa sĩ Jean-Marc Potlet) đã đấu online thành công với 12 triệu đồng trên trang Chi Art Space vào ngày 6-11-2018
Tất nhiên chúng ta vẫn có thể thông qua Internet để tự bán tranh của mình, điều này quá tốt . Nhưng nếu muốn hình thành một thị trường tranh Việt Nam bán online vững vàng, vươn tới các nhà sưu tập nước ngoài, thì rất cần một cách làm việc chuyên nghiệp để mọi người cùng được thoải mái tự tin và hiệu quả thật sự, chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều. Điều cốt lõi hiện nay là rất nên có một trang giới thiệu và bán tranh online theo kiểu nhà môi giới. Nó sẽ rất khác với hoạt động gallery và triển lãm bán tranh, đấu giá thông thường...
Họa sĩ Ngô Đồng
Đấu giá tranh online có an toàn?
Trao đổi với các đơn vị tham gia đấu giá tranh online được biết, yếu tố an toàn cho cả nhà sưu tập, cho họa sĩ và giữ uy tín, danh dự cho chính các trang bán đấu giá luôn được đặt lên hàng đầu.
Theo đó, mỗi trang và các họa sĩ tham gia tổ chức đấu giá tranh đều tự đặt ra một số quy định ngặt nghèo đối với cả họa sĩ tham gia gửi tranh đấu giá lẫn với người mua.
Chẳng hạn trang Vietnam Art Space có những ràng buộc đối với họa sĩ bằng cách bắt họa sĩ cam kết trong những bản form được gửi riêng.
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan cho biết: "Chúng tôi không biết các nhà đấu giá khác làm thế nào nhưng theo bản cam kết chúng tôi từng soạn ra thì các họa sĩ phải cam kết tác phẩm gửi đấu giá là duy nhất, không có bản sao chép thứ hai, sau khi họa sĩ ký cam kết online rồi, chúng tôi mới đăng tranh lên.
Những họa sĩ không chịu ký cam kết như vậy thì chúng tôi cương quyết không cho tham gia đấu giá. Sở dĩ phải làm như vậy để tránh rủi ro cho nhà sưu tập và cho cả chúng tôi nữa, tránh mất uy tín cho Vietnam Art Space.
Vì chúng tôi chỉ là nơi trung gian, không thể nào biết được ngoài bức tranh đó, họa sĩ có sao chép ra các bức tranh khác hay không. Trong trường hợp phát hiện ra họa sĩ có bản sao chép, thì chúng tôi có biện pháp yêu cầu xử lý vì họa sĩ đã làm trái với cam kết. Đó là lỗi của họa sĩ."
Họa sĩ Đan cũng cho biết, Vietnam Art Space có phân loại tranh ra đấu giá. "Với những bức để đấu chuyên nghiệp, chúng tôi cho sử dụng tiền Việt, mỗi lần trả giá phải hơn một triệu đồng. Nếu quá giờ đấu quy định thì những bước trả giá sau không hợp lệ nữa.
Do mỗi lần Vietnam Art Space đưa lên đấu đều lên tới trên 200 bức tranh nên tỉ lệ một bức tranh có nhiều người cùng đấu là rất ít. Một bức tranh có 2 đến 3 người cùng đấu bởi nó đẹp quá, giá hợp lý quá là rất ít. Phần lớn mọi người chỉ vào trả 1 giá đã là chủ sở hữu luôn rồi," họa sĩ Đan nói.
Họa sĩ Nguyễn Đình Hợp chia sẻ: "Tôi có lợi thế là trong trang xã hội của tôi luôn có sự sàng lọc, đều có quy trình tìm hiểu rõ ràng những người bạn trên mạng xã hội, vì việc việc đấu giá khá an toàn. Tuy nhiên vẫn phải có luật rõ ràng.
Khi cuộc đấu thành công, nhà sưu tập sẽ chuyển tiền cho tôi giữ, sau đó tôi sẽ thông báo cho họa sĩ đóng khung gỗ và vận chuyển tới nhà sưu tập. Khi nhà sưu tập nhận tranh, sau 3 ngày không ý kiến phản hồi gì, lúc đó họa sĩ mới nhận được tiền.
Còn điều kiện đối với họa sĩ thì cơ bản chưa phải là luật, chưa phải đóng lệ phí trước khi đấu. Nhưng do tôi được nhận quá nhiều tranh ổn nên tôi sẽ lựa chọn tác phẩm tối ưu nhất của họa sĩ nghiêm chỉnh nhất trước phiên đấu."
Tranh sơn dầu Hoa của trời (80x100 cm, họa sĩ Nguyễn Đình Hợp) đã đấu giá online thành công 25 triệu đồng ngày 22-6-2017)
Nên chăng tranh đấu giá cần có những sàn đấu giá, phòng tranh thực sự có uy tín, được khẳng định, có các giám tuyển có trình độ chuyên môn cao tuyển chọn, để từ đó mới hi vọng nâng tầm cho giá tranh các họa sĩ trẻ nói riêng và họa sĩ Việt nói chung. Họa sĩ Bùi Thanh Tâm.
Họa sĩ Bùi Thanh Tâm.
Bán tranh trên mạng tốt hơn gallery truyền thống?
Trao đổi với nhiều họa sĩ từng tham gia bán đấu giá tranh trên mạng, họ đều chung quan điểm rằng xu hướng bán tranh trên mạng sắp tới còn phát triển nhiều hơn nữa, thậm chí bán tranh trên mạng còn bán tốt hơn, dễ bán hơn so với việc bán tranh tại các gallery truyền thống.
Theo họa sĩ Ngô Đồng, tranh tượng là sản phẩm hướng đến những giá trị tinh thần, nhưng phần vật chất của chúng lại khá cồng kềnh bất tiện để có thể xem tận mắt, săm soi tận nơi về phần kỹ thuật.
Việc bán sản phẩm hiện nay không còn xa lạ nữa mà thậm chí đang ngày càng trở nên phổ biến tiện dụng, rút ngắn khoảng cách địa lý giữa họa sĩ và người mua. Chẳng hạn nhà sưu tập ở TP.HCM nhưng muốn mua tranh của họa sĩ sống tại Cà Mau, Hải Phòng hoặc người mua sống tại Hà Nội nhưng muốn mua tranh của họa sĩ đang sống tại Đà Nẵng, Huế…
"Nếu giới thiệu qua mạng, nhà sưu tập sẽ tha hồ chọn lựa săm soi tranh trước, phóng lớn thu nhỏ xem chi tiết nét bút chất sơn các kiểu, xem nghe các câu chuyện về nó, có điều kiện hiểu kỹ hơn cũng như xem các bức khác để hiểu thêm về tác giả… sau đó thậm chí bàn luôn giá cả được, chỉ còn đúng một khâu cuối cùng là hẹn nhau xem tranh thật nữa là xong," họa sĩ Ngô Đồng nói.
Họa sĩ Ngô Đồng cũng cho rằng, thông qua trang môi giới online, tất nhiên với nhà môi giới có đủ uy tín làm ăn và có trình độ thẩm định tác phẩm mỹ thuật đáng tin cậy thì sự tiện lợi sẽ còn tăng lên, họa sĩ và nhà sưu tập có cơ hội hiểu biết khá sâu về nhau, được hiểu thêm tác phẩm mỹ thuật và khả năng tài chính của nhau một cách khách quan hơn từ một góc nhìn khác, và khâu tiếp cận cuối cùng nhiều khi cũng không cần thiết nữa vì có nhà môi giới đủ uy tín đảm bảo cho cả hai bên, hết sức tiện lợi.
Một tác phẩm của họa sĩ Lê Thế Anh
Họa sĩ Lê Thế Anh cho rằng: "Nhìn chung, việc họa sĩ tham gia các chương trình đấu giá tranh nghệ thuật tại Việt Nam là rất tốt. Nó góp phần quan trọng trong việc hình thành và thúc đẩy sự phát triển thị trường giao dịch mỹ thuật thứ cấp đang nhen nhóm trong nước.
Mỹ thuật Việt sẽ có thêm một diện mạo mới khi bên cạnh thế hệ họa sĩ trẻ đương đại sẽ có thêm hệ thống các gallery, nhà đấu giá chuyên nghiệp tạo nên dòng chảy trao đổi mua bán, giúp thay đổi tư duy của người dân nói chung trong việc sử dụng tranh không chỉ là mục đích trang trí nghệ thuật mà còn là tài sản có khả năng tăng giá trị thặng dư.
Với họa sĩ, việc đấu giá giúp họ xác lập công khai giá trị tài chính của bức tranh song hành cùng giá trị nghệ thuật."
Họa sĩ Lê Thế Anh cũng là người từng có 2 tác phẩm đấu giá thành công là bức tranh sơn dầu Em bé Hà Nhì với 6000 USD (60 x 80cm, sáng tác năm 2010 - đấu tại chương trình từ thiện của Tổ chức nụ cười quốc tế năm 2014), và tranh sơn dầu Rượu hồng với 11.500 USD (155 x 195cm, sáng tác năm 2015, đấu tại phiên 17 nhà đấu giá Chọn tháng 11,2018).
Một tác phẩm của họa sĩ Lê Thế Anh
Họa sĩ Bùi Thanh Tâm lại cho rằng, việc đấu giá tranh online tại nước ta hiện đang tồn tại mặt tốt và mặt hạn chế. Mặt tốt là giúp những người có nhu cầu mua tranh treo trang trí trong nhà tiếp cận được nhiều bức tranh phù hợp với sở thích và thẩm mỹ của từng khách hàng, vì họ có quyền lựa chọn và theo đuổi việc mua bức tranh họ muốn sở hữu.
Giải quyết được việc bán tranh cho họa sĩ có thu nhập để có kinh phí cho họa sĩ tiếp tục sáng tác. Tuy nhiên họa sĩ Tâm cũng e ngại rằng về lâu về dài thì đây không phải là con đường tốt cho cả người chơi tranh lẫn người bán tranh.
Anh giải thích: "Thứ nhất kiểu đấu giá này không làm cho tên tuổi họa sĩ đi xa hơn được trong nghề. Có thể làm hỏng thẩm mỹ của cả người vẽ tranh và người chơi tranh nếu bức tranh xấu lại được người mua có gu thẩm mỹ không tốt trả giá cao, vô hình chung họa sĩ sẽ chạy theo thứ mà họ bán được giá cao".
Họa sĩ Nguyễn Đình Hợp lại cho rằng, việc đấu giá tranh online là không thể thiếu trong việc thúc đẩy nghệ thuật nước nhà bởi yếu tố nhanh và gần hơn với công chúng yêu tranh, và họa sĩ cũng dễ dàng tiếp cận với các nhà sưu tập. Tuy nhiên anh cũng thừa nhận rằng hạn chế của việc đấu giá online là nhà sưu tập chưa thể xem được tranh thực, chỉ được xem qua ảnh
"Vì vậy, tôi mới có thêm điều lệ mới đối với họa sĩ gửi tranh xin đấu giá là: Khi nhận tranh, nếu nhà sưu tập nhận thấy hình chụp tranh không trung thực, hoặc việc vận chuyển đóng gói cẩu thả ảnh hưởng tới chất lượng tranh thì có quyền trả lại hoặc thương lượng lại.
Tôi hoàn toàn có kinh nghiệp để xử lý những việc này để tránh tổn hại cho nhà sưu tập và cả họa sĩ. Đấu giá tranh online có tác động rất lớn đối với các họa sĩ trẻ, họ sẽ hăng say hơn, sáng tác nghiêm túc hơn, và dễ dàng kiếm sống hơn so với trước đây," họa sĩ Nguyễn Đình Hợp khẳng định.
Tranh sơn mài Xuân của đất trời hay xuân của lòng người (80x100 cm, họa sĩ Đào Mạnh Thắng) đã đấu online thành công với 38 triệu đồng vào tối 1-5-2018
"Việc đấu giá tranh online cần phải được lựa chọn những tác phẩm có chất lượng, các họa sĩ có uy tín, chấp nhận tuân thủ những quy định mà nhà đấu giá đã đưa ra. Nhà đấu giá tranh online không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ bán một tác phẩm nghệ thuật, mà còn nên trách nhiệm cung cấp thêm thông tin về tác phẩm và về họa sĩ, nhằm giúp những người yêu thích nghệ thuật có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu kĩ hơn về tác phẩm, về họa sĩ... nếu muốn đi đường dài."
Đại diện Chi Art Space.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận