14/02/2016 10:30 GMT+7

Ngôi làng cô đơn

MAI VINH - HOÀNG ĐIỆP (maivinh@tuoitre.com.vn) (hoangdiep@tuoitre.com.vn)
MAI VINH - HOÀNG ĐIỆP (maivinh@tuoitre.com.vn) (hoangdiep@tuoitre.com.vn)

TT - Gần một ngày chúng tôi trèo non lội suối băng qua hết tán rừng lùn. Khi mọi người bắt đầu dùng nước trong các khe rừng để uống thì buôn Dưng Iar Giêng hiện ra.

Bà Cil Pan Ka Nhiên nấu ăn bằng nồi do các kiểm lâm viên tặng sau những lần ghé buôn - Ảnh: Hoàng Điệp
Bà Cil Pan Ka Nhiên nấu ăn bằng nồi do các kiểm lâm viên tặng sau những lần ghé buôn - Ảnh: Hoàng Điệp

Buôn có 16 hộ dân người Cil đang sinh sống, nằm sâu trong lõi rừng, gần một con suối lớn.

Sống với hồn xưa

Từ rừng xuống, qua một con suối nước trong vắt, chảy ầm ào là con đường dốc dựng đứng dẫn vào buôn. Hơn chục nóc nhà, ở rải rác dưới thung lũng, quanh những vườn cây ăn trái và ruộng lúa nước đang chuẩn bị cho một vụ cấy mới.

Khắp buôn chỉ toàn người già, có khoảng 50 người, nhiều người không nhớ tuổi của mình. Tha Ny, một bạn trẻ người Cil có người thân sống trong buôn đi cùng chúng tôi, bảo người ít tuổi nhất hiện đang sống ở buôn khoảng 56 tuổi, còn người lớn nhất khoảng 80 tuổi.

Ngôi nhà của ông Cao nằm lọt thỏm giữa màu xanh của các loại cây mít, xoài, ổi, cà phê, dứa, ca cao, cà ri.

Ông Cao nói vườn thì cây gì cũng trồng nhưng chín ăn không hết, rồi trái cây tự rụng xuống gốc, cây con lại mọc lên.

Cứ thế, mảnh vườn vốn xanh lại xanh thêm mãi. Ông Cao đã lớn tuổi nhưng ở trong căn nhà này một mình. Thỉnh thoảng người con trai út từ thị trấn Đa Nhim mới vào thăm cha.

Lý do để ông Cao gắn bó với mảnh đất này, xa rời cuộc sống ngoài kia là bởi đất này ông bà tổ tiên đã ở từ rất lâu đời. Sau này do chiến tranh, có một quả bom ném gần buôn khiến nhiều người chết. Người dân bị buộc phải ra khỏi rừng.

Thế nhưng dù sống ở ngoài thị trấn, là nơi an toàn thì cũng vẫn có những người âm thầm trở vào buôn để canh tác, trồng cấy. Họ đi tìm hố bom ngày xưa rồi lập lại làng.

Đến năm 1991 thì đồng loạt các gia đình trở lại bản, đắp lại bờ ruộng, phát đi bãi cỏ tranh, vun thêm vào gốc cây ngô, cây đậu... và những mái nhà lần lượt lại mọc lên. Cạnh những căn nhà mới lập là những thanh gỗ, thân cây cháy, dấu vết của trận bom oan nghiệt khi xưa.

Ông Cao kể quả bom phát nổ bất ngờ ở nơi vốn không có dấu vết bom đạn. Khi đó ông đã 18 tuổi. Ông không còn nhớ rõ bao nhiêu người đã chết, chỉ nhớ hơn 30 người, họ được chôn rải rác trong những đồi cỏ tranh.

Ông Nguyễn Lương Minh, giám đốc Trung tâm du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, nhắc đến những người già buôn Dưng Iar Giêng bằng sự trìu mến của một người hiểu được quy luật “hổ chết quay đầu về núi”.

Ông bảo tỉnh Lâm Đồng đã sắp xếp chỗ ở mới cho gia đình và con cháu của họ ở ngoài xã Đa Nhim nhưng những người già đi ra rồi quay trở lại rừng.

Chỉ những thanh niên mới lớn chấp nhận lời kêu gọi của chính quyền. Ban đầu những thanh niên như Tha Ny cũng đi vào rừng sống như những người già nhưng sau đó họ lần lượt rời rừng.

“Quen với nước rừng, lúa rừng rời đi không quen nhưng có một lần con mình đau, phải ôm con băng rừng một ngày ra phố nhờ bác sĩ. Nhờ vậy mà được cứu sống.

Từ đó mình mới quyết định ra xã mà sống, chủ yếu là lo cho con. Mình không giống cha mẹ mình, không biết nuôi cho con lớn giữa rừng” - Ha Lâm kể.

Con gái của Cil Pan Ly Huyên là đứa trẻ duy nhất của buôn Dưng Iar Giêng - Ảnh: Mai Vinh
Con gái của Cil Pan Ly Huyên là đứa trẻ duy nhất của buôn Dưng Iar Giêng - Ảnh: Mai Vinh

Đứa trẻ trong bản

Cách nhà ông Cao chừng vài trăm mét, cùng trên một thoải đất trù mật ấy là ngôi nhà của ông Sa. Ông Sa đã 80 tuổi, cũng đi làm đồng. Bà Cil Pal Ka Nhiên (76 tuổi) đang phụ đứa cháu gái trông đứa chắt 1 tuổi rưỡi, vừa giã cối thóc để lấy gạo ăn nay mai.

Bà Nhiên cũng bảo bà không nhớ được đã sống ở đây bao lâu, chỉ biết rằng ngôi nhà sàn này trước đây đã có, rồi nắng mưa, sập xuống, đến năm 1991 thì cả nhà lại bỏ phố ngược vào đây để dựng lại: “Không ai nhớ ai là người lập làng, chỉ biết cây mít ở đầu làng kia đã có hàng trăm năm tuổi rồi. Tôi lớn lên ở đây và đã thấy cây mít”.

Đứa trẻ trên tay bà Nhiên được mẹ nó (cháu ngoại của bà Nhiên) gửi để hai vợ chồng đi cuốc ruộng.

Cil Pan Ly Huyên và Đơngura Hiệp là cha mẹ của đứa trẻ, đều mới chỉ 20 tuổi. Vì người Cil theo tục mẫu hệ nên Huyên bắt Hiệp về nhà mình làm chồng từ gần ba năm trước, khi đó Huyên đang học lớp 11, còn Hiệp học lớp 10.

“Nó bắt về thì em theo nó về luôn, ở với nó từ bấy đến giờ, có con rồi mà chưa làm đám cưới” - Hiệp kể.

Lý do để hai vợ chồng đã có con hơn 1 tuổi vẫn chưa làm được đám cưới, theo Huyên thì bởi em vẫn chưa có tiền để sắm lễ mang sang nhà cha mẹ chồng.

Chuyện bắt chồng của phụ nữ Cil theo tục mẫu hệ, là người con trai theo về sống ở nhà của người con gái, giống như phụ nữ người Kinh đi làm dâu vậy.

“Bắt” đi một người con trai trong nhà của người ta, vậy nên các cô dâu phải có lễ vật để mang sang nhà trai làm đám cưới. Nhưng sống với nhau rồi, nếu người chồng không lo làm việc mà mải chơi, say xỉn rượu chè thì có thể bị người vợ đuổi trả về cho cha mẹ.

“Khi đó thì nhà trai phải trả lại lễ vật mà nhà gái đã mang sang. Có nhiều người ở đây đã bị như thế rồi”. Bà Nhiên thủng thẳng nói khi thổi lại bếp lửa trên sàn nhà để nấu thức ăn cho đứa bé.

Huyên sống với gia đình tại thị trấn Đa Nhim nhưng lại là người “thừa kế” trong ngôi nhà của bà Nhiên nên Huyên được chia ruộng, chia rẫy và các loại nông sản trong nhà của bà. Bởi vậy, Nhiên và chồng vào mùa vụ vẫn vào trong bản để canh tác.

Không khác gì những người già đã làm bao đời, Huyên và Hiệp cũng canh tác thủ công với những nông cụ đơn giản. “Hôm nay hai đứa cuốc ruộng cho xong, chờ mấy hôm nữa ngấu rạ, rồi bỏ phân vào cấy lúa thôi”.

Đó là lý do đứa trẻ cũng bám theo váy mẹ vào buôn. “Nó còn bé thì cho vào theo để tiện chăm sóc, cho bú, chứ lớn chút nữa thì cho đi học ở ngoài thị trấn” - Huyên nói. Khi cha mẹ đi làm, đứa trẻ tha thẩn chơi với bà cố. Nó có đôi mắt to, tròn và trong vắt.

Nó là đứa trẻ duy nhất hiện diện trong hàng chục nóc nhà ở đây. Ngoài đứa trẻ chưa tròn 2 tuổi hiện đang sống cùng cha mẹ và ông bà, Tha Ny đoan chắc với chúng tôi không còn ai thanh niên nữa.

Theo các tư liệu lưu tại Thư viện tỉnh Lâm Đồng, tổ tiên người K’Ho những năm 1960 đã lập chín ngôi làng trong vùng rừng Bidoup - Núi Bà, gồm: Bon Rum, Đạ Tý, Đạ Mur, Đơn Balang, Cha Rông, B’Tang, Kon Ơlang, Lin Ka và Dưng Iar Giêng. Năm 1961, khi chính quyền Sài Gòn lập “ấp chiến lược” thì tất cả làng đều bị đốt phá, người Cil bị buộc phải dồn lại Dưng Iar Giêng với hơn 1.000 người bị giam lỏng trong làng.

Sau năm 1975, cả làng sinh sống ở nhiều nơi như xã Đạ Nhim, Đa Ra Hoa, Đạ Chais và các vùng lân cận giáp Đà Lạt.

Những người lớn của làng Dưng Iar Giêng cũ vẫn không quên được nơi họ đã từng sống trong rừng sâu và họ lần lượt tìm về lập làng Dưng Iar Giêng như hiện nay.

_________

Kỳ tới: Luật của người Cil

MAI VINH - HOÀNG ĐIỆP (maivinh@tuoitre.com.vn) (hoangdiep@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên