Chính phủ Thái Lan hỗ trợ tài chính cho người lao động trở về
Theo số liệu mới nhất được phía Israel cung cấp, hơn 230 con tin đang bị Hamas bắt giữ tại Dải Gaza. Theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, trong số các con tin có 22 người mang quốc tịch Thái.
Ngày 30-10, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cho biết Chính phủ nước này đang nỗ lực để đưa con tin người Thái về nhà.
Ông Srettha cử Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Thái Lan là ông Parnpree Bahiddha-Nukara đến gặp Thủ tướng cũng như Ngoại trưởng Qatar vào ngày 31-10, sau đó là cuộc gặp với Ngoại trưởng Ai Cập vào ngày 1-11.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Thái Lan, ông Parnpree sẽ "thảo luận về tình hình của những người có quốc tịch Thái Lan đang bị Hamas bắt giữ trong cuộc xung đột diễn ra giữa Israel và Hamas".
"Chúng ta giống nạn nhân của xung đột (Israel - Hamas) hơn. Chúng ta chịu ảnh hưởng hơn vì có nhiều lao động Thái Lan làm việc tại Israel hơn là các quốc gia khác", Thủ tướng Srettha trả lời báo giới ngày 30-10.
Ông Srettha cho biết Chính phủ Thái Lan sẽ hỗ trợ tài chính cho những lao động Thái muốn trở về từ Israel.
"Lý do họ không trở về Thái là do vấn đề tài chính. Chúng tôi sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính khoảng 1.400 USD cho mỗi người, bao gồm cả những người đã trở về", ông Srettha nói thêm.
Áp lực phải ở lại
Trong nhiều thập niên qua, Thái Lan là nguồn lao động nhập cư lớn nhất của Israel. Khoảng 30.000 lao động Thái Lan đang làm việc tại Israel, đa số làm trong ngành nông nghiệp.
Theo số liệu từ Chính phủ Thái Lan, đã có ít nhất 32 người Thái thiệt mạng kể từ đầu cuộc xung đột Israel - Hamas. Đây là số thương vong thuộc hàng cao nhất đối với nhóm các nạn nhân là người nước ngoài trong cuộc xung đột.
Học giả Yahel Kurlander, chuyên nghiên cứu các vấn đề về lao động trong ngành nông nghiệp của Israel tại Đại học Tel-Hai College, cho biết phần lớn người lao động Thái Lan chọn ở lại Israel đều an toàn, việc hỗ trợ gia đình tại quê nhà là ưu tiên hàng đầu của họ.
"Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu họ sơ tán và rời khỏi Israel. Nhưng cũng có áp lực từ phía Israel nói rằng: Chúng tôi cần bạn, hãy ở lại, chúng tôi sẽ trả nhiều tiền hơn", Đài CNN dẫn lời cô Kurlander.
Chia sẻ với Đài CNN, nhiều gia đình cho biết bất chấp cuộc xung đột Israel - Hamas, lao động nhập cư người Thái đang chịu áp lực phải duy trì hợp đồng lao động với thời hạn tối thiểu năm năm, trong nỗ lực giúp người thân ở quê nhà trang trải.
"Chúng tôi thông cảm với khó khăn của những người nông dân và cộng đồng nông nghiệp trong tình thế thiếu lao động, nhưng không nên có ai bị ép phải ở lại nơi mà họ cảm thấy không an toàn", cô Zohar Shvarzberg từ nhóm Hỗ trợ người lao động trong ngành nông nghiệp (AAW) của Israel nói.
Gia đình của anh Manee Jirachart (29 tuổi) - một lao động Thái Lan tại Israel - bày tỏ rằng họ mong Manee có thể sớm trở về nhà an toàn.
Manee làm công việc dọn dẹp đã được năm năm tại một văn phòng thuộc cơ quan chính phủ ở miền nam Israel, gần Dải Gaza. Anh Manee bị nhóm Hamas bắt cóc.
Trong căn nhà được chi trả bằng tiền lương của Manee, cha anh nói trong nước mắt: "Tôi không có lời nào cả. Tôi chỉ muốn con trai mình trở về".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận