Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị rời tiệc chiêu đãi ngoại trưởng ASEAN và các nước đối tác tối 4-8 chỉ vài phút sau khi đến - Ảnh: REUTERS
EAS là cơ chế đối thoại gồm 10 nước ASEAN, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, Nga và New Zealand.
Cuộc họp diễn ra sáng 5-8 tại Phnom Penh (Campuchia) đã bị phủ bóng vì những căng thẳng mới phát sinh giữa Trung Quốc và Mỹ sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Trong phiên họp toàn thể EAS, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã chỉ trích Trung Quốc, mô tả các cuộc tập trận của Trung Quốc quanh đảo Đài Loan là "hành động khiêu khích trắng trợn". Các cuộc tập trận bắt đầu từ trưa 4-8 đến 7-8, diễn ra sau khi bà Pelosi rời khỏi Đài Loan.
Một nguồn tin có mặt trong phòng họp EAS tiết lộ Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã đứng dậy bỏ ra ngoài khi người đồng cấp Nhật Bản Hayashi Yoshimasa phát biểu.
Ông Vương Nghị trước đó đã hủy cuộc họp với ông Hayashi Yoshimasa dự kiến diễn ra ngày 4-8, với lý do Tokyo cùng các nước khác trong G7 lên án Bắc Kinh gây bất ổn vì tập trận quanh đảo Đài Loan.
Ngoại trưởng Trung Quốc đến tiệc chiêu đãi các ngoại trưởng ASEAN và các đối tác tối muộn 4-8, một sự kiện có mặt các ngoại trưởng Mỹ, Úc, Nhật Bản. Ông Vương sau đó rời đi rất nhanh, một nguồn tin của Reuters tiết lộ thêm.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam phát chiều 5-8, ngoài vấn đề eo biển Đài Loan, các ngoại trưởng EAS cũng chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp khác như Biển Đông, Myanmar, bán đảo Triều Tiên, Ukraine...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn kêu gọi các nước đóng góp xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình và ổn định, an toàn và an ninh, rộng mở và tự do.
Ông Sơn nhấn mạnh mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Trước những diễn biến vừa qua trong khu vực, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhắc lại lập trường của ASEAN và Việt Nam, ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc" và kêu gọi các bên kiềm chế, tránh làm phức tạp tình hình, giải quyết bất đồng, tranh chấp hòa bình và tuân theo luật quốc tế.
ASEAN "thất vọng sâu sắc" vì Myanmar
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và các ngoại trưởng ASEAN bắt tay theo phong cách truyền thống của ASEAN ngày 3-8 - Ảnh: ASEAN 2022 CAMPUCHIA
Trong thông cáo chung phát ngày 5-8, hai ngày sau Hội nghị ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 55 diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia, các ngoại trưởng ASEAN bày tỏ sự thất vọng sâu sắc trước các diễn biến chậm chạp trong việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm ở Myanmar.
Đồng thuận 5 điểm đạt được hồi tháng 4-2021, sau cuộc gặp giữa người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar và các lãnh đạo ASEAN. Văn bản kêu gọi chấm dứt ngay lập tức bạo lực giữa các bên ở Myanmar, thúc đẩy đối thoại giữa chính quyền quân sự và những người phản đối.
Phát biểu khai mạc Hội nghị AMM 55, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, đồng thời là chủ tịch luân phiên ASEAN 2022, thừa nhận các nước đang "vô cùng thất vọng và lo lắng" trước các vụ xử tử những người không ủng hộ chính quyền quân sự ở Myanmar gần đây.
"Nếu thêm nhiều tù nhân bị hành quyết, chúng tôi sẽ buộc phải suy nghĩ lại về vai trò của mình đối với Đồng thuận 5 điểm giữa ASEAN và Myanmar", ông Hun Sen cảnh báo.
Vấn đề Đài Loan không xuất hiện trong thông cáo chung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận