Ngoại trưởng Iran Javad Zarif (trái) gặp mặt người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ở Bắc Kinh hôm 13-5 - Ảnh chụp màn hình SCMP
Hôm qua (13-5), Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã đến Bắc Kinh và có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong một nỗ lực nhằm cứu vãn tình hình sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
"Chúng tôi hi vọng với chuyến thăm Trung Quốc và các nước khác lần này, chúng tôi có thể xây dựng một kế hoạch tương lai rõ ràng cho thỏa thuận toàn diện" - ông Zarif phát biểu trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh cùng ngày, theo Hãng tin AFP.
Sau điểm dừng chân đầu tiên là Trung Quốc, ông Zarif sẽ bay tới Matxcơva (Nga) và Brussels (nơi đặt trụ sở của Liên minh châu Âu) để tham vấn các bên còn lại đã ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran.
Hôm 8-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức). Tên gọi chính thức của thỏa thuận này là "Kế hoạch hành động toàn diện chung" (JCPOA).
Tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Iran Zarif nói rằng Tehran đã "sẵn sàng cho mọi giải pháp". Hãng tin ISNA (Iran) dẫn lời ông Zarif nói thêm: "Nếu thỏa thuận hạt nhân tiếp tục, lợi ích của người dân Iran phải được đảm bảo".
Đáp lại, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết ông tin rằng chuyến đi của ông Zarif sẽ giúp "cải thiện sự thấu hiểu của các nước đối với lập trường của Iran" và giúp Tehran bảo vệ "các lợi ích quốc gia hợp pháp" của mình.
Hai vị quan chức cũng hoan nghênh quan hệ "đối tác chiến lược toàn diện" giữa Trung Quốc và Iran.
Cùng ngày, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố nếu các lợi ích của Iran được đảm bảo, Tehran sẽ vẫn duy trì cam kết với thỏa thuận hạt nhân 2015 bất chấp việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận.
Hôm 9-5, Tư lệnh Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), ông Mohammad Ali Jafari, đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng của các quốc gia châu Âu trong việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân 2015.
Giới phân tích nhận định với sự nổi lên mạnh mẽ của phe có lập trường cứng rắn với Mỹ ở Iran, ông Rouhani có thể sẽ đối mặt với viễn cảnh bị xem là một vị tổng thống "vịt què" trong khoảng thời gian tại nhiệm còn lại.
Các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng quyết định của ông Trump đã làm xói mòn nỗ lực nhiều năm qua của các nước châu Âu nhằm phục hồi các quan hệ ngoại giao và thương mại với Iran.
"Chúng tôi hiện đang chờ xem các nhà hoạch định ở Liên minh châu Âu sẽ phản ứng bằng cách nào. Nếu EU nghiêng về phía Mỹ thì coi như tất cả các tiến triển đã có được từ năm 2015 sẽ tan thành mây khói" - một nhà ngoại giao châu Âu nêu đánh giá.
Chuyến đi của ông Zarif diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực gia tăng, sau khi quân đội Israel tấn công các mục tiêu Iran tại Syria hôm 10-5 khiến ít nhất 11 binh sĩ Iran thiệt mạng. Động thái này làm bùng lên nguy cơ về một cuộc xung đột trên diện rộng giữa hai đối thủ "không đội trời chung".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận