Ảnh minh họa: careerbuilder.com |
Các bạn đọc khác cũng đã đặt ra những câu hỏi, mà cũng chính là lời khuyên cho bạn Thu Phương, người viết bài Làm sao xin việc khi tôi không có ngoại hình? (Tuổi Trẻ Online ngày 15-12)
Bạn đọc Lê Thị Châu Sa viết: Có câu "biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng". Nếu bạn đã biết bạn yếu ngoại hình (chắc không phải đợi đến khi xin việc làm bạn mới nhận ra điều đó), thì tại sao bạn không tìm kiếm những công việc phù hợp, không đòi hỏi yếu tố ngoại hình, báo chí là một ví dụ (đừng nói bạn chỉ làm MC xuất hiện trên truyền hình).
Hoặc bạn trở thành một người dịch sách?
Hoặc bạn là một chuyên gia công nghệ thông tin? Bạn cũng có thể là một nhân viên xã hội học?
Và khi bạn xác định rồi, thì phải trau dồi để phù hợp với công việc đó.
Kỹ năng, kiến thức bạn giỏi, chuẩn thì bạn có thể thuyết phục lại nhà tuyển dụng rằng "đừng vội trông mặt mà bắt hình dong".
Đặc biệt nhất, bạn yếu ngoại hình thì bạn phải nỗ lực nhiều hơn những người khá ngoại hình ở những điểm khác, ví dụ tiếng Anh bạn giỏi, bạn cũng có thể học tiếng Ả rập để tạo một lợi thế.
Bạn đừng xin những việc mà đòi hỏi giao tiếp, tiếp xúc khách hàng để rồi người ta vin vào lý do ngoại hình.
Và bây giờ, với kinh nghiệm hai năm làm nhân viên tổng đài, bạn đã có kinh nghiệm - điều mà nhiều công ty cần - có thể cũng sẽ là một cơ hội khác cho bạn.
Tuy nhiên, tôi cũng đang có một thắc mắc là: không biết hai năm qua, bạn có nỗ lực trang bị thêm cho mình những gì không, hay chỉ cam phận.
Nếu ngoại hình kém mà còn cam phận thì đúng là không công ty nào muốn tuyển dụng một người tự ti.
Bạn đọc Đoan Nhã (doannhatr@...) "chất vấn": Nếu ngoại hình là điểm yếu của bạn, vậy điểm mạnh, điểm tạo nên lợi thế cạnh trang của bạn là gì? Với những gì bạn liệt kê như ích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, năng nổ trong các phong trào, có đam mê nhiệt huyết với ngành học, ý thức kỷ luật tốt... theo tôi, cũng chưa là gì cả. Những người có ngoại hình khá, họ cũng không phải không tham gia các hoạt động, không năng nổ, không đam mê.
Vậy nhắc lại, điều gì làm nên sự khác biệt của bạn để khi bạn giới thiệu, bạn có thể thuyết phục nhà tuyển dụng? Ví dụ bạn giỏi ngoại ngữ đến mức xuất sắc không hay cũng chỉ ở dạng nghe nói thường thường? Bạn tìm những câu việc loại nào để người ta luôn đặt yếu tố ngoại hình làm điều kiện tiên quyết? Khi người ta hỏi bạn về chuyện ngoại hình, bạn có nêu ra được những điểm mạnh khác của bạn để thuyết phục người tuyển dụng? Hãy trả lời những câu hỏi này!
Bạn đọc H.VU chia sẻ: Tình cờ đọc tâm sự của bạn, mình thật lòng thông cảm. Bởi vì mình cũng như bạn, chiều cao và cân nặng khá khiêm tốn, tuy nhiên sau 5 năm đi làm, đến giờ mình đã chuyển qua 3 ngân hàng ở cùng một vị trí tín dụng. Và tất cả đều là do tự mình đi phỏng vấn xin việc. Do đó, bạn cũng đừng nên tự ti quá, ở thời buổi kinh doanh cạnh tranh khốc liệt như giờ, mình tin vẫn còn những đơn vị cần người có chất xám hơn người đẹp. Vấn đề là bạn hãy cởi mở giao tiếp hơn nữa để thể hiện khả năng của mình, rồi sẽ có người nhận ra năng lực của bạn. Chúc bạn may mắn nhé.
Bạn đọc Minh Nguyen bày tỏ: Chia sẻ với nỗi lòng của tác giả. Tuy nhiên, mình có lời khuyên cho bạn như sau. Có thể hoàn cảnh "đúng" với những gì bạn đưa ra, hiện giờ "hoàn cảnh" tác động lớn đến mục tiêu nghề nghiệp của bạn. Tuy nhiên, để cải thiện nó không phải khó. Hiện giờ, bằng cấp đại học rất nhiều, thậm chí dư thừa (không riêng gì bằng "Giỏi").
Vì thế, hãy tạo sự khác biệt bằng cách học thêm ngoại ngữ. Nó sẽ mang bạn đến những nơi bạn muốn, những công việc bạn ao ước. Đừng than thân trách phận, hãy tự tạo khác biệt bạn nhé.
Giỏi ngoại ngữ + bằng cấp, tôi chắc chắn, bạn không ngồi đây than thở đâu. Chúc bạn thành công!
Bạn đọc Thuốc Đắng thẳng thắn: Bạn đừng tưởng bằng cấp là quan trọng. Bằng cấp chẳng là gì cả. Cái mà bạn không thuyết phục được người ta trong những buổi phỏng vấn chính là bạn không chứng tỏ được bạn tài giỏi, bạn đảm đương tốt công việc... Và có khi, vì thế, người ta mượn cớ ngoại hình, sức khỏe để từ chối khéo.
Muốn người ta tuyển dụng bạn, hãy tự hỏi bạn có gì đáng để người ta tuyển. Bằng cấp ư, có mà đầy ngoài đường. Tham gia các công tác xã hội ư, cũng có nhiều người tham gia kiểu cho có, kiểu để làm đẹp hồ sơ xin việc. Tinh thần trách nhiệm ư, có ai đi xin việc nói tôi không có tinh thần trách nhiệm không?
Bạn giỏi mấy ngoại ngữ? Bạn từng tham gia kinh doanh buôn bán với ai không? Bạn đã làm thêm những việc gì hồi còn sinh viên rồi? Và xin lỗi, một câu nữa, trường bạn học, có là trường xịn không, hay cũng chỉ thường thường bậc trung, mà sinh viên vào đó học bốn năm rồi ai cũng ra trường, chứ chẳng giỏi giang gì.
Bạn đọc Lan nêu giải pháp: Bạn có thể tìm việc ở những công ty sản xuất ở các khu công nghiệp hay các công ty sản xuất tư nhân với rất nhiều vị trí. Ở các công ty đó họ không quan trọng hình thức bằng các công ty kinh doanh tư nhân hay các các công ty dịch vụ có liên quan đến khách hàng.
Cùng quan điểm bạn đọc Mr Lam viết: Bạn có thể chọn công việc ít "sử dụng" ngoại hình hơn, tức là công việc ít giao tiếp với khách hàng thì sẽ có khả năng được nhận. Mặc dù người ta nói tốt gỗ hơn tốt nước sơn nhưng với phương châm ngày càng hoàn thiện thì người ta quan tâm cả gỗ cả sơn, điều này hoàn toàn là bình thường.
Bạn đọc Nice chia sẻ: Mình hiểu tâm trạng của bạn, nhưng thiết nghĩ bạn là sinh viên mới ra trường, còn thiếu kinh nghiệm, sau nhiều lần phỏng vấn thất bại nên mất dần khả năng tự tin...
Dẫu rằng ngoại hình khá là quan trọng trong cuộc sống hiện đại ngày nay nhưng bạn hãy luôn vui và tự hào với những gì mình có được, chuyện ngoại hình không quá khó để cải thiện. Trước tiên bạn nên ăn uống, tập thể thao hợp lí để có 1 vóc dáng cân đối, tìm hiểu cách ăn mặc của mọi người, không cần quá xa hoa lịch lãm, chỉ cần chỉn chu lịch sự là được rồi.
Khi bạn đã đi làm và có điều kiện kinh tế ổn định thì có thể nhờ sự can thiệp của thẩm mĩ, bây giờ công nghệ hiện đại, bạn không phải lo. Không chỉ trong chuyện tìm việc làm, cuộc sống cũng thế, hình thức là quan trọng, nhưng mình tin để trở thành 1 người tốt và hạnh phúc thì đạo đức và tri thức mới mới là điều cốt lõi. Chúc bạn vui và nhiều niềm tin!
Là một người trẻ, bạn thấy mình còn hạn chế ở những điểm nào khác? Theo bạn, nguyên nhân do đâu và bạn sẽ làm gì để khắc phục những điểm yếu này? Bạn đã từng "đau khổ" khi muốn tìm một công việc mới hoặc thay đổi công việc tốt hơn? Bạn đã có kinh nghiệm bổ ích nào? Bạn có từng thành công hay thất bại? Hãy chia sẻ cùng TTO qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận