Sự ưu tư của người trẻ tại ngày hội tư vấn việc làm - Ảnh tư liệu |
Tôi không cảm thấy mình gặp khó khăn trong giao tiếp với nhà tuyển dụng qua thư xin việc, phỏng vấn. Bằng chứng là tôi được nhận vào làm việc tại bốn công ty có quy mô vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, điều khó khăn với phần lớn người trẻ như tôi là khả năng chịu được áp lực công việc, chấp nhận thử thách và mức lương thấp.
Công việc đầu tiên của tôi là bán bảo hiểm. Một ngày tôi phải gọi điện thoại tới hàng trăm khách hàng. Một ngày, hai ngày rồi hơn một tuần không có khách hàng ký hợp đồng, tôi tự rút lui với lý do không cảm thấy công việc phù hợp. Khách hàng từ chối, dập máy ngay từ câu nói đầu tiên hoặc tệ hơn là một bài chửi rủa kinh khủng khiếp... Tôi thật sự rất sốc với công việc bán hàng qua điện thoại này.
Thế nhưng không phải ai cũng dễ dàng bỏ cuộc như tôi. Khi xin nghỉ việc, tôi được anh trưởng phòng thuyết phục bằng nhiều lý lẽ, rằng nhiều anh chị cùng công ty đã làm việc lâu năm, có mức thu nhập ổn định và cũng đi lên từ công việc giống như tôi bây giờ. Nghĩ kỹ lại, tôi thật sự ân hận với quyết định nghỉ việc này.
Tôi chuyển sang một công ty truyền thông khác làm việc. Công ty bắt buộc những người mới ra trường, lại là "tay ngang" như tôi phải học việc trong một tháng không lương. Hết thời gian học việc, vượt qua lại đến ba tháng thử việc hưởng mức lương hỗ trợ hơn 1 triệu đồng/ tháng. Trao đổi về công việc đến đó, tôi nghỉ việc sau một ngày suy nghĩ. Lúc đó tôi cho rằng mình vẫn có những công việc khác phù hợp hơn, thu nhập khá hơn để yên tâm làm việc.
Nhưng có lẽ cơ hội không đến nhiều lần. Càng đi phỏng vấn tìm việc tôi lại càng nhận ra có được một công ty chịu nhận sinh viên mới ra trường đến học việc không hề dễ dàng. Thậm chí có nhà tuyển dụng còn nói với tôi công sức bỏ ra để kèm cặp, hướng dẫn các bạn mới ra trường xứng đáng được trả học phí.
Tôi không muốn đi làm không lương, lương thấp và chịu nhiều áp lực. Cuối cùng, tôi chọn công việc tạm thời là bán hàng trong các trung tâm thương mại vì thu nhập tương đối khá với phần đông sinh viên mới ra trường.
Buổi đi phỏng vấn bán hàng khiến tôi thật sự sốc. Trong khi thông tin tuyển dụng yêu cầu chủ yếu là có hình thức ưa nhìn, có khả năng giao tiếp, không yêu cầu bằng cấp... thì đến đó trò chuyện với các ứng viên tôi mới biết không riêng mình tốt nghiệp đại học lại đi bán hàng. Người có trình độ thấp nhất trong nhóm ứng viên mà tôi trò chuyện có bằng cao đẳng kế toán.
Nếu như trước đó tôi cho rằng bán hàng là một công việc đơn giản, chỉ cần chút hình thức nhưng tôi đã nhầm. Tôi đến công ty phỏng vấn và chỉ vượt qua vòng phỏng vấn thứ nhất, đến vòng hai tôi không lọt. Dù chỉ là bán hàng, không yêu cầu bằng cấp nhưng mỗi vòng phỏng vấn lại có hai cán bộ nhân sự trực tiếp phỏng vấn ứng viên. Quả thật, dù có bằng đại học nhưng không phải ai cũng làm được công việc không cần loại bằng cấp nào.
Tôi tin rằng có rất nhiều sinh viên mới ra trường như tôi chưa thật sự hiểu mình cần gì, có thể làm được gì... nên cứ băn khoăn tìm việc, nhảy việc.
Đến bây giờ tôi vẫn tích cực đi tìm việc, thử việc và chỉ hi vọng có thể theo đuổi một công việc nào đó dài hơi.
Là một người trẻ, bạn thấy mình còn hạn chế ở những điểm nào khác? Theo bạn, nguyên nhân do đâu và bạn sẽ làm gì để khắc phục những điểm yếu này? Bạn đã từng "đau khổ" khi muốn tìm một công việc mới hoặc thay đổi công việc tốt hơn? Bạn đã có kinh nghiệm bổ ích nào? Bạn có từng thành công hay thất bại? Hãy chia sẻ cùng TTO qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận