14/06/2024 19:06 GMT+7

Ngỡ ngàng với gốm sứ Trung Quốc trong 2 xác tàu thời nhà Minh chìm dưới Biển Đông

Cục Văn vật quốc gia Trung Quốc (NCHA) vừa cho biết một nhóm các nhà khảo cổ học Trung Quốc đã trục vớt được hơn 900 hiện vật từ 2 xác tàu ở Biển Đông.

Cánh tay robot gắn trên tàu lặn trục vớt các hiện vật ở Biển Đông - Ảnh: NCHA

Cánh tay robot gắn trên tàu lặn trục vớt các hiện vật ở Biển Đông - Ảnh: NCHA

Theo báo South China Morning Post ngày 14-6, các nhà khảo cổ cho biết họ nhận định rằng hai xác tàu nói trên đến từ các thời kỳ khác nhau trong triều đại nhà Minh (1368 - 1644). Hai tàu đều là tàu buôn, được đánh dấu số 1 và số 2.

Hai địa điểm phát hiện xác tàu nằm cách nhau 22km, và nằm cách thành phố Tam Á (tỉnh Hải Nam, tỉnh cực nam Trung Quốc) khoảng 150km về phía đông nam, tại khu vực thuộc Biển Đông. Thủy thủ đoàn của một tàu lặn nghiên cứu có người điều khiển đã phát hiện các xác tàu này vào tháng 10-2022.

Trong cuộc họp báo hôm 13-6, Cục Văn vật quốc gia Trung Quốc cho biết tại xác tàu số 1, có 890 đồ vật đã được trục vớt (bao gồm đồ sứ, đồ gốm và đồng xu) trong tổng số hơn 10.000 đồ vật được xác định tại địa điểm này.

Các nhà nghiên cứu nói rằng số hàng hóa trên con tàu có nguồn gốc từ thành phố Cảnh Đức Trấn (nơi được mệnh danh là "thủ đô gốm sứ" ở tỉnh Giang Tây) và được chở đi nhằm mục đích xuất khẩu.

Phần lớn hàng hóa được trục vớt từ xác tàu số 1 là đồ sứ từ thành phố Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc - Ảnh: CCTV

Phần lớn hàng hóa được trục vớt từ xác tàu số 1 là đồ sứ từ thành phố Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc - Ảnh: CCTV

Còn tại xác tàu số 2, có tổng cộng 38 hiện vật được trục vớt, bao gồm các khúc gỗ mun có nguồn gốc từ khu vực Ấn Độ Dương, đồ sứ, đồ gốm, vỏ sò và gạc. Theo một bài báo đăng tháng 10-2023 trên Guangming Daily, con tàu này đang quay trở lại Trung Quốc thì bị chìm.

Phó cục trưởng Cục Văn vật quốc gia Trung Quốc, ông Quan Cường (Guan Qiang), nhận định: "Việc phát hiện hai xác tàu này là bằng chứng quan trọng về trao đổi thương mại và văn hóa dọc theo Con đường tơ lụa trên biển cổ đại".

Trung tâm Khảo cổ quốc gia, Viện Khoa học Trung Quốc và một bảo tàng địa phương ở tỉnh Hải Nam đã phối hợp điều tra hai địa điểm xảy ra đắm tàu nói trên, bằng cách sử dụng cả tàu lặn có người lái và không người lái.

Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), các nhà khoa học đã sử dụng các cánh tay robot điều khiển linh hoạt gắn trên tàu lặn để lấy các hiện vật và thu thập trầm tích ở đáy biển. Một máy quét laser 3D và các camera độ phân giải cao cũng được sử dụng để ghi lại sự phân bố của các khu vực đắm tàu.

Cục Văn vật quốc gia Trung Quốc cho biết những phát hiện này là cột mốc quan trọng trong ngành khảo cổ học dưới nước của Trung Quốc, từ vùng ven biển đến biển sâu.

Trung Quốc cho hải cảnh bắt người trên Biển Đông từ ngày mai 15-6Trung Quốc cho hải cảnh bắt người trên Biển Đông từ ngày mai 15-6

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc sẽ kiềm chế vì luật mới áp dụng ở Biển Đông có thể làm bùng lên căng thẳng. Trước mắt, ngư dân Philippines phản ứng dữ dội, thậm chí thách thức Bắc Kinh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên