Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên liên tục đặt vấn đề "quan trọng, nóng" khi chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh thành và các bộ ngành liên quan về ngộ độc thực phẩm. Từ đầu năm 2024, số vụ ngộ độc có giảm so với cùng kỳ nhưng số mắc lại tăng mạnh, toàn vụ ngộ độc lớn, gần nhất là tại Vĩnh Phúc hôm 14-5 với 438 người mắc.
Đừng để ngộ độc rồi mới chống
Trong các vụ ngộ độc thực phẩm gần đây, nổi lên 4 vụ lớn ở Sóc Trăng, nguyên do là ô nhiễm salmonella trong thịt nguội ăn kèm bánh mì, 150 người mắc; Khánh Hòa (samonella trong thịt gà, trên 300 người mắc); ở Đồng Nai (samonella và một số vi khuẩn khác trong thịt heo và pate ăn bánh mì, trên 540 người mắc) và ở Vĩnh Phúc (do loại vi khuẩn hiếu khí rất khó gặp, nghi có trong món canh chua, 438 người mắc).
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Hùng Long - phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, phải truy xuất được nguồn gốc thực phẩm mới cảnh báo diện rộng được, nhưng vụ ngộ độc ở Khánh Hòa (quán cơm gà) không truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu;
Vụ ở Vĩnh Phúc thì nguyên liệu mua ngoài chợ dân sinh; vụ ở Đồng Nai thì quán bánh mì "4 không": không giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; không khám sức khỏe định kỳ nhân viên như quy định...
Chính vì vậy khi yêu cầu Đồng Nai (1 trong 4 tỉnh để xảy ra ngộ độc lớn gần đây), ông Tuyên nhấn mạnh ông không nghe những câu trả lời chung chung, mà yêu cầu Sở Y tế và các sở ngành chức năng phải làm rõ về giải pháp.
"Địa phương đã tổ chức kiểm tra liên ngành, đã kiểm tra thức ăn đường phố tư nhân, có tuyên truyền phổ biến cho người tiêu dùng và người sản xuất kinh doanh thực phẩm? Người đứng đầu địa phương để xảy ra ngộ độc phải chịu trách nhiệm, không để xảy ra ngộ độc rồi mới chống" - ông Tuyên nói.
Suất ăn 20.000 - 25.000 đồng, chất lượng có giảm
Hiện có tới 3 ngành: y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng tham gia quản lý lĩnh vực thực phẩm, mỗi bộ ngành một số mặt hàng.
Nhưng như đại diện cơ quan công an nhận định tại hội nghị là còn có sự chồng chéo, đan xen giữa các nhóm hàng, khi có sự cố chưa rõ trách nhiệm nên quản lý có điểm chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, vị này cũng nhận xét ngộ độc thực phẩm thời gian qua xảy ra một phần do túi tiền người dân và doanh nghiệp có hạn hẹp hơn, bữa ăn công nhân 20.000 - 25.000 đồng (vụ ngộ độc xảy ra tại bếp ăn tập thể của công nhân vừa qua thì giá trị bữa ăn chỉ 22.000 đồng), có chênh lệch về chất lượng so với thực phẩm mua tại các chuỗi cung cấp uy tín.
"Ngộ độc thực phẩm nổi lên tại các khu công nghiệp, cổng trường học, việc cung cấp suất ăn cho trường học chưa được kiểm soát chặt chẽ" - đại diện ngành công an đánh giá.
Theo ông Đỗ Xuân Tuyên, năm 2024 là 12 năm Luật An toàn thực phẩm được ban hành và đi vào thực thi, bên cạnh đó còn có nghị định 15 và thông tư của các bộ ngành cùng tham gia quản lý thực phẩm.
"Nhưng cần xem những quy định đã có là đủ chưa, có cần bổ sung và bổ sung gì, thậm chí ban hành mới quy định nào. Tại sao khi đã xảy ra ngộ độc thực phẩm, đi kiểm tra thì phát hiện cơ sở không đủ điều kiện, trách nhiệm của địa phương ở đâu?" - ông Tuyên đặt vấn đề.
Theo số liệu của Bộ Y tế, 4 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 4 vụ, tương đương giảm 10%) so với cùng kỳ 2023, tuy nhiên số người mắc tăng 202%, số vụ trên 30 người mắc trở lên tăng 42,9%. Số tử vong so ngộ độc thực phẩm trong các tháng đầu năm 2024 có giảm 5 người (giảm 45,5%) so với cùng kỳ 2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận