
Ngộ độc thực phẩm có thể đủ sức làm thay đổi thói quen ăn uống suốt đời - Ảnh tạo bằng AI
Chỉ một trải nghiệm tồi tệ với thực phẩm, ví dụ như ngộ độc, cũng có thể đủ sức làm thay đổi thói quen ăn uống suốt đời, theo trang Earth.
Ảnh hưởng của ngộ độc thực phẩm đối với não bộ
Nghiên cứu cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách não bộ liên kết nguyên nhân và kết quả, đặc biệt khi giữa chúng có độ trễ, ví dụ như khi bị ốm vài giờ sau một bữa ăn.
Khám phá này không chỉ lý giải vì sao một số loại thực phẩm bỗng trở nên khó nuốt, mà còn có thể đóng vai trò trong nghiên cứu về các ký ức dai dẳng khác, bao gồm cả những ký ức liên quan đến sang chấn tâm lý và rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).
Những phát hiện mới đến từ các nhà thần kinh học tại Đại học Princeton. Họ bắt đầu tìm hiểu cơ chế trong não bộ liên quan đến hiện tượng "học chỉ sau một lần" - tức một sự kiện đơn lẻ có thể tạo ra ký ức dài hạn.
"Tôi không bị ngộ độc thực phẩm đã một thời gian rồi, nhưng giờ cứ mỗi lần trò chuyện với mọi người trong các cuộc họp, tôi lại nghe kể đủ chuyện về trải nghiệm ngộ độc thực phẩm của họ", tác giả chính Christopher Zimmerman, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Thần kinh học Princeton chia sẻ.
Lấy cảm hứng từ những câu chuyện đó, Zimmerman và các cộng sự đã phát triển một thí nghiệm nhằm tìm hiểu cách não hình thành sự chán ghét với thực phẩm, ngay cả khi triệu chứng bệnh xuất hiện khá lâu sau khi ăn.
Làm việc trong phòng thí nghiệm của giáo sư Ilana Witten, Zimmerman bắt đầu bằng việc cho chuột làm quen với một hương vị mới - nước nho.
"Thông thường, các nhà khoa học sẽ chỉ dùng đường, nhưng đó không phải là một hương vị tự nhiên mà bạn thường gặp trong bữa ăn. Nước nho có nhiều lớp hương vị hơn, nên sát thực tế hơn một chút".
Chuột được huấn luyện để đưa mũi vào một cổng nhỏ nhằm nhận một giọt thức uống. Nửa tiếng sau, chúng được tiêm thuốc gây ốm tạm thời, mô phỏng cảm giác ngộ độc thực phẩm.
Khi được lựa chọn giữa nước nho và nước lọc hai ngày sau đó, chúng tránh nước nho một cách rõ rệt - bằng chứng cho thấy kết quả tiêu cực đã để lại ấn tượng mạnh mẽ. Điều khiến nhóm nghiên cứu đặc biệt quan tâm là việc xác định được vùng não chịu trách nhiệm cho ký ức ghê sợ đó - hạch hạnh nhân.
"Hạch hạnh nhân là khu vực rất đáng chú ý, bởi nó được kích hoạt khi tiếp nhận hương vị mới ở mọi giai đoạn của quá trình học", Zimmerman nói. "Nó hoạt động khi chuột đang uống, khi chuột cảm thấy ốm sau đó, và cả khi chuột hồi tưởng lại ký ức tiêu cực đó vài ngày sau".
Ký ức về ngộ độc thực phẩm trong não
Hạch hạnh nhân là một cấu trúc nhỏ nằm sâu trong não, nổi tiếng với vai trò trong việc xử lý học tập mang tính cảm xúc, đặc biệt là nỗi sợ.
Hạch hạnh nhân cũng tiếp nhận nhiều thông tin cảm giác khác nhau, bao gồm vị giác và khứu giác, nên việc các nhà khoa học đặt giả thuyết nơi này xử lý các ký ức liên quan đến thực phẩm là khá hợp lý.
Nhóm nghiên cứu xác nhận rằng hạch hạnh nhân đóng vai trò cốt lõi ở mọi giai đoạn của quá trình học, từ lúc hương vị được tiếp nhận, đến khi cơn ốm xảy ra, và lúc ký ức được gợi lại sau này.
Cơn ốm dường như đã kích hoạt lại chính những nơron từng phản ứng với nước nho ngay từ đầu. "Cứ như thể lũ chuột đang hồi tưởng lại và nhớ về trải nghiệm trước đó khiến chúng cảm thấy ốm", Witten nói.
Dù nghiên cứu tập trung vào sự chán ghét thực phẩm, nhưng những phát hiện này chỉ ra cách não học cách liên kết các sự kiện xảy ra cách nhau về mặt thời gian - một quá trình mà chúng ta chưa hiểu rõ.
Bên cạnh việc soi sáng những hành vi thường nhật - như việc không muốn ăn hàu nữa sau một lần bị ngộ độc - nghiên cứu còn có thể mang lại những hiểu biết mới về sang chấn tâm lý.
Tương tự như ngộ độc thực phẩm, các sự kiện gây sang chấn thường chỉ xuất hiện triệu chứng sau một khoảng thời gian, nhưng vẫn tạo ra những ký ức mạnh mẽ và dai dẳng trong não.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận