Nguy kịch vì đặc sản ve sầu
Đến mùa ve sầu, nhiều người thường tìm loại côn trùng này để làm món ăn hoặc món nhậu. Tuy nhiên, không ít trường hợp phải nhập viện cấp cứu vì dị ứng hoặc ngộ độc.
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết đã điều trị cho một bệnh nhân nữ (29 tuổi, Tuyên Quang) bị dị ứng ve sầu. Bệnh nhân nữ này có tiền sử dị ứng nhộng tằm, tối 8-5, bệnh nhân đã thử ăn ve sầu rang lá chanh lần đầu tiên.
Do ăn thấy thơm ngon và bùi bùi nên chị đã ăn gần 10 con.
Sau ăn, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện sẩn ngứa toàn thân, kèm theo buồn nôn và nôn, tim nhịp nhanh, khó thở… và được chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
May mắn, sau ba ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã ổn định, đỡ ngứa, không còn buồn nôn và không khó thở.
Bác sĩ Ma Thị Oanh, khoa hồi sức tích cực, chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, cho biết một số người khi ăn ve sầu có thể bị dị ứng như nổi mề đay, mẩn ngứa khắp người, nhưng đó là trường hợp nhẹ.
Đối với trường hợp nặng, người bệnh có các triệu chứng khó thở, nôn mửa, co giật, hôn mê, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận cấp cứu ba bệnh nhân có triệu chứng ngộ độc sau khi ăn nhộng ve sầu đào trong đất.
Cụ thể, một nhóm thanh niên 5 người đến nhậu tại một nhà hàng ở Đắk Lắk và có ăn món nhộng ve sầu do một người đào trong vườn nhà rồi chế biến mang đến.
Sau đó, cả nhóm có triệu chứng nôn ói, chóng mặt, trong đó 3 người bị nặng phải nhập viện. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân bị sốc phản vệ nghi do ăn nhộng ve sầu.
Người có tiền sử dị ứng cần lưu ý
Bác sĩ Trần Thiên Tài, trưởng đơn vị dị ứng, miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết những loại côn trùng phổ biến được làm thức ăn hiện nay là nhộng, dế, ve sầu, cào cào… được người dân rất ưa chuộng, thường được lựa chọn làm món ăn.
Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp sau khi ăn một số loại côn trùng này đã phải nhập viện vì bị ngộ độc và dị ứng.
Đối với tình trạng ngộ độc, những thực phẩm có nguồn gốc từ côn trùng nếu không được bảo quản đúng cách, chế biến kỹ, sẽ biến đổi chất và dễ bị các vi sinh vật xâm nhập như vi khuẩn Staphylococcus, E.coli, Salmonella, Campylobacter… hay các loại nấm mốc.
Với điều kiện thích hợp, các vi sinh vật này phát triển và sinh ra các độc tố, đi vào cơ thể sẽ gây ra ngộ độc.
Một trong những yếu tố làm gia tăng tình trạng ngộ độc hiện nay là do nhiều loài côn trùng, trong đó có nhộng được bày bán rất nhiều trên thị trường mà không rõ nguồn gốc.
Nhiều loại không qua kiểm định và có sự bảo quản đúng cách, hoặc thậm chí người dân tự tìm bắt các loại côn trùng trong tự nhiên để sử dụng, những điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Đối với tình trạng dị ứng, đây là phản ứng quá mức bất thường của hệ miễn dịch, cơ thể sản xuất ra các kháng thể để chống lại với các dị nguyên có trong các loài côn trùng.
Triệu chứng lâm sàng của dị ứng diễn ra nhanh chóng từ vài phút đến vài giờ sau khi ăn, với biểu hiện từ mức độ nhẹ như ngứa da, nổi mề đay, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
Mức độ nặng là sốc phản vệ bao gồm tụt huyết áp, trụy mạch, rối loạn ý thức, hôn mê mà nếu không cấp cứu kịp thời sẽ tử vong.
Bác sĩ Thiên Tài nhấn mạnh đối với những người có cơ địa dị ứng như đã có tiền sử dị ứng với thức ăn, thuốc thì nguy cơ dị ứng khi ăn những món chế biến từ côn trùng là cao hơn người bình thường, vì vậy cần phải đặc biệt lưu ý.
“Tóm lại, với những món ăn được xem là “độc lạ” có nguồn gốc từ côn trùng thì người sử dụng phải hết sức cảnh giác vì có nguy cơ dẫn tới ngộ độc hoặc xảy ra phản ứng dị ứng nguy hiểm cho tính mạng”, bác sĩ Tài khuyến cáo.
Chú ý dị ứng hải sản
Bác sĩ Ma Thị Oanh cũng cho biết thêm, những người có cơ địa dị ứng với thức ăn (đặc biệt là dị ứng hải sản) cần chú ý cẩn trọng khi ăn ve sầu. Nếu thấy các dấu hiệu sẩn ngứa, khó thở… nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận