Sức khỏe bệnh nhân N.T.L. đã ổn định sau khi được cấp cứu - Ảnh: B.A.
Trước đó, tối 20-5, bệnh viện tiếp nhận em N.T.L. (17 tuổi, ngụ TP Đồng Xoài) trong tình trạng mạch nhanh, nhịp thở nhanh, bạch cầu cao, men gan tăng, da xanh, niêm mạc nhợt, vã mồ hôi…
Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ nghi do ăn ve sầu nên tiến hành điều trị theo phác đồ, truyền dịch, thở oxy, điều trị kháng sinh… Sau khi được cấp cứu, sức khỏe của bệnh nhân dần ổn định trở lại.
Bác sĩ Nguyễn Minh Khánh - khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Bình Phước - cho biết từ đầu năm đến nay bệnh viện tiếp nhận 3 trường hợp ngộ độc sau khi ăn ve sầu.
Người dân bắt ve sầu về làm món ăn - Ảnh: B.A.
Theo bác sĩ Khánh, ngộ độc ve sầu có 3 cấp độ. Nhẹ thì nổi mày đay, ngứa ngáy. Nặng hơn thì có thể khó thở, tụt huyết áp. Sau khi ăn ve sầu, nếu có triệu chứng mệt mỏi, tức ngực, khó thở cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Theo một số người dân, vào đầu mùa mưa (khoảng tháng 4, tháng 5), ấu trùng ve sầu từ dưới lòng đất chui lên khỏi mặt đất rồi lột xác lần cuối trở thành ve sầu trưởng thành. Thời điểm này, một số người dân đi bắt nhộng ve sầu, ve sầu vừa lột xác về chế biến thành các món ăn "đặc sản".
Mặc dù ve sầu không có độc tố nhưng do sống khá lâu trong lòng đất nên rất dễ bị nhiễm vi khuẩn hay các loài nấm độc ký sinh trên cơ thể. Đây là loại thức ăn có nhiều yếu tố dị ứng. Vì vậy, người dân nên hạn chế và dần loại bỏ thói quen ăn ve sầu để tránh nguy cơ ngộ độc, gây nguy hại đến tính mạng.
Bên cạnh đó, cần chủ động trang bị kiến thức về phòng tránh và xử lý ban đầu do ngộ độc thực phẩm gây ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận