Ảnh mô tả kháng thể trung hòa bám vào protein virus SARS-CoV-2 - Ảnh: caltech.edu
Đây là vấn đề quan trọng để xác định ai cần tiêm vắc xin nhắc lại hằng năm.
Từ 0 ngày đến… 40 năm
Trong cơ thể những người đã bình phục sau khi mắc COVID-19 có kháng thể trung hòa virus. Song kháng thể bảo vệ họ khỏi tái nhiễm trong vài tuần, vài tháng hay vài năm?
Các nhà khoa học ở Viện Miễn dịch học La Jolla tại California (Mỹ) chứng minh trí nhớ miễn dịch có thể kéo dài đến 8 tháng sau khi nhiễm (nghiên cứu đăng trên tạp chí Science ngày 5-2).
Trước đó, một nghiên cứu khác của Mỹ công bố trên trang BioRxiv ngày 16-11-2020 (nghiên cứu chưa qua bình duyệt) cho rằng trí nhớ miễn dịch có thể kéo dài nhiều năm.
Mới đây, nhóm nghiên cứu ở Trường Y khoa Duke-NUS tại Singapore (trường y khoa sau đại học) nhận thấy khả năng miễn dịch lại thay đổi tùy theo người vì tốc độ giảm kháng thể thay đổi rất đáng kinh ngạc.
Mô hình phát triển kháng thể trong năm nhóm của nhóm nghiên cứu Singapore - Ảnh: THE LANCET MICROBE
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 164 bệnh nhân ở Singapore từ 6 - 9 tháng sau khi các bệnh nhân mắc COVID-19. Họ phân tích máu để đo số lượng kháng thể trung hòa và tế bào T, sau đó xây dựng thuật toán dự báo mức kháng thể thay đổi theo thời gian.
Các bệnh nhân được chia làm năm nhóm:
. Nhóm đầu tiên (11,6% bệnh nhân) được gọi là nhóm "âm tính" không phát triển kháng thể trung hòa có thể phát hiện được.
. Nhóm "giảm nhanh" (26,8%) có kháng thể sớm nhưng kháng thể giảm nhanh chóng.
. Nhóm "giảm chậm" (29%) duy trì được kháng thể tới sáu tháng rồi kháng thể giảm khá nhanh.
. Nhóm "dai dẳng" (31,7%) có số lượng kháng thể tương đối ổn định tới 180 ngày.
. Nhóm "phản ứng chậm" (1,8%) có mức kháng thể trung hòa gia tăng rõ rệt trong thời gian bình phục muộn.
Các nhà nghiên cứu Singapore đánh giá nhóm cuối cùng không mang tính đại diện vì chỉ có ba ca.
Ngược lại, mô hình thuật toán cho thấy nhóm "dai dẳng" đại diện gần 1/3 số bệnh nhân lại có khả năng miễn dịch kéo dài từ 326 ngày đến... 14.881 ngày, tức kéo dài tới 40 năm.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí The Lancet Microbe ngày 23-3.
Đã có trường hợp 17 năm sau vẫn còn kháng thể
Trong đại dịch SARS năm 2003, nhiều bệnh nhân có kháng thể trung hòa tới 17 năm - Ảnh: AP
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh cần tiếp tục chứng minh khả năng miễn dịch kéo dài hàng chục năm như thế, tuy nhiên họ ghi nhận: "Điều này không hoàn toàn viển vông với thực tế có nhiều bệnh nhân nhiễm hội chứng SARS năm 2003 vẫn có kháng thể trung hòa 17 năm sau khi khỏi bệnh".
Nhóm đầu tiên có khả năng nhiễm bệnh cao hơn vì mức cytokine gây viêm ở mức cao. Ngược lại, nhóm "giảm nhanh" (nhóm có ít triệu chứng lâm sàng) cứ yên tâm vì dù ít kháng thể vẫn được bảo vệ để khỏi tái nhiễm.
Các nhà nghiên cứu ở Singapore đánh giá tất cả bệnh nhân đã qua xét nghiệm (kể cả nhóm "âm tính") đều có khả năng miễn dịch bền vững với tế bào T tối thiểu sáu tháng sau lần nhiễm đầu tiên.
Giáo sư Laurent Renia tại Cơ quan Khoa học, công nghệ và nghiên cứu Singapore (A*STAR) nhận xét: "Nghiên cứu này nhắc nhở chúng ta rằng mọi người có phản ứng khác nhau với tình trạng nhiễm bệnh. Nghiên cứu cũng đặt câu hỏi về chiến lược tiêm chủng vắc xin COVID-19.
Nếu khả năng miễn dịch do vắc xin cung cấp cũng giảm dần như khả năng miễn dịch của kháng thể tự nhiên thì cần thiết hằng năm phải tiêm nhắc lại (ở một số người) để ngăn ngừa dịch bệnh trong tương lai".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận