06/08/2012 06:32 GMT+7

Nghĩ từ cái tủ thờ

TRẦN HỮU TÁ
TRẦN HỮU TÁ

TT - Năm nào Ngày thương binh liệt sĩ 27-7 của nước ta cũng được quan tâm tổ chức trọng thể nhưng năm nay có khác: trọng thể hơn, quy mô hơn và thắm đượm nghĩa tình hơn.

Trong vô vàn hình thức biểu hiện lòng biết ơn của nhân dân cũng như chính quyền trong cả nước, qua màn ảnh nhỏ tối 26-7, tôi chú ý đến một tin ngắn: các cơ quan đoàn thể và nhân dân Q.1, TP.HCM đã cho đóng một số tủ thờ và trân trọng trao tặng các gia đình liệt sĩ còn túng thiếu trong quận.

"Ngày 27-7 rơi đúng vào dịp nghỉ hè. Nên chăng các trường học và Đoàn thanh niên nên phối hợp, có kế hoạch hợp lý, không hình thức, để học sinh các cấp được tiếp cận các mẹ, các vợ liệt sĩ, thăm hỏi các mẹ, nghe các mẹ kể chuyện, làm một số việc nho nhỏ cụ thể nào đó giúp đỡ gia đình. Có thể tin đấy là một bài học giáo dục công dân sống động thấm thía cho tuổi trẻ Việt Nam, cấy thêm trong tâm hồn các em một mầm cây mới về lòng yêu nước, ý thức bảo vệ Tổ quốc"

Cái tủ thờ - một món đồ không thể thiếu trong bất cứ gia đình Việt Nam nào, kể cả các gia đình người Việt xa xứ ở Pháp, Nga, Mỹ... Nhà giàu cho đóng tủ lớn, gỗ quý, chạm trổ cầu kỳ. Nhà nghèo thì mua loại nhỏ hơn, kiểu cách đơn giản hơn, chất lượng gỗ cũng bình thường hơn.

Đã hình thành một đơn vị gia đình Việt thì trước sau, sớm muộn gì cũng phải có tủ thờ. Cả không gian trong căn hộ, hoặc rộng hơn - trong ngôi nhà, trong biệt thự, dành cho người sống. Riêng tủ thờ là để bài vị, di ảnh, bát hương, bình hoa tưởng niệm người đã khuất như ông bà, cha mẹ...

Ngày giỗ chạp, ngày tết, nghèo đến mấy gia đình nào cũng phải có hương hoa, trái cây tưởng vọng người ruột thịt của mình đang ở thế giới bên kia. Truyền thống thiêng liêng tốt đẹp ấy đã tồn tại bao đời nay, và có thể cả tin: một khi trên dải đất chữ S này còn tồn tại và phát triển cộng đồng người Việt thì góc thờ phụng thiêng liêng ấy vẫn chiếm một vị trí trang trọng trong ngôi nhà cũng như trong tâm khảm mỗi người dân Việt, và tủ thờ là một vật thể không thể thiếu.

Vậy mà bao năm nay, nhiều gia đình đồng bào ta không có nổi cái tủ thờ. Buồn thật! Mà đó là những gia đình đáng được đặc biệt tôn trọng, vì đã dâng hiến cho Tổ quốc những người ruột thịt của mình - người con, người chồng, người cha. Những công dân ưu tú ấy đã mãi mãi không về. Vì nền độc lập của dân tộc, vì tự do của nhân dân, họ đã tự nguyện hi sinh để đẩy lùi và chiến thắng các thế lực ngoại xâm.

Để kỷ niệm ngày 27-7 năm nay, những vị có trách nhiệm và các mạnh thường quân ở Q.1 đã thực hiện một việc tưởng như nhỏ bé nhưng rất đáng trân trọng: chuẩn bị một số tủ thờ và đem tặng các gia đình liệt sĩ nghèo trong quận. Việc làm này không linh đình ầm ĩ, chẳng có hình thức phô trương nhưng đáp ứng đúng lời dạy của tổ tiên: uống nước nhớ nguồn.

Tôi tiếc trường đoạn phim này đã trôi đi quá nhanh trên màn ảnh nhỏ, nhưng dù sao trong đầu tôi đã kịp ghi nhận những hình ảnh cảm động: mấy bà mẹ rất già, ai cũng lưng còng, tóc bạc, da mặt nhăn nheo, quần áo giản dị, ứa nước mắt và lúng túng nói những lời cảm ơn khi được trao tặng tủ thờ.

Ấm lòng người sống biết bao khi từ nay họ đã có một chỗ trang trọng để tưởng niệm người đã khuất. Xin thú thật xem tivi lúc ấy, tôi cũng ứa nước mắt. Tôi nghĩ là bà con ta, nếu tình cờ được xem đoạn phim thời sự ấy chắc cũng có những xúc động tương tự.

Từ điểm son này của Q.1, tôi đề nghị hoạt động này nên sớm được nhân rộng trong cả nước, để mỗi gia đình liệt sĩ thuộc diện nghèo được tặng một tủ thờ. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên chủ trì việc này để mọi chuyện được công bằng minh bạch. Sẽ yên tâm biết bao nếu ngày 27-7 sang năm, tất cả gia đình liệt sĩ Việt Nam đều có thể sửa soạn lễ tưởng niệm người đã khuất trên tủ thờ trang nghiêm trong căn hộ bình dị của mình.

TRẦN HỮU TÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên