Tôi không khỏi băn khoăn
Hồi còn đi học nghe người ta nói người Nhật rất quý trọng sự học, những cá nhân học giỏi và khi trao bằng tốt nghiệp cho học sinh, thầy hiệu trưởng thường quỳ trước mặt học sinh, tôi chỉ hiểu đó là cách nói vui để đề cao coi trọng việc học tập của người Nhật mà thôi.
Thế nhưng, bằng giấy trắng mực đen, bằng hai câu chuyện được kể lại của bạn Võ Hồng Quỳnh trên báo, tôi mới thật sự hiểu được đó là một hiện tượng có thật trong đời sống giáo dục.
Tuy nhiên, theo tôi, cái cần của chúng ta là đào tạo những người có tài và có đức cho xã hội. Có phải cần làm như vậy mới là ưu việt và tốt cho con người trong tương lai hay không?
Và học sinh quá được trọng vọng ấy có làm lệch đi những chuẩn mực giáo dục truyền thống mang đạo lý “tôn sư trọng đạo”, một bản sắc văn hóa lâu đời của người VN ta hay không?
Và còn nữa, liệu những em học sinh khi xem bài báo trên với sự suy nghĩ chưa chín chắn của mình sẽ ứng xử thế nào trước người thầy và những nhà giáo VN chúng ta có nên học tập theo cách này hay không?
Trăn trở này của tôi xin được sự đồng cảm và chia sẻ của các bạn.
NGUYỄN VĂN HỌC (Đà Nẵng)
Đó là lý do tôi chỉ làm ở trường nước ngoài
Thật ra chuyện ấy rất bình thường đối với người nước ngoài, vì phương pháp sư phạm trong Tesol người ta có huấn luyện như thế. Mình là giáo viên của một trung tâm ngoại ngữ tại Gò Vấp (TP.HCM), giám đốc của mình, các giáo viên làm việc ở đây đều quỳ khi chấm bài cho học sinh.
Trẻ con và học sinh sẽ cảm thấy mình được tôn trọng.
Ngay cả những lớp lớn hơn như giao tiếp, Toeic... giáo viên cũng đều quỳ để chấm bài.
Chỉ có khác biệt trong trường của VN ta thôi, giáo viên lúc nào cũng “làm sếp” ra quyền uy, hù dọa học sinh, chê bai học sinh... làm các em không phát triển và thiếu tự tin, ngày càng lùi không tiến bộ được. Thật đáng buồn!
Chính bản thân tôi ra trường, làm trong hệ thống trường học của mình được đúng sáu tháng. Từ đó đến nay, 14 năm tôi chỉ làm ở trường nước ngoài thôi.
ANGEL NGUYEN (TP.HCM)
Chúng ta quen kiểu người lớn có quyền hành
Hành động quỳ gối này không phải hạ thấp mình mà là cho bé biết ta là bạn bé, ngang hàng và bé được coi trọng như thế nào.
Trước kia tôi từng chứng kiến một thầy giáo người Anh quỳ gối cho thấp bằng sinh viên đang ngồi (vì thầy quá cao) khi trao đổi trong lớp học tiếng Anh của Hội đồng Anh.
Và khi còn là sinh viên đại học, trường tôi có các bạn cùng tuổi từ Anh sang hướng dẫn chúng tôi môn nói (speaking). Thỉnh thoảng có bạn vẫn cúi rạp người xuống, hay quỳ cho bằng chúng tôi để có thể nghe rõ hơn những câu trả lời vì một số bạn nói nhỏ, và vì vóc dáng bạn ấy quá cao lớn.
Tôi nghĩ thói quen này bạn ấy có được là do được giáo dục ở trường như vậy từ nhỏ. Vì chúng ta quen kiểu người lớn có quyền hành, chứ không làm bạn với trẻ nên cách giáo dục hơi cứng nhắc. Đây cũng là điều chúng ta nên học hỏi để giáo dục trẻ em.
Hành động đó cho thấy trẻ được tôn trọng và ta đáng tin cậy để trẻ có thể chia sẻ mà không phải ngại ngùng.
THANH TUYEN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận