25/11/2016 06:16 GMT+7

​Nghị sĩ EU kêu gọi ngừng bàn chuyện Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Ngày 24-11 các nghị sĩ Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu nhất trí với bản kiến nghị tạm ngừng các cuộc đàm phán về việc gia nhập khối này của Thổ Nhĩ Kỳ.

Cờ Liên minh châu Âu và cờ Thổ Nhĩ Kỳ bay bên ngoài một khách sạn ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Reuters
Cờ Liên minh châu Âu và cờ Thổ Nhĩ Kỳ bay bên ngoài một khách sạn ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, các nghị sĩ của Nghị viện châu Âu đã đi đến thống nhất trong vấn đề này với số phiếu 479 thuận trên 37 phiếu chống với bản đề xuất tạm ngừng thảo luận việc cấp cơ chế thành viên EU cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Động thái được đưa ra trong bối cảnh nhiều nghị sĩ châu Âu bày tỏ lo ngại về cách hành xử "không thỏa đáng" của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm nay.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim chỉ trích kết quả bỏ phiếu này, cho rằng nó không quan trọng gì cả. Tuy nhiên ông Binali Yildirim cũng "dọa", nếu châu Âu cắt bỏ quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, họ sẽ phải đối mặt với một "cơn lũ" người nhập cư tràn vào khối này.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với đài quốc gia TRT Haber, ông Binali Yildirim nói: "Chúng tôi là một trong những nhân tố bảo vệ châu Âu. Nếu người tị nạn xuyên qua được chúng tôi, họ sẽ tràn vào châu Âu và kiểm soát nó, và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngăn chặn điều này. Tôi thừa nhận rằng việc cắt đứt quan hệ với châu Âu sẽ gây tổn hại cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nó cũng gây tổn hại cho châu Âu gấp 5 tới 6 lần".

Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek cho rằng, đó chỉ là quan điểm mang tính dân túy và thiển cận chứ không liên quan gì tới việc khuyến khích những cơ chế cải cách.

Hơn 125.000 người, trong đó bao gồm binh sĩ, học giả, thẩm phán, nhà báo và các lãnh đạo người Kurd, đã bị bắt giam hoặc sa thải vì dính cáo buộc liên quan tới vụ đảo chính ngày 15-7.  

Nội dung bản kiến nghị được đưa ra bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu viết: "Nghị viện châu Âu… lên án mạnh mẽ các biện pháp trấn áp không thỏa đáng đã được áp dụng tại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau vụ đảo chính thất bại hồi tháng 7".

Áo là nước đi đầu trong việc kêu gọi chấm dứt các đàm phán về việc gia nhập khối của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó Đức, Pháp và hầu hết các nước EU khác vẫn ủng hộ nên tiếp tục vấn đề này vì lo ngại hậu quả của làn sóng người nhập cư.

Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ thảo luận lại với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này khi họ gặp nhau tại Brussels trong cuộc họp thượng đỉnh hai ngày 15-16 tháng 12 tới đây.

 

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên