01/07/2025 15:38 GMT+7

Nghị quyết 68: Gỡ nút thắt logistics, mở đường cho tư nhân vươn xa

Không chỉ thiếu hạ tầng phù hợp, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu còn bị 'trói chân' bởi quy định cứng nhắc và sự phối hợp rời rạc giữa các bộ ngành, đòi hỏi phải có chính sách đồng bộ, linh hoạt để doanh nghiệp tư nhân bứt tốc.

nghị quyết 68 - Ảnh 1.

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng logistics là mắt xích quan trọng trong năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp - Ảnh: NGỌC HIỂN

Khu vực kinh tế tư nhân đang được đặt ở vị trí trung tâm của các chiến lược phát triển đất nước, trong đó logistics và hạ tầng thương mại là yếu tố then chốt để hàng Việt vươn ra thế giới. 

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy còn nhiều điểm nghẽn âm thầm trong hệ thống logistics, đặc biệt với hàng nông sản, thủy sản, khiến doanh nghiệp tư nhân chưa thể phát huy hết năng lực.

Thay đổi đột ngột, doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Hồng Anh - chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - cho biết để thực thi nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã có khảo sát các doanh nghiệp về lĩnh vực logistics và đề xuất các chính sách để tháo gỡ các nút thắt trong lĩnh vực này.

Một trong những vấn đề được doanh nghiệp xuất khẩu nhiều lần phản ánh là quy định mới của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn về thời gian tiếp nhận container lạnh tại cảng Tân Cảng - Cát Lái và Hiệp Phước. 

Theo thông báo, container chỉ được hạ bãi trước tối đa 1 ngày so với thời điểm dự kiến tàu đến (ETA). Quy định này khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng bởi tính chất khó dự báo của lịch tàu và các rủi ro về thời tiết, tắc cảng hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng.

Ông Đặng Hồng Anh cho biết doanh nghiệp xuất khẩu rất cần một môi trường vận hành ổn định, linh hoạt. Trong khi đó, với các mặt hàng tươi sống, chỉ cần trễ vài giờ cũng có thể ảnh hưởng chất lượng cả lô hàng.

"Chúng tôi đề xuất cần điều chỉnh quy định tiếp nhận container lạnh theo hướng linh hoạt hơn, để doanh nghiệp có thể chủ động trong điều phối logistics", ông Hồng Anh nói.

Theo ông Hồng Anh, việc cho phép hạ bãi container lạnh trước 2-3 ngày, như trước đây sẽ giúp giảm tải áp lực vận hành, đồng thời bảo đảm an toàn cho hàng hóa trong điều kiện thị trường và vận tải quốc tế luôn biến động.

Cần một chiến lược logistics đủ mạnh để kết nối vùng sản xuất với thị trường

Theo Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, không chỉ dừng ở cảng biển, logistics nông sản còn vướng ngay từ đầu chuỗi, nơi vùng trồng chưa được quy hoạch cụ thể, dẫn đến việc doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai. 

Nhiều hội viên của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết dù có nhu cầu đầu tư vùng nguyên liệu gắn với chế biến, nhưng không thể triển khai do quy hoạch thiếu đồng bộ giữa các ngành.

Từ thực tiễn này, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kiến nghị cần có quy hoạch vùng trồng rõ ràng cho từng nhóm sản phẩm tại địa phương, tích hợp với quy hoạch hạ tầng giao thông, kho bãi và logistics. 

Bên cạnh đó, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng kiến nghị thành lập một đầu mối liên ngành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân thực hiện các thủ tục logistics xuất khẩu, bao gồm cấp mã vùng trồng, kiểm dịch, hải quan, cấp phép xuất khẩu…

Việc thiếu sự thống nhất hiện nay đang khiến nhiều doanh nghiệp phải làm việc đồng thời với 3-4 bộ ngành khác nhau, gây lãng phí thời gian và giảm hiệu quả kinh doanh.

Ông Đặng Hồng Anh cho hay không thể phát triển một chuỗi giá trị hiệu quả nếu vùng nguyên liệu không rõ ràng và logistics thiếu liên kết. Các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và địa phương xác định cụ thể từng vùng trồng, giúp doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn đầu tư dài hạn và bài bản.

Bên cạnh đó, các hội viên của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng phản ánh các chủ đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp hiện bị ràng buộc bởi yêu cầu trong Luật Kinh doanh bất động sản mới là phải hoàn thiện toàn bộ hạ tầng mới được phép kinh doanh đất công nghiệp

Theo các doanh nghiệp, quy định này được đánh giá là thiếu linh hoạt, chưa phù hợp với thực tiễn triển khai các dự án đầu tư quy mô lớn, dẫn đến lãng phí nguồn lực, tăng chi phí và làm giảm sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Do đó, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần xem xét sửa đổi, cho phép linh hoạt hơn trong việc triển khai từng phần của dự án phù hợp với tiến độ giải phóng mặt bằng và nhu cầu đầu tư thực tế, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu hơn vào phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất và xuất khẩu. 

"Logistics là mắt xích quan trọng trong năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Khi thể chế vận hành linh hoạt, hạ tầng được khơi thông và niềm tin được củng cố, doanh nghiệp tư nhân sẽ đủ điều kiện để bứt tốc, đồng hành cùng đất nước trên hành trình phát triển bền vững", ông Hồng Anh chia sẻ.

Mong muốn mở đường bay quốc tế từ Cần Thơ

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng nhu cầu mở lại các đường bay quốc tế từ Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ, điểm trung chuyển quan trọng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là hết sức cấp thiết. Hiện nay, sân bay này chỉ khai thác nội địa với hiệu suất chưa đến 10% công suất thiết kế, trong khi khu vực xung quanh lại là nơi sản xuất nông sản, thủy sản xuất khẩu hàng đầu cả nước.

"Chúng tôi cho rằng nếu có các chuyến bay quốc tế từ Cần Thơ, đặc biệt đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản - là các thị trường tiêu thụ lớn - sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí đáng kể cho doanh nghiệp. Đây không chỉ là nhu cầu, mà còn là động lực tăng trưởng mới cho toàn vùng", ông Hồng Anh chia sẻ.

Nghị quyết 68: Gỡ nút thắt logistics, mở đường cho tư nhân vươn xa - Ảnh 2.Nghị quyết 68 mở đường cho doanh nghiệp tư nhân huy động vốn qua chứng khoán

Các chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán sẽ đóng vai trò then chốt trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển doanh nghiệp tư nhân mà nghị quyết 68 đặt ra.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên