Vốn là một thành phố được biết đến với sự nhộn nhịp, năng động, TP.HCM đồng thời mang một vẻ trầm lặng, ẩn chứa những giá trị lịch sử hào hùng mang đậm dấu ấn thời gian với chặng đường hơn 300 năm lịch sử.
Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, bạn đừng bỏ qua các điểm tham quan ý nghĩa này.
Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TP.HCM)
Bến Nhà Rồng (Q.4, TP.HCM) được biết đến bởi ý nghĩa lịch sử quan trọng. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu hành trình ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu Amiral Latouche-Tréville vào năm 1911. Công trình nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TP.HCM).
Nơi đây mang nét kiến trúc cổ kính, hòa trộn giữa Á và Âu ấn tượng và đẹp mắt. Đến đây du khách không chỉ được khám phá những nét đẹp của cảnh quan, được chiêm ngưỡng những bức tranh khắc họa lại đời sống cơ cực của người dân thời Pháp thuộc, mà còn được nghe những câu chuyện để hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc.
Với những giá trị đó, bến cảng này đã trở thành một địa điểm du lịch khó có thể bỏ qua khi đến thành phố mang tên Bác.
Bến Nhà Rồng mở cửa từ 7h đến 11h30 và từ 13h30 đến 17h từ thứ hai đến chủ nhật hằng tuần. Giá vé là 20.000 đồng/người.
Hầm chứa vũ khí, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn
Căn hầm bí mật tại số nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) là di tích ghi dấu ấn rõ nét về sự kiên cường và dũng cảm của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đây từng là nơi chứa hơn 2 tấn vũ khí các loại để các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn sử dụng tấn công vào Dinh Độc Lập ngày mùng 1 Tết Mậu Thân năm 1968.
Tham quan hầm bí mật cất giấu gần 2 tấn vũ khí của Biệt động Sài Gòn ở số nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 - Ảnh: THANH HIỆP
Căn hầm hoàn thành sau 7 tháng, dài hơn 10m, cao 2,5m, trát xi măng dày để chống thấm. Hầm có 4 khung tròn nối với ống thoát nước, kích thước vừa một người chui để thoát hiểm.
Nơi này mở cửa cho khách tham quan từ năm 2018, được trưng bày nhiều hiện vật gắn với lịch sử dân tộc. Năm 1988, Bộ Văn hóa công nhận căn nhà này là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Ngoài ra, bạn đừng bỏ qua Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định tại số 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1. Đây là bảo tàng ngoài công lập của thành phố, được thành lập tháng 6-2023, cũng là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam về lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Bảo tàng hiện sở hữu 7 bộ sưu tập hiện vật quý giá gắn liền với lực lượng Biệt động, gồm: các hầm bí mật chứa vũ khí, ém quân; những chiếc xe các chiến sĩ Biệt động đã dùng để đi lại, hoạt động; vũ khí; vật dụng sinh hoạt gắn liền với quá trình hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn; dụng cụ đồ nghề sản xuất của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế) trong vỏ bọc nhà thầu khoán Dinh Độc Lập; thiết bị thông tin liên lạc…
Địa đạo Củ Chi - thành phố trong lòng đất
Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 70km, Địa đạo Củ Chi là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa và sáng tạo của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Địa đạo Củ Chi nổi tiếng có hệ thống phòng thủ kiên cố, tinh vi trong lòng đất. Hệ thống địa đạo không chỉ là nơi trú ẩn, mà đã trở thành nơi sinh hoạt, hội họp quân sự, cứu thương, chế tạo và tàng trữ vũ khí.
Tổng chiều dài của Địa đạo Củ Chi là khoảng gần 250km, với 3 tầng sâu. Tầng cao nhất cách mặt đến 3m, tầng giữa cách mặt đất 6m và tầng dưới cùng sâu tận 12m.
Nơi đây đã trở thành Di tích quốc gia đặc biệt, là một trong sáu công trình nhân tạo đặc biệt nhất thế giới, đón tới 20 triệu lượt du khách trong và ngoài nước ghé đến mỗi năm. Đây là nơi hiếm hoi của thành phố sôi động còn lưu lại những dấu ấn đậm nét lịch sử của một thời kỳ chiến tranh khói lửa.
Địa đạo Củ Chi ở cửa cho du khách từ 7h - 17h tất cả các ngày trong tuần. Giá vé là 35.000 đồng/người đối với khách Việt Nam và 70.000 đồng/người đối với khách quốc tế.
Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - thiên đường sống ảo của giới trẻ
Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM nằm ở khu đất đắt đỏ bậc nhất TP.HCM, tại số 97A Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1. Công trình có vị trí đi lại thuận lợi, kiến trúc ấn tượng, diện mạo nguy nga và có phần diễm lệ từ sự giao thoa độc đáo giữa nét đẹp kiến trúc của phương Đông lẫn phương Tây.
Hiện tại, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM trưng bày và bảo quản rất nhiều đồ vật mỹ thuật mang tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao được làm từ nhiều chất liệu độc đáo như ốc xà cừ, gỗ, gốm,...
Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM trở thành "thiên đường sống ảo" cho giới trẻ. Nơi đây được cho rằng chỉ cần giơ điện thoại lên là có hàng chục bức ảnh đẹp.
Mọi góc cạnh trong bảo tàng đều rất đẹp, với sắc vàng chủ đạo và không gian cổ xưa phủ một vẻ đẹp lộng lẫy, từng hành lang, cửa sổ hay nền gạch đều kết tinh thành một tác phẩm nghệ thuật châu Âu.
Bảo tàng chính thức đi vào hoạt động năm 1992 và được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố vào năm 2012.
Giờ mở cửa đón khách của bảo tàng là từ 8h30 - 17h tất cả các ngày trong tuần. Giá vé vào cửa là 40.000 đồng/người lớn và 10.000 đồng/trẻ em.
Những góc "sống ảo" không thể bỏ qua khi đến Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - Ảnh: MINH TRÂM
Phở Bình - bí mật của một tiệm phở trứ danh
Tiệm phở Bình nằm ở số 7 Lý Chính Thắng (quận 3, TP.HCM) trước đây là "tổng hành dinh" của đơn vị F100 thuộc Biệt động Sài Gòn, nơi phát lệnh cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968.
Nếu là một tín đồ ẩm thực, yêu thích tìm hiểu về văn hóa, lịch sử dân tộc, bạn không thể bỏ qua quán phở Bình.
Với lợi thế địa lý, căn nhà phố tại số 7 đường Yên Đỗ lúc bấy giờ đã được chọn làm cơ sở chỉ huy tiền phương. Để che mắt quân thù, các chiến sĩ trong đội biệt động đã vào vai người giúp việc của tiệm phở.
Với cấu trúc 1 trệt và 3 lầu, không gian quán được bố trí như bao quán phở khác, nhưng điểm đặc biệt của quán phở này chính là tấm biển công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia đặt ngay trên bảng hiệu.
Trải qua bao thăng trầm và biến cố, phở Bình vẫn trụ ở Sài Gòn như một chứng nhân lịch sử thầm lặng, mang phong vị của những ngày xưa cũ.
Dinh Độc Lập
Dinh Độc Lập là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá Sài Gòn - TP.HCM, gắn liền với ngày 30-4-1975 lịch sử. Được tận mắt chứng kiến những tư liệu sống động về một thời đã qua, bạn sẽ thêm yêu và trân trọng cuộc sống.
Dinh có lối kiến trúc kết hợp hài hòa và tinh tế giữa phương Tây và Đông Á, vừa mang hơi hướng kiến trúc Paris, vừa có những chi tiết hoa văn tỉ mỉ mang đậm chất dân tộc Việt.
Di tích lịch sử Dinh Độc Lập mở cửa bán vé phục vụ du khách tham quan hằng ngày (kể cả cuối tuần và các dịp lễ, Tết). Sáng từ 7h30 - 11h, chiều từ 13h - 16h, giá vé là 65.000 đồng/người lớn, 15.000 đồng/trẻ em.
Rừng Sác Cần Giờ: Lịch sử bi tráng, hào hùng, điểm đến thiên nhiên hấp dẫn
Cách nội đô thành phố khoảng chừng 50km, Rừng Sác Cần Giờ là khu rừng nguyên sinh ngập mặn, điểm đến xanh dành cho những tâm hồn đam mê khám phá thiên nhiên, hoặc muốn tìm hiểu về trang sử vàng dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, nơi đây đã hình thành một căn cứ địa quan trọng của quân ta. Chiến khu Rừng Sác có vị trí mang tính chiến lược, lại có địa hình hiểm yếu với rừng rậm bạt ngàn, sông rạch chằng chịt.
Rừng Sác Cần Giờ đẹp như một bức tranh - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Năm 2000, khu rừng này được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam
Không chỉ nổi tiếng với khung cảnh thiên nhiên miền sông nước bình dị, nơi đây còn được biết đến với nhiều hoạt động, trải nghiệm thú vị cùng câu chuyện lịch sử oanh liệt của các đặc công Rừng Sác.
Đường đi thuận lợi, cách không quá xa trung tâm thành phố, du khách có thể đi về trong ngày, đây là địa điểm lý tưởng để bạn tận hưởng không khí trong lành, thoáng mát, tránh xa những ồn ào nơi đô thị vào dịp lễ này.
Giá vé vào cổng ở đây là 35.000 đồng/người. Nếu ai muốn trải nghiệm đi ca nô (gồm lượt đi và về) vào Khu căn cứ Rừng Sác là 600.000 đồng/người.
Theo bạn, còn những hoạt động tham quan du lịch nào quanh TP.HCM cho dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày sắp tới? Mời bạn gửi bài tư vấn về địa chỉ hongtuoi@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận