Như ở xã Kim Chung (huyện Đông Anh) quê tôi hay vài xã lân cận, người nông dân đã “lười” làm ruộng từ nhiều năm nay. Ngoài những khu đất đã trong dự án quy hoạch làm khu đô thị, khu công nghiệp bị bỏ hoang ra thì không ít khu đất nằm liền kề cũng bị bỏ hoang luôn vì người dân không canh tác. Nhiều người nông dân quê tôi có ý nghĩ đại loại như: “Cấy cày làm gì, cứ để đất đấy nay mai chờ đền bù!”, hay: “Cấy cày nhọc người nên để thời gian làm việc khác còn hơn!”...
Vẫn biết là xã tôi cũng như những xã lân cận được “ăn nhờ” bằng nghề mới cho thuê nhà trọ và kinh doanh dịch vụ khi từ ngày có Khu công nghiệp Thăng Long đặt tại đây. Nhiều nhà có thu nhập cao nhưng không phải tất cả đều đã có của ăn của để, vì vậy việc bỏ ruộng hoang là phí phạm, khi từ những vạt ruộng kia có thể cho ra rất nhiều sản phẩm, tiền bạc để nuôi sống con người. Gia đình nhà người bác tôi trước kia có một mẫu ruộng, sau khi được đền bù 5 sào trong phạm vi đất làm khu công nghiệp, nay còn hẳn 5 sào đất chân ruộng màu mỡ, vậy mà bác vẫn bỏ hoang. Thấy tôi nói phí phạm, bác cười bảo: “Con về mà làm. Bác giữ đất để mấy năm nữa đợi đền bù thôi. Ở cái làng này giờ cho người ta mượn đất canh tác người ta cũng không thèm, chứ nói gì đến việc cho thuê đất”.
Cứ cho là nhà bác tôi đã giàu chút ít khi có thu nhập từ cho thuê nhà trọ mấy chục triệu đồng/tháng, cùng lãi suất tiết kiệm từ khoản tiền đền bù mà khu công nghiệp lấy đất từ năm nọ, nên việc bác bỏ ruộng hoang có thể tạm chấp nhận được khi người ta đã thỏa mãn phần nào. Thế nhưng, có khá nhiều hộ ở xã tôi còn nghèo lắm, không có đất xây nhà cho thuê, thu nhập mỗi tháng chỉ mấy trăm ngàn đồng/đầu người, vậy mà họ cũng bỏ ruộng hoang. Vài người giải thích với tôi rằng bây giờ đi làm thuê làm mướn, đi chợ buôn bán với ngày công thu nhập 100.000-200.000 đồng thích hơn làm ruộng, vừa vất vả lại không được bao nhiêu.
Tôi nghĩ, những người có đất này có thể vẫn đi chợ buôn bán, vẫn có thể đi làm thuê làm mướn, trong khi vẫn canh tác trên đồng ruộng của mình, vì làm nông nghiệp theo quy trình của thời hiện đại bây giờ đâu có vất vả cho lắm, cơ bản hơn là kinh tế của họ vẫn còn khó khăn, sao lại bỏ hoang ruộng? Mỗi năm sản lượng lương thực, giá trị vật chất, tiền bạc không thể sinh sôi từ những mảnh đất bỏ hoang đó chắc chắn sẽ là không nhỏ, nhất là đối với những hộ còn nghèo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận