19/06/2011 07:31 GMT+7

Nghèo nhưng rất sang!

 GIÁNG HƯƠNG
 GIÁNG HƯƠNG

TT - Dự thảo đề án “Đổi mới chương trình và sách giáo khoa” với tổng kinh phí dự trù lên đến 70.000 tỉ đồng là một đề tài gây xôn xao trong dư luận nói chung và cả giới nhà giáo chúng tôi nói riêng. Thôi thì những chuyện to tát các chuyên gia đã lên tiếng, phần mình tôi chỉ xin kể lại một chuyện cũ, về bộ sách giáo khoa đang xài hiện tại với mong mỏi đề án mới (nếu có làm) xin hãy tiết kiệm...

Cách đây ba năm, cụ thể là vào năm 2008, tôi cùng bốn giáo viên khác trong trường (chung một bộ môn) và một hiệu phó đã khăn gói ra Hà Nội để tập huấn về việc giảng dạy bộ sách mới. Dĩ nhiên, tất tần tật chi phí của chuyến đi là do Nhà nước chi, từ vé máy bay khứ hồi cho đến khách sạn và tiền ăn hằng ngày. Chuyến tập huấn kéo dài một tuần. Và chuyến tập huấn này thu hút cả ngàn giáo viên của các trường THPT trên cả nước. Chúng tôi nhẩm tính mỗi giáo viên như thế phải tiêu tốn của ngân sách khoảng 6 triệu đồng. Với trên cả ngàn giáo viên như thế, cộng thêm chi phí cho giảng viên cùng các thứ linh tinh khác, nên một chuyến tập huấn như thế ắt phải tròm trèm chục tỉ đồng. Và với 13 bộ môn, con số sẽ lên đến hơn trăm tỉ.

Nhưng chưa hết, nào chỉ có một đợt tập huấn như thế đâu. Trong ngành, chúng tôi gọi mỗi lần thay đổi sách giáo khoa là một cuộc “động binh” của giáo dục. Cụ thể với bộ sách đang sử dụng, các cuộc tập huấn làm theo hình thức cuốn chiếu và kéo dài từ năm 2003-2009 (chỉ mới THPT). Trong sáu năm ấy, thôi thì nhốn nháo hẳn lên, khi thì rầm rộ kéo về thủ đô, khi thì tập trung tập huấn theo cụm. Nói trộm kẻo các vị nghe mà giận, những chuyến đi ấy được giới giáo viên kháo nhau là đi du lịch không mất tiền. Bởi chuyện tập huấn để giảng dạy một bộ sách mới có gì ghê gớm lắm đâu!

Đó là chuyện của mình, còn sau đây là chuyện của người liên quan đến mình: Trong năm vừa qua, ngành giáo dục có một cuộc đào tạo 20.000 hiệu trưởng. Đây là chương trình do Singapore tài trợ. Tuy nhiên, họ chỉ chấp nhận bao chi phí các đợt giảng dạy cho 30 chuyên gia cấp quốc gia cùng hơn 300 hiệu trưởng “hạt nhân” (mỗi tỉnh thành năm người), bao gồm cả học ở Hà Nội và tại Singapore. Tiếp đến, các “hạt nhân” này tỏa về truyền đạt lại kinh nghiệm cho các hiệu trưởng trong địa phương của mình.

Với những đợt tập huấn, bồi dưỡng đại trà, không ai xài sang như ta là “động binh” di chuyển hết thảy giáo viên, mà cách làm đúng và tiết kiệm là đào tạo “hạt nhân” để về phổ biến lại tại chỗ. Toàn là những người có trình độ chứ đâu phải các em học sinh “vắt mũi chưa sạch” mà sợ “tam sao thất bản”!

Nhân nói về sự sang của ngành giáo dục ở ta, xin kể tiếp đoạn sau của chương trình đào tạo 20.000 hiệu trưởng - cái đoạn mà ta phải xài tiền của mình. Đó là kết thúc các khóa học ở các địa phương đều có một chuyến đi tham quan các trường tiên tiến trong khu vực châu Á như Singapore, Hàn Quốc... Tuy nhiên, các chuyến đi này đều hợp đồng với các công ty du lịch. Và các vị hiệu trưởng đi về kể cho biết chủ yếu là đi du lịch, phần tham quan học tập các trường học tiên tiến chỉ chiếm một phần rất nhỏ! Và thế là lại tốn một đống tiền vô bổ từ ngân sách.

Nước ta còn nghèo, ai cũng thấy. Ngành giáo dục còn lắm vấn đề, ai cũng thấy. Nhưng xài sang thì không hẳn ai cũng thấy, vậy nên kể lể vài dòng này với mong muốn ai đó thực hiện đề án 70.000 tỉ đồng làm ơn tiết kiệm giùm!

-----------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Làm ngơ trước thực tế giáo dụcNhững người soạn thảo đề án nói gì? 70.000 tỉ đồng cho một đề án giáo dụcHãy cử chuyên viên giáo dục đứng lớp một thời gianMột bản dự thảo chơi vơiNên bàn trước cách làmKhông thể chắp vá

 GIÁNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên