10/06/2011 10:31 GMT+7

Hãy cử chuyên viên giáo dục đứng lớp một thời gian

LÊ THƯỜNG XUÂN
LÊ THƯỜNG XUÂN

TTO - Là một người làm công tác giáo dục, tôi rất quan tâm đến từng động thái thay đổi của bộ giáo dục và các ban ngành liên quan khi đưa ra từng ý kiến nhỏ hay những quyết sách lớn cho ngành.

SZ42uIIN.jpgPhóng to
Một lớp học tạm tại Mù Cang Chải (Yên Bái). Thầy và trò ở những nơi này phải học tập trong điều kiện thiếu thốn nhiều thứ - Ảnh tư liệu

Làm ngơ trước thực tế giáo dụcNhững người soạn thảo đề án nói gì? 70.000 tỉ đồng cho một đề án giáo dục

Thực trạng giáo dục của chúng ta lâu nay đã mất rất nhiều công sức, thời gian và tiền của để rồi phải gánh chịu những hệ lụy không hề mong muốn mà nó đã đem lại. Đứng trước sự thiếu hụt về trình độ chuyên môn, xã hội lên tiếng chức năng giáo dục ở đâu? Đứng trước sự tha hóa về đạo đức, xã hội thắc mắc giáo dục dạy dỗ như thế nào? Đứng trước sự xuống cấp của văn hóa, xã hội lại dấy lên nhức nhối giáo dục bồi đắp tinh thần ra làm sao?...

Mong mỏi có được một nền giáo dục hoàn hảo để đào tạo cho xã hội những sản phẩm con người thực tài là điều mà mỗi người làm công tác giáo dục luôn tâm niệm và hướng đến.

Với chương trình quá tải nặng về những kiến thức hàn lâm lại rất thiếu thời gian và nội dung thực tiễn như hiện nay, mỗi người thầy lên lớp đang phải gồng mình để gánh hết chương trình mà bộ giao phó trong năm học. Cuối năm rà soát sổ báo giảng, thấy mình hoàn tất đến tiết cuối cùng của chương trình đã là mừng, nói gì đến việc nhấn mạnh ở những điểm dừng cần thiết chú trọng đến kỹ năng ứng dụng cho học sinh.

Nhưng đồng thời đó cũng hàm chứa nhiều nỗi lo là vì bao nhiêu năm qua rất nhiều chương trình đề án đổi mới của bộ đã được thực thi nhưng cứ loay hoay luẩn quẩn giữa cái cũ mới – mới cũ. Kết quả là người đứng lớp rối trong mớ bòng bong của bộ đưa ra. Đó là chưa kể sự sai sót lệch lạc kiến thức trong các bộ sách giáo khoa, sự chỏi nhau về kiến thức giữa hai bộ sách chuẩn và nâng cao hiện hành.

Để triển khai đề án này, tôi nghĩ rằng bộ đã cân nhắc và đưa ra những quyết sách dựa trên rất nhiều công trình nghiên cứu khác nhau nhằm tìm ra hướng đổi mới tốt nhất cho nền giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, cùng với những công trình nghiên cứu đó, thiết nghĩ bộ cần phải quan tâm hơn đến tính thực tế của chương trình giáo dục.

Và cách tốt nhất để chạm vào được thực tế không có cách nào khác là hãy cử chuyên viên giáo dục xuống đứng lớp một thời gian.

Với thời gian thực tế ở trường học, các chuyên viên sẽ hiểu rõ hơn học sinh cần học cái gì và chương trình giáo dục nên mang đến cho các em những kiến thức gì. Cách làm này phần nào sẽ hạn chế được tính chủ quan trong việc áp đặt khối lượng kiến thức từ trên xuống như lâu nay chúng ta đã làm.

Cũng từ thời gian thực tế, chuyên viên sẽ được tự mình tìm hiểu về khung lượng thời gian và dung lượng kiến thức trong chương trình dạy học, từ đó đưa ra nội dung phù hợp với từng định lượng thời gian giảng dạy hơn. Tránh việc áp đặt giờ đó bài đó nội dung đó mà không cần quan tâm đến đối tượng học sinh khiến người dạy lâu nay vô cùng vất vả kéo theo nhiều hệ lụy khác trong công tác dạy học.

Mặt khác, nhìn sơ qua về bảng dự toán của đề án lần này, tôi nhận thấy bộ đã tập trung ưu tiên đầu tư trang thiết bị dạy học đến gần phân nửa kinh phí của dự án. Là một người trực tiếp đứng lớp, tôi nhận thấy điểm này bộ nên xem lại.

Nếu những năm đầu thế kỷ XXI mỗi trường có vài ba chiếc máy tính, giáo viên muốn dạy phải đăng ký trước cả tuần thì bây giờ mỗi trường có vài phòng máy đã được nhân lên rất nhiều. Các trường trọng điểm chất lượng cao còn được đầu tư sâu hơn, mỗi phòng học được trang cấp đầy đủ máy móc cần thiết cho việc dạy học đã trở nên phổ biến. Từ máy chiếu projector, máy vi tính, loa âm thanh, máy chiếu đa năng… chưa kể có trường còn có cả bảng thông minh (smart board).

Nhưng tại sao với sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại đó, giáo viên vẫn chưa khai thác được hết các mặt lợi ích thiết thực, để đến bây giờ, sau những phàn nàn không chịu sử dụng công nghệ thông tin, giáo viên lại phải đối đầu với sự phản ứng từ chính học trò mình đến các cấp lãnh đạo, rằng không nên lạm dụng công nghệ thông tin mà điển hình là tình trạng chiếu - chép?

Từ đó có thể thấy được phần nào những mắc mớ của việc đổi mới giáo dục không phải nằm ở phương tiện mà là vấn đề chương trình giảng dạy. Thời lượng ít, nội dung nhiều. Sự dồn nén khối lượng kiến thức trong bài dạy và những đòi hỏi về tần suất làm việc của giáo viên quá cao khiến cho họ khó có thể đảm bảo làm tốt hết những công việc được đề ra.

Nên khi kết hợp các phương tiện hỗ trợ, họ chỉ có thể đầu tư thực sự cho một số bài cần thiết, còn lại buộc phải chọn cách làm qua loa. Và hậu quả để lại là sự lạm dụng phương tiện dẫn đến chiếu – chép khiến mọi người đang phản ứng như thực trạng hiện nay.

Phương tiện chỉ là sự hỗ trợ. Phương pháp giáo dục mới là điều cốt yếu. Như vậy, muốn đổi mới thực sự và xây dựng được một nền tảng giáo dục tốt thực sự, mong Bộ Giáo dục - đào tạo hãy cẩn trọng với những quyết sách lần này của mình, để xã hội có thể hoàn toàn yên tâm khi ký thác số phận của dân tộc vào thế hệ trẻ mai sau.

LÊ THƯỜNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên