15/05/2019 10:41 GMT+7

Nghệ thuật không đàm phán của ông Trump

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Luôn tự hào về cuốn Nghệ thuật đàm phán (Trump: The art of the deal), Tổng thống Mỹ Donald Trump lại thể hiện "nghệ thuật không đàm phán" trong tranh chấp thương mại với Trung Quốc.

Nghệ thuật không đàm phán của ông Trump - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: REUTERS

Cụm từ "The art of no deal" (Nghệ thuật không đàm phán) là cách báo chí Mỹ chơi chữ để nói về việc ông Trump bước khỏi phòng họp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un mà không chốt thỏa thuận nào. "Nghệ thuật" này tiếp diễn sau cuộc thảo luận giữa phái đoàn hai nước Mỹ - Trung tại Washington tuần qua.

Tất tay

Một ngày sau khi Trung Quốc đáp trả bằng cách tăng thuế nhập khẩu lên 25% đối với 60 tỉ USD hàng Mỹ, Washington ra động thái đáng lo ngại nhất từ khi tranh chấp xảy ra: tăng thuế lên 300 tỉ USD còn lại từ hàng Trung Quốc, tức đạt đến toàn bộ mức 558 tỉ USD tổng giá trị nhập khẩu từ quốc gia Đông Á.

Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) ngày 13-5 (giờ Mỹ) công bố danh sách 3.805 loại hàng hóa Trung Quốc, trị giá tương đương 300 tỉ USD, có thể bị áp thuế nhập khẩu 25%. USTR cũng công bố việc tổ chức điều trần ngày 17-6 để đưa ra quyết định trên. Điều này đồng nghĩa nếu đàm phán thương mại Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng, ngày 24-6 là lúc "đòn tất tay" về mức tăng thuế nhập khẩu mới này sẽ được công bố.

Những diễn biến trên đón nhận phản ứng gay gắt từ truyền thông trung ương Trung Quốc. Tân Hoa xã ngày 14-5 gọi đây là "cuộc chiến tranh nhân dân": "Chiến tranh thương mại ở Mỹ là sản phẩm của một cá nhân và chính quyền của ông ta, những người đã lôi kéo toàn bộ người dân trong nước. Trong khi đó, cả quốc gia và người dân Trung Quốc đang bị dọa dẫm. Đối với chúng ta, đây là cuộc chiến tranh nhân dân thực sự".

Trên khung giờ vàng 7h tối 13-5, Đài truyền hình trung ương CCTV của Trung Quốc khẳng định: "Như Chủ tịch Tập Cận Bình đã làm rõ, nền kinh tế Trung Quốc là biển cả, không phải cái ao. Một cơn bão có thể hủy hoại một cái ao nhỏ, nhưng không thể làm tổn thương biển cả. Sau hàng loạt cơn bão, biển vẫn nằm đó".

Nghệ thuật không đàm phán của ông Trump - Ảnh 2.

Nguồn: Statista - Dữ liệu: NHẬT ĐĂNG - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Dằn mặt kiểu Trump

Trong vài tuần qua, Tổng thống Trump liên tục khẳng định thuế quan tăng lên đối với hàng Trung Quốc đã đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Mỹ và rằng Trung Quốc là bên phải trả loại thuế này chứ không phải người Mỹ. Nhưng một luận điểm mới được bổ sung: Trung Quốc sẽ hứng chịu hậu quả lớn hơn khi người tiêu dùng Mỹ và các công ty chuyển sang những lựa chọn thay thế, ví dụ như... Việt Nam.

Trong loạt nội dung đăng trên Twitter sáng 13-5 (giờ Mỹ), ông Trump cho rằng người Mỹ hoàn toàn có thể né thuế nếu không mua hàng từ Trung Quốc. Đồng thời, ông khẳng định các công ty vì vậy cũng sẽ tìm cách rút khỏi Trung Quốc, đầu tư vào Việt Nam và các nước châu Á khác.

Thực tế, đây chính là chiến lược lâu dài của Mỹ. Nhưng theo trang tin Vox, chính quyền Washington gần đây bắt đầu thể hiện nó rõ ràng hơn. Trong phỏng vấn phát sóng trên chương trình Sunday Fox News (Đài Fox, Mỹ) ngày 12-5, cố vấn kinh tế Larry Kudlow tái khẳng định quan điểm của Mỹ về hướng đi này. Ông nói: "Người Trung Quốc sẽ bị giảm GDP và tương tự là tổn thương về thị trường xuất khẩu".

Trong danh sách 300 tỉ USD giá trị các mặt hàng Trung Quốc mang khả năng bị tăng thuế vừa qua, có thể thấy quy mô và tầm bao phủ của sản phẩm đã mở rộng đáng kể. Đó không còn là các mặt hàng nông sản, lụa là, thực phẩm nói chung, mà bắt đầu là những sản phẩm ảnh hưởng nhiều tới chuỗi sản xuất hơn. Nhìn danh sách cụ thể của USTR, sắp tới các nhà sản xuất máy tính xách tay (laptop), điện thoại, phụ kiện và linh kiện điện tử của Trung Quốc sẽ gặp rắc rối lớn.

Trong danh sách này cũng xuất hiện quần áo, sợi và giày. Trước đó, hải sản nằm trong danh sách 200 tỉ USD hàng bị đánh thuế 25%. Tất cả những mặt hàng này đều là thế mạnh của Việt Nam, ví dụ các hãng giày như Nike, Adidas hay cá rô phi. 

Và nếu đúng như lời ông Trump nói, các công ty Mỹ có thể nhập khẩu thêm từ Việt Nam hoặc nhiều công ty sẽ chọn Việt Nam làm nơi sản xuất, rút khỏi Trung Quốc. Chiều hướng này đã được nhắc tới rất nhiều. 

Nhưng để tận dụng tốt nhất, các nước như Việt Nam cũng rất cần những phân tích sâu hơn từ những chi tiết cụ thể hơn trong những đợt áp thuế nhập khẩu của Mỹ.

3-4 tuần

Trong phát biểu ngày 14-5, ông Trump nói rằng sẽ cần 3 hoặc 4 tuần để biết liệu đàm phán với Trung Quốc có tốt đẹp hay không. Đó cũng là thời điểm trước sự kiện G20 mà tổng thống Mỹ sẽ gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình ở Nhật Bản.

Ông Trump kêu gọi FED hạ lãi suất để Ông Trump kêu gọi FED hạ lãi suất để 'so găng' với Trung Quốc

TTO – Dự đoán Trung Quốc sẽ giảm lãi suất để tăng lợi thế trong chiến tranh thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang (FED) nhanh tay để Mỹ toàn thắng.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên