02/08/2012 08:36 GMT+7

Nghề nông phải là nghề chuyên nghiệp

TRẦN MẠNH ghi
TRẦN MẠNH ghi

TT - Sau nhiều năm đầu tư, ngành nông nghiệp của VN vẫn kém phát triển do tỉ lệ đầu tư công cho nông nghiệp nông thôn rất thấp trong tổng ngân sách hằng năm của Nhà nước. Không những vậy, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn kém hiệu quả vì đầu tư sai hướng và thất thoát.

Tình trạng đầu tư cắt khúc kiểu trung ương làm một phần, địa phương làm một phần, còn lại người dân làm, ai có vốn làm trước rồi để đấy, anh nào làm phần anh ấy xong thì coi như xong nhiệm vụ, rất lãng phí, kém hiệu quả.

Trong khi đó, ba vấn đề lớn của kinh tế thị trường mà từng nhà nông không thể giải quyết được là thị trường tiêu thụ, công nghệ mới và vốn đầu tư. Chỉ có doanh nghiệp chế biến - tiêu thụ nông sản mới có thể giải quyết tốt ba vấn đề này.

Ở VN hiện nay, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, một nông dân chỉ có 5-7 công đất sẽ chọn cách bán sản phẩm ở chợ quê chứ việc gì phải bán cho doanh nghiệp. Ngược lại, một doanh nghiệp muốn có vùng nguyên liệu 15.000ha mà phải ký hợp đồng với 15.000 hộ dân là điều bất khả thi.

Vì vậy, Nhà nước phải có những cơ chế đặc thù để khuyến khích người dân và doanh nghiệp liên kết với nhau. Chẳng hạn, doanh nghiệp chỉ được phép xuất khẩu nông sản buộc phải có vùng nguyên liệu, phải liên kết với nông dân bằng hợp đồng.

Đối với các doanh nghiệp chế biến, cần có chính sách hỗ trợ họ về đầu tư nhà máy, công nghệ chế biến. Nhà doanh nghiệp vì lợi ích của chính mình, không chỉ đầu tư áp dụng các công nghệ mới nhất do các nhà khoa học tạo ra mà còn đầu tư giúp nhà nông áp dụng công nghệ mới trong sản xuất nông sản ở mỗi trang trại. Trong mối liên kết này, doanh nghiệp chính là nhà cung cấp những vật tư đầu vào như giống có xác nhận, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khuyến nông... đồng thời là nhà bao tiêu đầu ra. Đội ngũ khuyến nông phải là của doanh nghiệp (như đội ngũ FF của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang) mới hiệu quả chứ khuyến nông công chức của Nhà nước như hiện nay thật sự không hiệu quả.

Đất đai cho nông nghiệp có giới hạn, vì thế phát triển nông nghiệp trong tương lai là phải phát triển bằng công nghệ, bằng đầu tư khoa học và chế biến. Hiện nay, dù Nhà nước có chương trình giống quốc gia, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn rất quan tâm đầu tư khoa học nhưng cơ chế tài chính của VN hiện tại không đủ khuyến khích nhà khoa học chuyên tâm nghiên cứu. Với định mức đầu tư thấp, các nhà khoa học không sống được bằng nghề. Đầu tư cho khoa học phải là đầu tư lâu dài thì chính sách quyết toán tài chính vào cuối mỗi năm lại là rào cản cho nghiên cứu, tạo ra các kiểu luồn lách, làm giả giấy tờ, số liệu của các cơ quan nghiên cứu chứ không phải là hiệu quả của công trình nghiên cứu.

Để người dân thoát nghèo, chỉ còn cách nâng cao năng lực cho họ thông qua tích tụ ruộng đất, đào tạo kỹ năng và hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa sản xuất. Phải coi nghề nông là một nghề chuyên nghiệp chứ không phải là nghề học hỏi theo kinh nghiệm như trước nữa. Thời nay là thời của những thanh nông tri điền có trình độ, kỹ năng chứ không phải là lão nông tri điền. Muốn được như vậy, người dân phải được đào tạo bài bản, hiệu quả theo nhu cầu chứ không chỉ là dạy nghề kém hiệu quả như ta đang thực hiện. Để nâng cao năng suất, Nhà nước cần đẩy mạnh các chính sách ưu đãi cho nông dân đầu tư mua máy móc cơ giới hóa khâu sản xuất. Nhưng trước hết, muốn đầu tư hiệu quả cho nông nghiệp thì phải có những trang trại sản xuất quy mô lớn dù là trang trại gia đình. Đáng tiếc là những cơ chế cho tích tụ ruộng đất ở VN đến nay vẫn chưa có.

TRẦN MẠNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên