02/02/2014 13:30 GMT+7

Nghe múa kể chuyện đời

MINH TRANG - HOÀNG OANH
MINH TRANG - HOÀNG OANH

TTXuân - Thỉnh thoảng trên Facebook của các nghệ sĩ múa có ai đó lại vào rao: “Bán đồ bảo hộ đôi chân: silicon nhét ngón chân cho khỏi đau xương, silicon mũi đứng loại dày và mỏng”. Đó có thể là chuyện kể bên trong những chiếc giày múa đẹp xinh thoăn thoắt.

Nhưng còn chuyện kể đằng sau những màn múa rực rỡ hay lắng sâu trong những vùng ánh sáng tuyệt đẹp trên sân khấu? Đó có thể lại là những câu chuyện đời.

Những nghệ sĩ này đã múa trong phần lớn thời gian cuộc đời mình. Cơ thể và đôi chân họ dường như không có ngày nào rảnh rỗi. Mà nếu như có một ngày như vậy thì đó sẽ là ngày mà nỗi buồn trở nên u uất nhất trong lòng họ.

T6hiWMjo.jpg
Tố Như
Tố Như: được múa là thấy lòng bình an

Khó lòng hẹn Tố Như ra được một quán cà phê mà tỉ tê trò chuyện… Chị lúc nào cũng bận rộn trên sàn tập, hoặc có thể chị muốn khép mình vào sự bận rộn khuôn khổ ấy để luôn nhắc nhở bản thân về sự hà khắc “nhất quân binh, nhì trường múa” mà chị đã nghiêm túc theo đuổi từ khi mới chỉ là cô bé 11 tuổi… Những ngày hè ấy bố mẹ bận công việc chả biết gửi gắm con gái vào đâu nên cho đến Nhà Thiếu nhi TP.HCM học múa, học riết rồi đâm… mê mẩn.

Đến năm 11 tuổi, Tố Như đậu và nhận được một học bổng do Nhà nước tài trợ sang học tập ở Trường Kiev National Dance tại Ukraine chuyên ngành múa ballet cổ điển. Tám năm học ở trường là tám năm quân ngũ thật sự, nỗi nhớ nhà chỉ biết giấu kín trong lòng rồi lấy học hành và luyện tập để khỏa lấp. Về nước vào độ tuổi rất đẹp của nghề, chị xin vào Đoàn ballet Tháng Mười của thầy Trần Văn Lai, cùng sáu anh chị em khác của đội múa ballet bám trụ với đoàn đến hơn 10 năm...

“Thầy cô trong đoàn lúc nào cũng đầy tâm huyết, tình yêu múa với tôi cũng chưa tắt bao giờ, nhưng kinh tế quá chật vật. Một năm cả đoàn may mắn thì được tham gia một lần vào hội múa toàn quốc ngoài Hà Nội. Bản thân tôi từ lúc về nước chủ yếu được gia đình giúp đỡ… thế nên chia tay đoàn vào năm 2002 là một quyết định khó khăn nhưng không khác được”. Thời gian sau đó, chị lao vào học đồ họa, thiết kế để mong sẽ “chuyển nghiệp”, không dính dáng gì đến múa nữa… Thế nhưng, cái nghiệp đã vận vào người, người ta chưa kịp gọi đi phỏng vấn thì Tố Như đã “tự động” nghỉ luôn vì nghĩ mình không thuộc về công sở…

Và rồi mối duyên gặp gỡ Tấn Lộc khi còn đang là CTV của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP đã mở ra cho chị một lối rẽ mới mà như chị nói “vừa được làm những gì mình thích lại có thể sống được với nghề”. Năm nay bước sang tuổi 40 nhưng cô giáo của Trường Múa thành phố lúc nào cũng khiến học trò phải tròn mắt vì thân hình… eo ót, săn khỏe - là kết quả của việc luyện tập ngày qua ngày từ 9g sáng đến 9g tối, cũng là một cách khác để nói rằng “tôi luôn đam mê”, tuổi tác đã không còn là một vật cản với cái nghề giới hạn tuổi tác này nữa…

Cô giáo đến giờ vẫn đi về lẻ bóng. Có hỏi thêm thì Tố Như, lúc nào cũng vậy, luôn trả lời bằng nụ cười hiền lành rất chân thành: “Có khi cái duyên chưa tới, mình cũng mong nhưng không ép uổng được”. Và có lẽ vì chẳng vướng bận hôn nhân, hay có khi bao nỗi buồn cuộc sống đều đã được chị giải tỏa bằng múa, bằng một thế giới “tự do, được là chính mình, khi được múa là thấy trong lòng bình an nhất” như chị nói, múa với chị đã không còn là một cái nghề kiếm cơm mà như một thứ đạo hạnh. Chị nửa đùa nửa thật bảo: “Mình thích múa đến độ có nói với các em là khi nào thấy cô “hết được” rồi thì nhớ cản nha, đừng cho cô lên sân khấu nha, chứ không cản là cô cứ múa hoài đó”.

KJLSY1bf.jpg

John Huy Trần: “người nhảy dở” muốn sẻ chia

Những cuộc đời múa có thể lặng lẽ và hầu như ai cũng… không muốn lên báo! Họ chỉ múa suốt ngày và xa lạ với những tung hô, xìcăngđan, những chiêu trò của thế giới showbiz. Dù là sàn tập hay sàn diễn thì họ cũng sẽ cháy hết mình để đến khi không còn ở đó thì cũng sẽ tự hào mang theo những khoảnh khắc đáng nhớ trong đời, vì hơn ai hết họ hiểu rõ người nghệ sĩ nào cũng cô đơn.

Dù gần ba năm học nhảy chuyên nghiệp ở Trường National Dance of Canada nhưng từ hồi mới nhập học cho đến tận bây giờ, tôi chắc mình vẫn là người nhảy dở nhất trường!” - John bắt đầu ngay câu chuyện của mình bằng lời thú nhận dễ thương.

Việt Nam, thoạt tiên không hề là miền đất hứa khi anh quay trở lại vào năm 2006. Về Tiền Giang quê ngoại, ngày cũng như đêm, John chỉ biết ngồi trong… mùng nhìn ra ngoài vì thời tiết quá oi bức và nhiều muỗi. Tới bữa các anh em họ đi chơi về rồi đẩy cho John khay cơm vào trong mùng, hỏi John có muốn ra ngoài chơi không, muốn ra đồng bắt cá không.

Lúc ấy John đã đấu tranh ghê lắm: tiếp tục ngồi trong mùng như… con khỉ hay cứ để cho muỗi cắn và ra ngoài kia làm những gì mình thích… Và một John Huy tự hào đã có thể nói tiếng Việt rành rọt đến mức đàng hoàng ngồi ghế nóng giám khảo cho các cuộc thi nhảy múa, tham gia tích cực vào các lớp dạy cho những vũ công trẻ Việt Nam tại Dance Center - trung tâm dạy nhảy do John và những người bạn góp sức dựng nên. Năm 2013, John Huy và những người bạn đã có một sô múa jazz rực rỡ, tưng bừng kéo dài ba đêm với những tràng vỗ tay không ngớt từ những người yêu jazz và những vũ điệu phóng khoáng đậm chất châu Phi.

Năm nay sẽ lại là một năm mới với nhiều thách thức khi anh không chỉ muốn thực hiện một sô như jazz!... John bảo bắt đầu yêu nhịp thở Sài Gòn từ… vài năm trước, khi những khó khăn không làm anh phải nổi điên, tuyệt vọng rồi tìm cách giết thời gian bằng những trò vô nghĩa như khi còn ở Canada. “Điều quan trọng là cuộc sống ở đây khiến tôi lạc quan, tích cực, những khó khăn thật nhỏ bé” - John Huy Trần nói.

kAXk7FZn.jpg

Thùy Chi: đã ở đó và trưởng thành từ đó

Vài tháng trước, Thùy Chi đăng lên trang cá nhân của mình tấm hình chụp với bố (NSND Tạ Tôn) trong ngày tốt nghiệp đại học khoa biên đạo múa ở Bắc Kinh, rồi ghi chú: “Bố đưa con đi rồi lại đón con về”. Khoảng thời gian giữa hai lần đưa đi và đón về này là bốn năm, cộng thêm mười năm học trung cấp múa ở Quảng Châu trước đó, đủ để cô gái nhỏ này “thấm” hết nỗi nhọc nhằn và cô đơn của múa, nhưng cũng đủ để cô “thấm” luôn niềm đam mê lớn lao mà bố mẹ đã chọn cho mình.

Ta đã ở đó là tên chương trình múa đương đại được thực hiện ngay sau khi Thùy Chi về nước. Ở đó, Thùy Chi và Ngọc Anh đã đưa người xem trở về với những khung trời quá khứ ngọt ngào. Ở đó, múa trở thành một chiếc bập bênh cảm xúc mà mỗi nhịp nâng lên hay hạ xuống đã trải ra nhiều cung bậc khác nhau của hạnh phúc, tình yêu, nỗi nhớ, cô đơn, dằn vặt, ngậm ngùi… Và cũng ở đó, cô diễn viên múa Thùy Chi nhỏ nhắn dè dặt ngày nào đã trở thành một nữ biên đạo, đồng đạo diễn kiêm luôn nhà sản xuất chương trình. Vậy nên ở đó không chỉ là một nơi chốn, một thời khắc, mà còn là một dấu ấn cuộc đời mà Chi không thể quên.

Sau sô diễn riêng đầu tiên trong đời, bây giờ Thùy Chi trở về với công việc hằng ngày của mình là giảng dạy và biên đạo tại Trường Múa TP.HCM. Giữa những bận rộn thường nhật của một ngày, có khi Thùy Chi lại dịu dàng cất vào bộ sưu tập thời gian của mình những khoảnh khắc ý nghĩa. Như là buổi sinh nhật bất ngờ và “rất múa” ngay trên sàn tập mà người bạn thân Linh Nga chuẩn bị cho cô. Như là những khi bay bổng hay đắm chìm ở một nơi quen thuộc mà cô gọi là “biết bao nhiêu lần nhớ mới quay lại được”. Như là “những bóng người trên sân ga” trong những câu thơ Nguyễn Bính mà Chi đã thuộc lòng: Có lần tôi thấy một người đi/ Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì/ Chân bước hững hờ theo bóng lẻ/ Một mình làm cả cuộc phân ly.

ozNfFXXh.jpg

Tấn Lộc: sứ mệnh của “người anh cả”

Có lẽ nếu có một cuộc bình chọn ngầm trong giới văn nghệ: ai là người khó tiếp cận nhất và ngại trả lời phỏng vấn nhất, thì Tấn Lộc thể nào cũng có mặt trong tốp đầu. Anh ngại nói, nhất là nói về mình, dù luôn tự tin khẳng định: “Anh nói tuy có… gớm nhưng vẫn đỡ gớm nhất trong Arabesque, mấy đứa đó chỉ biết tập thôi, chả biết nói gì”. Mang tiếng là biên đạo nhưng thật ra Tấn Lộc cũng là người thực hiện ánh sáng, chọn nhạc, lo in vé… Nói chung tất tật những công việc có tên và không tên khác, để mỗi lần một vở múa mới được ra mắt là thêm một lần Arabesque in dấu son trong lòng khán giả.

Qua một khoảng thời gian học hành bài bản tại Nhật và Đức từ năm 1988, về nước Tấn Lộc đã trải qua không biết bao nhiêu nhóm múa, từ nhóm múa phong trào của Nhà văn hóa Thanh niên đến nhóm múa danh tiếng của nhà hát Hòa Bình cùng những Thảo Dung, Mỹ Duyên… một thời, biên đạo cho biết bao chương trình, gặp gỡ biết bao anh chị em múa cùng cảnh ngộ khi nhóm múa của nhà hát Hòa Bình giải tán, biết bao tài năng trẻ phí hoài vì không có đất dụng võ… Vậy là năm 2008, Arabesque ra đời và sứ mệnh của “người anh cả” Tấn Lộc vì thế cũng nặng nề và gian nan hơn bao giờ hết.

Gần năm năm qua, anh tự nhận mình đã “xôi thịt” hơn nhiều, nhưng bù lại Arabesque đã có một lượng khán giả của riêng mình. Khán giả của nhóm không đông nhưng đó là lớp khán giả trung thành, tận tụy. Phải dùng từ tận tụy là bởi họ không chỉ bỏ tiền mua vé xem, thậm chí cả những vở đã tái diễn nhiều lần như Mộc, như Chuyện kể những chiếc giày, như Sương sớm mà lúc nào cũng thế, dù trễ cách mấy cũng phải nán lại thêm 30, 40 phút nữa để giao lưu, chia sẻ, góp ý với nhóm ngay sau khi vở diễn xong…

Có lần trong một buổi gặp gỡ, Tấn Lộc bảo: “Ước gì mình có thể bớt thêm được tiền vé nữa cho các bạn học sinh, sinh viên nhưng nghĩ khó quá, bớt 50.000 cho các bạn thì các diễn viên múa phải bỏ thêm 50.000 tiền túi ra. Thế thì tội cho các bạn diễn viên quá”. Mỗi vở diễn ra đời là mồ hôi, công sức, là tiền thật - tiền của anh em, tiền chạy sô, múa hội nghị, múa mở màn mệt nghỉ của cả một êkip, “Chẳng có ai tài trợ cả nên phải thu vén, lo lắng cho chính mình, vở “chết” thì mình cũng chết, mà chết nhất là sẽ không có tiền để… xoay vòng vở mới” - anh nói, nhưng khẳng định vẫn sẽ làm, làm thường xuyên ít nhất mỗi năm/vở, và phải làm thật tử tế, chỉn chu. Chuyến lưu diễn của nhóm vào tháng 10-2014 tại Mỹ trong vòng một tháng sẽ là một bước đệm mới để củng cố thêm tinh thần cho các thành viên, rằng nỗ lực luôn được đền đáp.

Những “mầm non” tiếp nối!

Nghề múa nhọc nhằn ai cũng hiểu nhưng thật may “lửa nghề” luôn được các đàn anh, đàn chị, những thầy cô truyền lại cho thế hệ sau bằng tất cả tấm lòng, sự trải nghiệm và cả chút gì đó như là đồng cảm! Hải Anh và Hữu Thuận luôn là niềm tự hào của Tố Như - hai gương mặt trẻ, đầy triển vọng đã đoạt huy chương bạc tại Liên hoan múa đương đại quốc tế tổ chức tại Hàn Quốc năm 2012.

Vinh Hải, Hồng Nhung, Quang Đăng… trước khi được vinh danh trong một cuộc thi nhảy múa cũng đã là những học viên xuất sắc của Dance Center với sự khổ luyện nghiêm túc trong thể loại múa jazz. Giữa năm 2013, Hồng Nhung đã lên đường sang Canada tiếp tục việc học múa, hứa hẹn ngày trở về không xa với những ấp ủ cô đã luôn mang trong mình từ khi còn ở VN là “sinh ra để nhảy múa”. Trong khi đó, Thư Anh 6 tuổi, và Thiên Khôi 7 tuổi, hai diễn viên nhí từng xuất hiện trong vở Tích Tắc, cũng được biên đạo Tấn Lộc đánh giá là có khả năng thẩm nhạc đặc biệt, rất có năng khiếu để tiến xa hơn cùng nghề múa...

M.T.

MINH TRANG - HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên