Phóng to |
Dòng học sinh liên tục đổ về các khu vực của ngày hội để tìm hiểu thông tin - Ảnh: Như Hùng |
Video clip ngày hội tuyển sinh tại Cần Thơ (phần 1) - Nguồn: Truyền hình Tuổi Trẻ |
Video clip ngày hội tuyển sinh tại Cần Thơ (phần 2) - Nguồn: Truyền hình Tuổi Trẻ |
Và điểm đáng ghi nhận trong ngày hội này là các trường tham gia gian tư vấn đã cố gắng cung cấp nhiều thông tin nhất đến với thí sinh. Ngoài việc cung cấp thông tin, nhiều trường đã bố trí lực lượng cán bộ tư vấn ngay tại khu vực của mình để giải đáp tối đa các thắc mắc và băn khoăn của học sinh về chương trình và yêu cầu đào tạo, cơ hội nghề nghiệp.
Một nghề cho “chín”
Tặng 10.000 Cẩm nang tuyển sinh điện tử Trong khuôn khổ Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Cần Thơ, Tuổi Trẻ đã gửi tặng các bạn học sinh 10.000 CD Cẩm nang tuyển sinh điện tử 2012. Đây là bộ tài liệu tổng hợp do Tuổi Trẻ biên soạn với nhiều nội dung phong phú, giúp học sinh trắc nghiệm chọn ngành nghề, làm thử bài thi, tham khảo tư liệu điểm chuẩn, chỉ tiêu 2012 của các trường... Tuổi Trẻ đã chuẩn bị 100.000 CD Cẩm nang tuyển sinh điện tử để gửi tặng các bạn học sinh lớp 12 trong thời gian chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh năm nay. |
Khi chọn ngành, học sinh cần căn cứ vào sở thích, năng lực và điều kiện của mình. Nếu chọn ngành theo xu thế số đông, không theo sở thích của mình, khi vào học sẽ chán nản và khó đạt được kết quả tốt, từ đó ảnh hưởng đến cơ hội việc làm sau này. Đây là những nội dung được các thành viên ban tư vấn liên tục nhắc lại trong các câu hỏi của học sinh liên quan đến việc chọn ngành nghề.
Thế nhưng, mối quan tâm của học sinh không chỉ có vậy. Qua các câu hỏi đặt ra cho ban tư vấn, có thể nhận thấy các bạn đã có sự chuẩn bị khá kỹ, đặt ra những vấn đề liên quan đến cơ hội nghề nghiệp sau này.
“Người có hai bằng ĐH của những trường bình thường và người chỉ có một bằng ĐH của trường danh tiếng, cơ hội việc làm của người nào sẽ tốt hơn?”. Câu hỏi của một học sinh đã được các thành viên ban tư vấn chia sẻ khá tận tình. Thực tế không ít học sinh cho rằng phải thi vào trường danh tiếng để sau này dễ xin việc, bất chấp năng lực của mình thế nào.
TS Trần Thế Hoàng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho rằng bể học là mênh mông nên phải học suốt đời.
“Nếu có điều kiện, thời gian và sức khỏe cho phép, có thể học để lấy hai bằng ĐH. Điều này là rất tốt. Tuy nhiên theo TS Hoàng, chỉ nên tập trung học một ngành cho thật tốt. Chúng ta trang bị nhiều vũ khí nhưng cái nào cũng không tốt sẽ không thể bằng một loại vũ khí nhưng lại sắc bén. Nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào kết quả học tập để đánh giá một phần năng lực của các bạn. Bằng cấp từ trường nào không quan trọng, cơ hội việc làm tùy thuộc vào kiến thức, kỹ năng và cách thể hiện của các bạn. Khi làm việc, các bạn có thể tự trang bị thêm kiến thức cho mình từ kinh nghiệm thực tế, từ tài liệu tham khảo” - TS Hoàng chia sẻ.
Ngành nào dễ tìm việc?
Một điểm chung trong rất nhiều câu hỏi của thí sinh đó là học ở đâu, học ngành gì để dễ tìm việc. Đây không chỉ là vấn đề chọn ngành mà còn gắn với nhiều yếu tố khác như điều kiện kinh tế gia đình, nhu cầu nhân lực của xã hội đối với các lĩnh vực ngành nghề.
Thạc sĩ Nguyễn Vĩnh An - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Cần Thơ - chia sẻ cùng một ngành có nhiều trường đào tạo, cả các trường địa phương, trường khu vực và các trường ở thành phố lớn. Tuy nhiên, khi chọn học ở các trường gần nhà mình hơn, chi phí học tập sẽ ít hơn so với học tại TP.HCM.
ĐBSCL có thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản và đang phát triển mạnh kinh tế thủy sản đem lại nguồn lợi lớn thông qua xuất khẩu. Do đó, ngành này cần nhu cầu nhân lực rất lớn.
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - giải thích thêm: thường học sinh nghĩ rằng học ngành nông nghiệp ra trường sẽ phải chân lấm tay bùn nhưng không phải như thế. Chẳng hạn công nghệ thực phẩm là một trong những ngành rất phù hợp với sự phát triển của các tỉnh ĐBSCL. Các sản phẩm chế biến từ ngành này đều có nguồn gốc từ nông nghiệp như thủy sản, trái cây...
Sản lượng trái cây của VN cả triệu tấn/năm nhưng hầu hết mới chỉ tiêu thụ sản phẩm thô, giá trị kinh tế không cao. Việc chế biến sẽ nâng cao giá trị của trái cây hơn so với tiêu thụ sản phẩm thô. Do đó, công nghiệp chế biến sẽ hết sức phát triển và cần nhiều nhân lực có trình độ để thực hiện việc này.
Tư vấn cho thí sinh về ngành công nghệ thông tin, TS Nguyễn Kim Quang, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), cho rằng: “Hiện nay đất nước ta đang phát triển, cần nhiều nhân lực về công nghệ thông tin. Lưu ý những nhân lực hoặc trình độ cao hoặc có những trình độ chuyên môn sâu. Về phần mềm, các bạn theo dõi thấy VN đang tham gia gia công phần mềm cho các nước”.
Khi thí sinh phân vân giữa ngành luật kinh tế và luật thương mại, thạc sĩ Lê Văn Hiển, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, tư vấn: “Đây là hai tên gọi khác nhau của một ngành đào tạo. Cơ hội việc làm của sinh viên ngành luật nói chung và ngành luật kinh tế, thương mại nói riêng hiện rất nhiều. Các em cần học tập tốt kiến thức chuyên môn, tự trang bị kỹ năng mềm và ngoại ngữ thì sẽ dễ tìm việc hơn”.
Đừng quá căng thẳng
Trong khi đó, TS Trần Thế Hoàng lưu ý thêm: ĐBSCL có thế mạnh về nông nghiệp nên thí sinh cần lưu ý đến nhóm ngành kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn... Nhóm ngành thủy sản với các dịch vụ nuôi trồng, chế biến chắc chắn sẽ cần nhiều nhân lực. Trong khi đó dịch vụ du lịch cũng đang rất phát triển tại khu vực này và dĩ nhiên phải cần đến nhân lực có trình độ. Thí sinh có thể tìm hiểu và chọn những ngành xã hội đang có nhu cầu, như thế cơ hội việc làm sẽ tốt hơn.
Tại ngày hội, nhiều học sinh cũng bày tỏ băn khoăn khi ngành mình yêu thích thường có tỉ lệ “chọi” quá cao. Chia sẻ lo lắng này, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, khuyên: “Các em đừng quan tâm lắm đến tỉ lệ “chọi”. Có trường tỉ lệ “chọi” cao nhưng điểm chuẩn không cao. Ngược lại, nhiều trường có lượng thí sinh dự thi không đông nhưng chủ yếu là thí sinh có học lực tốt nên điểm trúng tuyển thường rất cao. Do đó, các em chỉ nên tìm hiểu về trường phù hợp với khả năng của mình chứ không nên quan tâm lắm đến tỉ lệ chọi”.
Tư vấn cho thí sinh cách vượt qua những căng thẳng mùa thi, TS Đinh Phương Duy - chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM - cho rằng nếu đặt nặng vấn đề ăn thua thì mình sẽ thấy rất khó khăn.
Trong đời người chúng ta đối diện với rất nhiều kỳ thi. Mỗi kỳ thi sẽ có tầm quan trọng riêng nên cần phải xem mỗi kỳ thi như một cuộc sát hạch trong đời. Chính vì thế học sinh nên đối diện với kỳ thi hết sức thoải mái, không nên quá lo lắng hoặc sợ hãi. Vả lại khi chuẩn bị một tâm thế thoải mái trước kỳ thi thì bước vào kỳ thi chúng ta sẽ bớt đi trạng thái lo lắng.
Nhiều phụ huynh và giáo viên cũng có mặt Sau hai ngày diễn ra, Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2012 tại Cần Thơ do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP Cần Thơ phối hợp tổ chức đã cung cấp thông tin và tư vấn cho hơn 30.000 học sinh các tỉnh miền Tây sông nước. Từ các tỉnh thành lân cận Cần Thơ đến các tỉnh xa như Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang..., học sinh, phụ huynh đã không quản ngại đường sá xa xôi đến với ngày hội để trực tiếp tìm hiểu thông tin trường mình muốn dự thi, để được các thành viên ban tư vấn định hướng nghề nghiệp trước ngưỡng mùa thi. Không chỉ học sinh, rất nhiều phụ huynh và thầy cô giáo tại các trường THPT đã đi cùng con và học sinh của mình để cùng được tư vấn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận