20/06/2023 08:21 GMT+7

Ngày Báo chí 21-6: Bài viết nhỏ, thay đổi lớn

Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, tôi chia sẻ kỷ niệm đầu tiên trong đời khi cộng tác gửi bài dự thi viết ngắn về mẹ do báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2004 và bài viết của tôi đoạt giải khuyến khích.

Tác giả, là thầy giáo, trong lần giao lưu, nhận giải “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tác giả, là thầy giáo, trong lần giao lưu, nhận giải “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Niềm vui của tôi không phải là phần thưởng vật chất mà là tôi có dịp giãi bày tình cảm của mình với mẹ, mặc dù tôi biết lúc này mẹ không hiện hữu trên đời.

Bài viết của tôi cũng được Tuổi Trẻ chọn đăng trong tập sách "Mẹ tôi" do nhiều tác giả viết trong tập 1 tựa "Lời xin lỗi muộn màng" và Nhà xuất bản Trẻ còn thu đĩa sách nói.

Quan trọng là mình viết về nội dung gì, bạn đọc đọc xong bài viết đó có nhớ tên tác giả là ai và nội dung chính bài viết không, bài viết có lan tỏa chạm đến mọi người trong cộng đồng xã hội không.

Bút danh không quan trọng bằng nội dung

Phấn khích tinh thần, từ đó tôi mạnh dạn, thỉnh thoảng gửi bài viết phản ánh về ngành giáo dục trên báo Tuổi Trẻ như bài: "Vào mùa sáng kiến kinh nghiệm", "Giáo viên lúng túng khi dạy mô hình mới", "Giáo viên chạy không kịp công nghệ thông tin"….

Tôi đam mê và thích viết báo nhưng chưa bao giờ tự nhận cho mình là nhà báo dù bạn bè quen cứ gọi đùa mình là nhà báo không thẻ, nhà báo nghiệp dư, nhà báo không chuyên, nhà báo không bút danh…

Nói về lý do tại sao tôi không đặt bút danh cho mình, nhiều người cũng hỏi tôi: "Sao không đặt cho mình bút danh như những nhà báo khác", tôi chỉ nói: "Quan trọng là mình viết về nội dung gì, bạn đọc đọc xong bài viết đó có nhớ tên tác giả là ai và nội dung chính bài viết không, bài viết có lan tỏa chạm đến mọi người trong cộng đồng xã hội không.

Chứ còn đặt bút danh cho hay, là mỹ từ cho đẹp, cho kêu mà không có bài viết nào ra hồn thì cũng như không, bạn đọc đọc xong bài viết chẳng có ai thèm nhớ đến mình thì cũng như không dù có bút danh đẹp nằm dưới góc phải bài viết".

Tôi xác định cho mình nghề chính đang đeo đuổi là nhà giáo, còn đến với viết báo là cái nghiệp vì nhờ các bài viết đã giải tỏa tinh thần, suy nghĩ của mình và giãi bày được tâm trạng của mình qua từng dòng, từng bài viết.

Từ khi cộng tác với báo mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui trong cuộc sống, tôi nhận thấy mình lạc quan, yêu đời, yêu nghề, yêu người nhiều hơn.

Tôi nhớ giữa năm 2016, tôi có bài viết nhỏ "Quen người chết hay sao cúi đầu chào" đăng trên Tuổi Trẻ Online.

Bài viết này tôi được ban biên tập của báo chọn trao giải thưởng "Làm báo cùng Tuổi Trẻ" tháng 7-2016. Hình như cũng từ bài viết này tôi cảm nhận có nhiều người quan tâm đến nội dung bài viết và biết tôi nhiều hơn.

Trong đó có người đang công tác trong ngành giáo dục và có người chỉ là lao động bình thường, làm nội trợ…, khi gặp họ nói chuyện tâm sự tôi thấy trỗi dậy nhiều niềm vui từ bài viết nhỏ này. Cũng từ đó tôi hứng khởi viết hơi nhiều, trở thành cộng tác viên của báo Tuổi Trẻ.

Muốn kể những câu chuyện đẹp

"Quen người chết hay sao cúi đầu chào" là câu chuyện tôi muốn kể về một hình ảnh đẹp, biết ngả mũ cúi đầu chào tiễn người quá cố khi có đám tang đi qua. Đó là một câu chuyện giáo dục, rất nhân bản mà không ít bạn trẻ ngày nay lạ lẫm và không có thói quen thực hiện.

Thế nhưng câu chuyện đã phần nào đó chạm đến trái tim nhiều người, nhất là người ở lứa tuổi từ 50 trở lên.

Như thầy Lê Hà Khanh, hiệu trưởng Trường THPT An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM (bây giờ thầy đã nghỉ hưu) có lần nói với tôi: "Mấy tháng trước, anh có đọc bài viết của em trên báo Tuổi Trẻ cảm thấy nó "đã" và "trúng tim đen" làm sao, nội dung bài viết anh nghĩ đúng như những ý em viết".

Rồi thầy Khanh kể: Hồi đó, thời tuổi mình đi học ở trường thầy cô dạy rất kỹ việc trước khi đi học và đi học về phải biết khoanh tay thưa ba má và người lớn trong nhà.

Còn đi học hay đi chơi ở ngoài đường thấy người lớn đi trước mặt phải biết cúi đầu chào, thấy trẻ nhỏ té ngã phải biết đỡ dậy, gặp đám tang đi ngang qua thì thầy cô và cả học sinh không ai bảo ai phải biết ngả mũ cúi chào.

"Bây giờ, anh không còn ba má nhưng vẫn giữ thói quen đó, ngày nào cũng vậy, trước khi lên xe đi làm bao giờ anh cũng gọi cho chị nhà: Em ơi! Anh đi dạy nghen", thầy Khanh bộc bạch.

Đúng là từ khi tôi có bài viết ngắn dự thi đăng trên báo Tuổi Trẻ và sau đó là giải thưởng "Làm báo cùng Tuổi Trẻ", tôi phải cảm ơn cái duyên này.

Ấy chỉ là những bài viết nhỏ, những khoảnh khắc vui nho nhỏ đã làm thay đổi lớn cuộc đời của tôi. Ấy là động cơ giúp tôi ngày càng viết "sung" hơn và trở thành nhà báo "nghiệp dư" lúc nào không hay.

Thư cảm ơn nhân Ngày báo chíThư cảm ơn nhân Ngày báo chí

TTO - Nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, Tuổi Trẻ đã nhận được rất nhiều chia sẻ, động viên, gửi gắm của lãnh đạo các cấp, các bộ, ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là bạn đọc Tuổi Trẻ khắp mọi miền.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên