16/07/2018 07:30 GMT+7

Ngày ấy mình đã yêu: Tìm mọi cách đánh bay mùi kim chi

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Đưa vào phim thơ, những câu thoại ngôn tình, thậm chí, ‘bựa’, ‘nhây’ kiểu Việt Nam, biên kịch Nguyễn Thu Thủy đã đánh bay mùi kim chi khi remake kịch bản Hàn Quốc.

Nguyễn Thu Thủy thuộc diện biên kịch "đẻ nhiều", "đẻ khỏe".

Trong vòng 10 năm, chị tự viết và là đồng tác giả của hàng chục bộ phim truyền hình trong Nam, ngoài Bắc. Ngoài ra, Thu Thủy còn "cày" truyện ngắn, tiểu thuyết trên mạng và đã in thành sách.

Ngày ấy mình đã yêu: Tìm mọi cách đánh bay mùi kim chi - Ảnh 2.

Biên kịch Nguyễn Thu Thủy - Ảnh: NVCC

Nhận Việt hóa kịch bản bộ phim truyền hình Hàn Quốc Tình yêu tìm thấy, ban đầu Nguyễn Thu Thủy làm việc trong tâm thế "vì nhiệm vụ được giao".

Nhưng chị đã sớm nhận ra một kịch bản không quá nổi tiếng của Hàn còn nhiều đất cho mình sáng tạo.

Biên kịch Nguyễn Thu Thủy đã trò chuyện với Tuổi Trẻ Online về hậu trường thực hiện bộ phim.

- Ngày ấy mình đã yêu là dự án đầu tiên tôi Việt hóa. Đó là một trải nghiệm mới mẻ trong kinh nghiệm sáng tác của tôi, khi yêu cầu công việc là tái tạo một câu chuyện mới trên một chất liệu sẵn có. Hơn nữa, chất liệu ấy vốn cũng chỉ là một câu chuyện tình tay ba đơn giản. Nghe qua tưởng như dễ dàng. Nhưng thực sự đó cũng là thách thức.

Quá trình Việt hóa của tôi diễn ra tương đối thuận lợi, khi những phương án đề xuất thay đổi của tôi với kịch bản chấp thuận. Tôi có thể tận dụng tối đa những ưu thế của bản gốc, nhưng cũng hoàn toàn có quyền thay đổi tình huống, sự kiện, mà theo như lời anh Khải Anh nói "Em làm gì cũng được, miễn là hay!"

Có điều đáng nhớ là khi tôi vừa viết được sáu, bảy tập thì sức khỏe tôi có vấn đề, phải nhập viện và mổ ngay. Theo lời bác sĩ, ít nhất một tháng sau tôi mới có thể làm việc. Khi đó, lịch trình cho bộ phim đã sẵn sàng, anh Khải Anh nghe xong kêu trời, "mày giết anh đi còn hơn".

Nhưng cả đoàn vẫn chấp nhận lùi lịch chờ tôi. Đó là điều tôi rất cảm kích. Thực sự phải chia sẻ rằng, tôi đã hoàn thiện kịch bản này khi sức khỏe khá dặt dẹo, nhưng, những nhân vật trong câu chuyện lại rất giàu sức sống và luôn khiến tôi có nhu cầu được ngồi vào bàn để đồng hành cùng với họ.

Ngày ấy mình đã yêu: Tìm mọi cách đánh bay mùi kim chi - Ảnh 3.

Nhã Phương trong vai Hạ (trái) và Bảo Thanh trong vai Sol - Ảnh: VTV

* Áp lực của người làm remake là phải sáng tạo hơn so với bản gốc. Chị và đạo diễn Khải Anh đã làm mới như thế nào?

- Chúng tôi không đặt mình vào áp lực sáng tạo bằng mọi giá, nhưng luôn luôn sáng tạo khi có cơ hội. Nếu đã xem bản gốc, mọi người dễ nhận thấy những ưu điểm của cấu trúc tổng thể, nhân vật, cách kể chuyện đã được chúng tôi tận dụng tương đối triệt để.

Nhưng, cũng có những điểm chúng tôi chủ động thay đổi nếu như cảm thấy bản gốc chưa hợp lý hoặc thiếu thuyết phục. Thậm chí, có những thay đổi về mặt hệ thống, như tuyến phụ huynh hay bạn bè của Hạ.

Trong bản gốc, Sol yêu một anh chàng rất xinh trai, nhưng lúc Việt hóa, ngay từ đầu, tôi và anh Khải Anh đã xác định đó thậm chí là một anh chàng xấu mã. Với sự xử lí bất ngờ ở hiện trường và diễn xuất đặc biệt của Xuân Nghị, thì cuối cùng, chúng ta có một anh chàng cảnh sát giao thông, Mr "Cần Trô" thú vị.

Nữ chính trong bản gốc rất dễ thương, nhưng còn nhiều điểm vô lý về tính cách. Tôi quyết định khai thác một cô Hạ nhiều khuyết điểm hơn, "bựa" hơn nhưng cũng đời thường hơn.

Hạ tính toán, thực dụng, trong mọi tình huống sẽ tìm cách xoay xở để có lợi cho mình. Nhưng, sự "xấu tính" của Hạ luôn có những lí do ở đằng sau, đủ khiến cô ấy không trở nên đáng ghét.

Và đặc biệt, trong những tình huống mấu chốt cô ấy luôn nhận thiệt thòi về mình, đủ để trong mắt những người đàn ông, cô ấy đáng được yêu.

Bản gốc đến tập 9-10 là câu chuyện bắt đầu chạy vòng "quanh đống rơm". Tôi và đạo diễn quyết định thay đổi. Những khán giả đã xem bản gốc, hoàn toàn có thể trông đợi điều mới mẻ ở nửa sau Ngày ấy mình đã yêu. Chúng tôi đã chuẩn bị vài phương án kết khác nhau.

Ngày ấy mình đã yêu cũng hài hước hơn bản gốc một tông. Sự hài hước "lầy lội" này mang rất nhiều dấu ấn của đạo diễn trong đó.

Thậm chí, ở tuyến nam chính, đạo diễn còn khai thác nét trẻ con trong những người đàn ông trưởng thành theo những cách khác nhau mà vẫn vô cùng thú vị.

Ngày ấy mình đã yêu: Tìm mọi cách đánh bay mùi kim chi - Ảnh 4.

Bảo Thanh và Chí Thiện trong vai cặp Sol - Đô mang đến nhiều tiếng cười cho phim - Ảnh: VTV

* Trong phim có thơ, thoại rất ngôn tình, nhiều câu thoại tinh quái. Xem ra chị đã được thoải mái "bung lụa"?

- Với nhân vật Hạ, thực sự, tôi đã có đôi chút mang quyền lực của biên kịch để cho cô ấy những nét chấm phá trong chính con người mình.

Nhân vật Hạ là người hay nói vần vèo, viết những thơ ẩm ương dán trên tủ lạnh nhà người yêu. Và thi thoảng nói vài câu đúc kết đầy sến súa. Tôi còn "bắt" cô ấy đọc cả bài thơ Gọi của Hữu Việt mà tôi rất thích.

Tôi cũng "bắt" nhân vật Nam làm món "cơm nắm" mà tôi thích ăn. Nhưng có lẽ, những câu thơ giản dị, những thứ gần gũi như cơm nắm muối vừng… mới là thứ tạo nên đời sống Việt Nam cho phim. Để đánh bay hương vị kim chi, mình phải chủ động gia tăng dưa cà mắm muối.

* Như cách chị đã cho nhân vật Lam trong Zippo, Mù Tạt và Em mưu sinh bằng dưa muối?

- Chị nói tôi mới nhớ tôi từng khốn khổ vì dưa muối. Ban đầu Zippo, Mù Tạt và Em định quay ở phía Bắc, nhưng sau chuyển vào Đà Nẵng.

Cả đoàn đều tự hỏi ở Đà Nẵng người ta có ăn dưa muối không. Đạo diễn Trọng Trinh tìm hiểu thấy người Đà Nẵng vẫn ăn dưa, nên mới quyết định giữ nguyên kịch bản. Làm tôi và đồng nghiệp mất cả tháng tìm cách đổi món cho nhân vật.

* Bản remake này có điều gì khiến chị thấy tiếc không?

- Có. Tôi tiếc là kịch bản đã bồi đắp thêm khá nhiều, cả đoàn đã quay ngày quay đêm vô cùng vất vả khi đóng đô ở Sài Gòn mùa mưa. Thậm chí, cậu quay phim luôn nhắn tin, dọa đánh bom tôi, bảo "sao mà lắm ngoại, đêm đến thế!".

Có những đêm cả đoàn chỉ còn đạo diễn, quay phim và diễn viên tiếp tục, còn lại các thành phần mệt quá quay ra ngủ hết…

Vất vả là thế, nhưng vì tôn trọng điều khoản với bên Hàn Quốc, chúng tôi vẫn chỉ đảm bảo thời lượng 24 tập. Có rất nhiều chất liệu đã phải cắt đi, khiến từ đạo diễn, biên kịch, đến quay phim lòng đau như cắt.

Ngày ấy mình đã yêu: Tìm mọi cách đánh bay mùi kim chi - Ảnh 5.

Dàn diễn viên chính "Ngày ấy mình đã yêu", từ phải qua: Nhan Phúc Vinh, Bảo Thanh, Nhã Phương, Chí Thiện - Ảnh: VTV

* Phim tình tay ba, mô-típ cũ sẽ đòi hỏi diễn viên có khả năng diễn xuất rất tốt thì mới hấp dẫn được khán giả. Chị có hài lòng với Nhã Phương, người đã đóng rất nhiều phim chị viết kịch bản?

- Với Ngày ấy mình đã yêu, Nhã Phương đã tạo nên một nhân vật Hạ, mang dấu ấn của cô ấy. Tôi hơi thương cho Nhã Phương vì giờ đây, chỉ cần cô ấy chảy nước mắt thôi là người ta nói "lại khóc rồi" mà không cần biết cô ấy khóc thế nào.

Tôi nhìn thấy nỗ lực của Nhã Phương để khác mình đi, và cũng thấy cả nỗ lực của anh Khải Anh để tạo ra một Nhã Phương thật khác.

Thực ra, xét một cách công bằng, tôi cho rằng đây là bộ phim mà Nhã Phương đã diễn đa dạng nhất. Chỉ hơi tiếc, đôi khi cô ấy nói bị nuốt thoại, khiến khán giả Bắc sẽ cảm thấy khó nghe.

Nhan Phúc Vinh, cũng là diễn viên tôi yêu mến. Không phải phân đoạn nào, Vinh cũng diễn xuất thần. Cũng có lúc cậu ấy còn hơi gượng. Nhưng cũng có nhiều cảnh, Vinh thực sự khiến tôi tan chảy, khiến tôi thực sự cảm nhận cậu ấy chính là Tùng, và thương cho sự si tình của cậu ấy.

Ngày ấy mình đã yêu: Tìm mọi cách đánh bay mùi kim chi - Ảnh 6.

Biên kịch Nguyễn Thu Thủy cho biết những chuyến đi đã tiếp thêm cho chị nhiều năng lượng sáng tạo - Ảnh: NVCC

* Dù chị đã tìm thấy được sự hào hứng với bản remake, nhưng trong thâm tâm, chắc hẳn các biên kịch Việt Nam vẫn mơ về những kịch bản gốc do chính mình viết?

- Tôi nghĩ đích đến cuối cùng mà điện ảnh hay truyền hình hướng đến, vẫn là một bộ phim hay, chinh phục được nhiều khán giả. Trên hành trình đó, tự sáng tác hay remake sẽ chỉ còn là phương thức mà chúng ta lựa chọn một cách có cân nhắc mà thôi.

Hơn nữa, không phải cứ remake là sẽ an toàn, không phải cứ tự sáng tạo là sẽ rủi ro. Tôi thực sự luôn yêu thích tư cách sáng tác độc lập, vì tính áp đặt của tôi rất lớn. Nhưng tôi cũng hiểu rằng, một biên kịch chuyên nghiệp thì không thể dẫm chân mãi ở chỗ sở trường, mà luôn cần nỗ lực với mọi "đề bài" đặt ra và thực hiện nó một cách tốt nhất.

Tôi đã bắt đầu dự án Ngày ấy mình đã yêu bằng trách nhiệm, nhưng khi kết thúc, nó đã là tình yêu. Tôi luôn yêu những thứ tôi làm.

* Cảm ơn chị, chúc chị sẽ sáng tạo thêm nhiều kịch bản hay.

Các tác phẩm của biên kịch Nguyễn Thu Thủy

Đồng tác giả kịch bản Âm tính: Giải vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc 2010)

Đồng tác giả kịch bản Tuổi thanh xuân: Cánh Diều Vàng cho Phim truyền hình hay nhất 2016, Giải Phim truyền hình ấn tượng VTV Awards 2015.

Đồng tác giả kịch bản Zippo, Mù tạt và Em: Giải Phim truyền hình ấn tượng VTV Awards 2016, Giải Mai vàng cho phim điện ảnh truyền hình được yêu thích 2016, Giải Vàng liên hoan phim truyền hình 2016, Cánh diều vàng phim truyền hình xuất sắc 2016.

Đồng tác giả kịch bản: Lời thú tội của một Eva, Tha thứ cho anh, Chạm vào quá khứ, Thiên sứ lông bông, Cocktail cho tình yêu, Làm bố thật tuyệt, Mùa hạ yêu dấu, Vượt qua bóng đêm, Cho yêu thương quay về, Túm cổ đại gia, Gái già xì tin, Đại ca U70, Chỉ có thể là yêu, Dưới bầu trời xa cách, Ngược chiều nước mắt, Quỳnh Búp Bê.

Là tác giả kịch bản: Những cánh hoa trước gió, Ngày ấy mình đã yêu.

Tập truyện ngắn Những lối về miền hoa, Tiểu thuyết Gái già xì tin, Tập truyện Mắt híp và Môi cuốn lô, Tiếu thuyết Hot Boy và Eo 58.

"Ngày ấy mình đã yêu" : vừa lên sóng đã hot 'Ngày ấy mình đã yêu' : vừa lên sóng đã hot

TTO - Phát sóng mới chỉ 6 tập, 'Ngày ấy mình đã yêu' (phát lúc 21h30 thứ hai, thứ ba trên VTV3 từ ngày 11-6) khiến nhiều khán giả thấy mình đã yêu bộ phim này.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên