Công ty TNHH Tư vấn du học & XKLĐ Nhật Bản Dekirujk tại quận Tân Phú - Ảnh: QUANG PHƯƠNG
Tuy nhiên ở TP.HCM còn rất nhiều doanh nghiệp chưa có phép nhưng vẫn thông báo tuyển người đi lao động ở nước ngoài.
Tuyển dụng tràn lan
Lần theo thông báo tuyển 50 nữ chế biến thủy sản và 60 nam gia công cơ khí, điện tử đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, chúng tôi đến trụ sở của Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực quốc tế Hanabi tại một con hẻm trên đường Phan Đăng Lưu (Q.Phú Nhuận).
Ngay trước cổng treo bảng thông báo tuyển lao động nhiều ngành: cơ khí, vận hành máy, chế biến thực phẩm, nông nghiệp... với mức lương cơ bản từ 26-30 triệu đồng/tháng. Điểm đáng nói là DN này tuyển cả người mới tốt nghiệp THCS để đi Nhật làm việc.
Khi liên hệ, một nhân viên tên Trang tư vấn: "Hiện có đơn hàng cơ khí, nếu muốn tham gia thì khám sức khỏe trước giúp chị. Toàn bộ chi phí dao động từ 130-150 triệu đồng.
Tham gia bên chị, em được tham gia phỏng vấn đơn hàng ở ba công ty mà chị đang liên kết. Mình tham gia đơn hàng thứ nhất rớt thì tiếp tục tham gia đơn hàng thứ hai, không ảnh hưởng hồ sơ gì hết.
Bằng cấp thì từ cấp II trở lên. Nếu có bằng cấp II rồi thì làm bằng cấp III để tham gia phỏng vấn. Phần bằng thì bên chị không trực tiếp làm nhưng sẽ hỗ trợ cho mình cái phần đó! Hỗ trợ không phải bắt đi học mà... làm bằng thôi!?".
Tương tự, tìm đến địa chỉ của Công ty TNHH cung ứng nguồn nhân lực Shinrai (hẻm 872 Quang Trung, Gò Vấp), chúng tôi phát hiện công ty này đang rao tuyển lao động đi Nhật Bản ở rất nhiều ngành nghề như: tiện, kết cấu thép, đúc... với mức lương khoảng 22 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, đơn vị này còn thông báo tuyển kỹ sư đi Hàn Quốc visa E7 ở nhiều nghề: cơ khí chế tạo máy, công nghệ ôtô, cơ khí động lực, phay, bào tiện..., mức thu nhập bình quân từ 45-55 triệu đồng/tháng.
Công ty TNHH tư vấn du học & xuất khẩu lao động Nhật Bản Dekirujk (đường Trần Tấn, Q.Tân Phú) rao tuyển nhiều nghề: cơ khí, lắp ráp, kiểm tra linh kiện ôtô, dệt may, đúc kim loại, đóng gói cơm hộp... Dù không có phép xuất khẩu lao động, nhưng công ty này cam kết tiêu chí: "Dịch vụ bay nhanh, không dự bị, đơn hàng lương cao, phỏng vấn liên tục...".
Tương tự, các công ty khác như: Công ty TNHH thương mại quốc tế Kokura (đường Vườn Lài, Q.12), Công ty phát triển nguồn nhân lực Tokyo VNJ (đường Ba Vân, Q.Tân Bình), Công ty TNHH đầu tư quốc tế Kyoudai (đường Hồng Hà, Q.Tân Bình), Công ty TNHH nhân lực & XNK HGP (đường Bạch Đằng, Q.Tân Bình), Công ty TNHH thương mại dich vụ phát triển nguồn nhân lực Majimeco (đường Cống Lỡ, Q.Tân Bình), Công ty CP phát triển nhân lực Hakone (đường Nguyễn Văn Lượng, Q.Gò Vấp), Công ty TNHH nhân lực quốc tế V&J (đường Quang Trung, Q.Gò Vấp)... cũng đều đang thông báo tuyển dụng XKLĐ Nhật Bản và nhiều quốc gia khác.
Một số trung tâm ngoại ngữ, công ty du học cũng thông báo tuyển xuất khẩu lao động. Công ty TNHH Meia Việt Nam (đường Bạch Đằng, Q.Tân Bình) tuyển các đơn hàng chế biến đóng gói thực phẩm, gia công sắt thép, lắp ráp linh kiện điện tử, giặt ủi, may... với mức lương 22 triệu đồng/tháng.
"Chi phí để đi tầm 120 triệu đồng, chưa tính chi phí học tiếng, ăn ở" - một nữ nhân viên tư vấn qua điện thoại cho chúng tôi.
Sai quy định
Chúng tôi đã chuyển thông tin các doanh nghiệp nêu trên đến Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). Bà Trần Thị Vân Hà, trưởng phòng thông tin truyền thông của cục, cho biết các doanh nghiệp Tuổi Trẻ nêu tên chưa được bộ cấp phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Các doanh nghiệp này đăng tin rao tuyển, tư vấn, thu tiền của học viên như vậy là sai quy định.
"Bởi hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được điều chỉnh bởi Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật 72/2006). Do đó, doanh nghiệp tổ chức hoạt động dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài phải có đầy đủ điều kiện theo quy định. Doanh nghiệp có giấy phép phải trực tiếp tuyển chọn, tư vấn, đào tạo, thu tiền và quản lý người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài" - bà Hà nói.
Ông Tống Hải Nam, cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho hay theo quy định của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chỉ các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, có hợp đồng cung ứng lao động cho đối tác nước ngoài đã được bộ chấp thuận mới được phép tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Các doanh nghiệp này phải trực tiếp tuyển chọn lao động, không được ủy quyền hoặc hợp tác với các doanh nghiệp không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tuyển chọn lao động.
"Nếu nhận được những phản ảnh cụ thể về vấn đề này, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ có văn bản chuyển vụ việc tới cơ quan công an để điều tra và xử lý theo Luật hình sự (tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân)" - ông Nam nói.
Toàn quốc hiện có 369 doanh nghiệp được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động xuất khẩu lao động. Ông Tống Hải Nam cho biết Cục Quản lý lao động ngoài nước công khai thông tin về các doanh nghiệp được cấp phép, doanh nghiệp bị đình chỉ và doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép, thông tin về các đơn hàng được cục thẩm định chấp thuận cho doanh nghiệp triển khai, thủ tục đi làm việc ở nước ngoài...
Để tránh bị lừa, người lao động tham khảo trên trang thông tin điện tử của cục: www.dolab.gov.vn. Hoặc gọi điện tới (84-24) 38249517 (máy lẻ 512, 513) để được tư vấn các thông tin cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận