Trong khi đang chạy nước rút để bù lại những tháng mà hoạt động kinh doanh bị đình trệ vì dịch COVID-19, không chỉ chúng tôi mà nhiều doanh nghiệp khác cũng rất sốc khi so sánh mức lãi đang vay với lãi suất tiết kiệm hiện nay, nhất là sau khi nghe thông tin "Lãi vay gần gấp đôi lãi huy động" (Tuổi Trẻ 7-12).
Công ty chúng tôi có vay vốn tại hai ngân hàng, một có trụ sở ở Hà Nội và một có trụ sở tại TP.HCM, tổng dư nợ khoảng 30 tỉ đồng, chia ra làm nhiều hợp đồng để dễ đáo hạn. Đều đặn hằng tháng, chúng tôi nhận được tin nhắn từ ngân hàng thông báo lãi suất vay mới.
Điều lạ là dù Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần có yêu cầu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng lãi suất cho vay của các ngân hàng hầu như không giảm.
Chẳng hạn trong tháng 11 vừa qua, ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội vẫn báo mức lãi cho vay là 11,6%/năm, không thay đổi so với mức lãi hồi tháng 8-2020.
Nếu so với mức lãi 11,7%/năm cách nay sáu tháng, lãi suất cho vay của ngân hàng này chỉ giảm... 0,1%/năm.
Mà thật ra từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp chúng tôi chỉ được giảm lãi suất cho vay vỏn vẹn... 0,1%/năm. Với ngân hàng có trụ sở tại TP.HCM, mức lãi suất cho vay vẫn là 11,2%/năm, áp dụng đến tháng 1-2021.
Chính vì vậy, tôi thực sự sốc khi nhìn lại biểu lãi suất huy động vì không tưởng tượng được hiện có những mức lãi huy động 2,55-3%/năm ở những kỳ hạn ngắn, còn kỳ hạn dài chỉ 5-6%/năm nhưng lãi suất cho vay lại cao như vậy.
Ngay tại ngân hàng mà tôi vay vốn, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng cũng chỉ 5,4-5,6%/năm, đến tay người vay lãi suất lên 11,6%/năm là quá "rát".
Nhưng có phải chỉ chịu lãi suất vay không đâu, chúng tôi còn liên tục nhận được tin nhắn, điện thoại chào mua bảo hiểm nhân thọ từ nhân viên ngân hàng khi sắp đáo hạn một hợp đồng vay.
Do từ chối không được, tôi đã mua một hợp đồng cho bản thân, mức phí đóng mỗi năm 50 triệu đồng. Vẫn chưa hết, nhân viên này lại "nài" tôi mua thêm bảo hiểm cho vợ nhưng tôi từ chối. Như vậy, nếu tính đúng tính đủ chi phí thực chất doanh nghiệp phải trả rất cao.
Chưa kể cuối năm doanh nghiệp cần vốn mà nhiều ngân hàng lấy lý do "hết room" để đẩy lãi suất cho vay lên. Về lý thuyết, doanh nghiệp có quyền được chọn vay ở ngân hàng nào có lãi suất rẻ hơn.
Tuy nhiên, doanh nghiệp đã "cắm" hết tài sản tại những ngân hàng đang vay nên đâu thể chuyển sang vay vốn ở ngân hàng khác, trừ khi tất toán hết khoản vay cũ.
Trong quá trình làm ăn, doanh nghiệp cũng phải cố gắng để có lịch sử tín dụng tốt nên nếu chuyển sang vay tại ngân hàng khác doanh nghiệp phải "làm lại từ đầu", rất khó khăn.
Mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là cộng sinh, lâu dài. Trong lúc dịch bệnh hoành hành suốt cả năm qua, doanh nghiệp đã gắng gượng trụ lại chờ cơ hội phục hồi thì ngân hàng cũng nên chia sẻ với doanh nghiệp nói chung.
Chứ lãi suất huy động xuống thấp mà lãi suất vay vốn từ đầu năm đến nay chỉ giảm 0,1%/năm thì dù ngân hàng có giải thích với lý do gì cũng thật khó thuyết phục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận