Ông Chung cho biết mới đây Quốc hội đã thông qua định mức tài chính để lại cho các tỉnh, thành phố trong đó có Hà Nội. Bình thường trước đây Hà Nội được để lại 42% nguồn thu, nhưng giai đoạn 2017-2020 Hà Nội chỉ được để lại 32%.
Trước việc nguồn thu để lại bị cắt giảm 10% so với trước đây, ông Chung cho hay “Tôi và đồng chí Toản (Nguyễn Doãn Toản - phó chủ tịch UBND TP phụ trách về ngân sách) đã cùng bàn với giám đốc Sở Tài chính, Kế hoạch-Đầu tư.
Hiện mới đưa ra những phương án ban đầu tính toán về tài chính và đầu tư của thành phố trong giai đoạn tới. Trong đó cũng có những tính toán về những dự án chuyển tiếp của giai đoạn 2011-2015, những dự án của năm 2016 và những dự án dự kiến triển khai giai đoạn 2017-2020. Và cũng đã tính toán việc phát hành trái phiếu".
Theo ông Chung, một trong những việc cần phải triển khai tiếp khi ngân sách bị cắt giảm, đó là tiết kiệm chi thường xuyên.
“Năm 2016 là năm điển hình tiết kiệm chi thường xuyên của thành phố thì năm 2017 phải tiếp tục tiết kiệm từ chi thường xuyên. Việc tiếp theo là thực hiện quyết liệt các chỉ tiêu kinh tế xã hội đặt ra đầu năm, đặc biệt là thu ngân sách” - ông Chung gợi ý.
Theo UBND thành phố, dựa trên nguồn thu đã thực hiện gần 11 tháng, năm 2016 thu ngân sách trên địa bàn thành phố ước đạt hơn 173.000 tỉ đồng, dự kiến đạt 102% dự toán.
Trước việc ngân sách điều tiết để lại cho Hà Nội bị cắt giảm còn 32%, ông Nguyễn Quốc Hùng, phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng cần phải có các giải pháp xung quanh việc điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho thành phố khi giảm còn 32%.
“Khi ngân sách để lại còn 32%, tôi cho rằng một trong những giải pháp đó là mình phải chủ động tăng nguồn thu của mình, trong đó có việc tăng nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất” - ông Hùng cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận